13 bí quyết “vàng” trong quản trị doanh nghiệp

Tác giả Tracey Dahlmanns đã viết về nguyên tắc quản trị doanh nghiệp trong cuốn sách do Nhà xuất bản Kindle ấn hành năm 2011 mang tên Management Tips (tạm dịch: Những lời mách nước cho công việc quản trị) với độ dày chỉ… sáu trang!

Đó là 13 điều thật sự quan trọng và bổ ích mà ông đúc rút để chia sẻ với các nhà quản trị doanh nghiệp.

1. Các nhà quản trị cần biết tất cả các công việc trong doanh nghiệp. Trách nhiệm quan trọng của nhà quản trị là đào tạo và hỗ trợ nhân viên thực hiện tốt công việc được giao. Một nhà quản trị không nắm bắt được công việc của bộ phận mình phụ trách sẽ không được nhân viên tôn trọng. Khi thấy nhân viên tỏ ra rành việc hơn mình, nhà quản trị có cảm giác thiếu tự tin, bất an và có xu hướng hạn chế cơ hội thăng tiến của những nhân viên như vậy.

2. Tôn trọng nhân viên. Nhân viên sẽ giảm lòng tin đối với doanh nghiệp khi cấp trên tỏ ra không lắng nghe và không tôn trọng họ. Ngược lại, khi được tôn trọng, nhân viên có xu hướng tự hoàn thành công việc, không cần đợi nhắc nhở.

3. Không nên than phiền và nói ra những điều không hay về nhân viên cũ. Than phiền về người không còn làm việc tại doanh nghiệp với nhân viên đang làm việc là điều tối kỵ, chắc chắn không được nhân viên tôn trọng.

4. Cần chủ động hỗ trợ để hoàn thành phần việc của nhân viên vắng mặt. Vắng mặt một nhân viên, những người còn lại đôi khi bị gián đoạn công việc. Nhà quản trị làm thay công việc của người vắng mặt sẽ vừa giúp những nhân viên khác hoàn thành công việc, vừa giúp công việc trong ngày không bị tồn đọng. Khi trở lại, người nhân viên vắng mặt sẽ rất cảm kích.

5. Không thiên vị bất cứ ai. Không tập trung đào tạo quá nhiều cho một vài nhân viên nhất định, mà tạo cơ hội đồng đều cho mọi nhân viên.

6. Không hứa hẹn cất nhắc nhân viên nếu không có cơ sở chắc chắn. Sau một thời gian chờ đợi mà không thấy sếp thực hiện lời hứa, nhân viên sẽ không tin tưởng vào sếp nữa.

7. Không tránh né nhân viên. Nhà quản trị không nên bộc lộ mình không thích nhân viên nào và nói ra những điều không hay về người ấy cho bất cứ ai. Dù thích hay không, nhà quản trị vẫn nên giao tiếp và đối xử công bằng như nhau với mọi nhân viên.

8. Đãi ngộ tương xứng với cống hiến của nhân viên. Các nhân viên đều cảm thấy hài lòng và yêu mến doanh nghiệp khi được đãi ngộ tương xứng với những gì họ đã cống hiến. Nếu nhân viên có xu hướng tìm chỗ làm mới chỉ vì chế độ đãi ngộ tốt hơn thì nhà quản trị nên xem xét lại cách thức đánh giá và đãi ngộ đang áp dụng.

9. Ai cũng có một cuộc đời bên ngoài nơi làm việc. Vậy nên, việc họ xin phép vắng mặt do người thân bị bệnh, giải quyết việc riêng… phải được đồng ý, dù điều đó ít nhiều ảnh hưởng hoạt động chung của doanh nghiệp. Nhà quản trị chỉ ngăn chặn khi có người lợi dụng điều này mà thôi.

10. Chấp nhận chế độ làm việc linh động khi cần thiết. Có khi, vì những lý do chính đáng, nhân viên muốn được làm việc theo thời gian biểu linh động (ví dụ đến sớm, vắng mặt giữa giờ, làm bù sau khi mọi người đã ra về) và nhà quản trị có thể linh hoạt giải quyết.

11. Luôn đón nhận ý kiến và không quên giải quyết vấn đề mà nhân viên đã đề xuất. Nhân viên luôn có các vấn đề phát sinh và nhà quản trị sẽ giải quyết đồng thời phải bảo vệ các thông tin riêng tư mà họ gởi gắm. Người quản lý sẽ được nhân viên tin tưởng khi giải quyết vấn đề có tình có lý, theo một chính sách nhất quán, không thiên vị ai.

12. Vừa là người hướng dẫn vừa là người lãnh đạo. Nhà quản trị hướng dẫn các nhân viên hoàn thành công việc, khi cần thì giải thích và minh họa bằng cách làm cụ thể. Việc làm này giúp nảy sinh sự tin tưởng của nhân viên vào sếp và doanh nghiệp.

13. Người quản lý thay mặt người sử dụng lao động, nhưng là người luôn bảo vệ nhân viên. Nhà quản trị giúp nhân viên hiểu và tuân thủ các quy định, thủ tục của công ty. Đồng thời, họ hiểu và luôn bảo vệ và đấu tranh vì quyền lợi của nhân viên mình khi cần thiết.

Trong 13 điều nêu trên, tác giả cho rằng tôn trọng nhân viên, đãi ngộ họ xứng đáng và biết bảo vệ nhân viên là những điểm quan trọng nhất mà các nhà quản trị nên ghi nhớ.

Theo DNSG