4 bước để giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp

Mỗi khởi nghiệp viên khi khởi nghiệp đều có thể hình dung được những rủi ro sẽ gặp phải, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách hạn chế rủi ro và tăng khả năng thành công của mình

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, thất bại của những doanh nghiệp khởi nghiệp thường tập trung vào 5 vấn đề: khách hàng, mô hình kinh doanh, sản phẩm, tài chính và nhân lực. Một doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thành công cần tránh những rắc rối về những vấn đề trên và phải nhanh chóng mang được sản phẩm, dịch vụ đến với thị trường. Để cải thiện cơ hội thành công, các Startup nên tuân theo 4 bước sau:

Xây dựng thị trường ngách cho sản phẩm, dịch vụ.

Một trong những thất bại đầu tiên của khởi nghiệp đó là không ai biết đến sản phẩm – dịch vụ của mình. Các khởi nghiệp viên thường nghĩ rằng, sản phẩm khi ra đời sẽ đáp ứng được hầu hết nhu cầu của thị trường, nhưng thực tế không phải vậy. Việc cần làm đầu tiên khi đưa sản phẩm ra thị trường là tìm cho mình một thị trường ngách. Thị trường ngách được hiểu là một tập hợp con của thị trường, nó chứa phân khúc khách hàng đặc thù của từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, thị trường xe máy sẽ có nhiều thị trường ngách như: xe máy trên 50 phân khối, xe máy từ 100 – 175 phân khối, xe 175 đến 250 phân khối, xe ga, xe số, xe côn tay v.v…

Xác định chính xác thị trường ngách và tập trung để đưa sản phẩm chất lượng đến với thị trường này là một hướng đi rất đúng đắn.

Gây sự chú ý cho sản phẩm.

Marketing, quảng cáo hay truyền thông có vai trò rất lớn trong việc định hình sản phẩm của doanh nghiệp trong mắt khách hàng tiềm năng. Ngoài việc tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ chất lượng, khởi nghiệp viên phải chú ý tới việc mang sản phẩm của mình đến với truyền thông, hoặc có thể hợp tác với bên thứ ba để làm việc này.

Một chiến lược tiếp thị với nội dung tốt là chìa khóa mở cánh cửa thành công. Thực hiện điều này thường xuyên sẽ xây dựng được mối quan tâm đến sản phẩm và dần dần gây dựng được niềm tin đối với những khách hàng tiềm năng.

Chủ động trước những thay đổi của thị trường.

Thị trường luôn biến động và có những diễn biến không ai có thể đoán chính xác được. Khởi nghiệp viên cần theo dõi chặt chẽ thị trường, nắm bắt được những xu thế mới nhất để có thể định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Khi thị trường có sự thay đổi, khởi nghiệp viên cần chủ động, linh hoạt đánh giá những thách thức, cơ hội mới để có thể bắt kịp với những đối thủ của mình.  Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa được rủi ro do thị trường gây ra.

Tập trung vào thế mạnh bản thân

Thông thường khi mới khởi nghiệp, các khởi nghiệp viên không có nhiều ngân sách sẵn có và họ phải tự làm mọi việc có thể để tiết kiệm được chi phí. Khởi nghiệp viên có thể tự mình xây dựng website, làm việc với công ty marketing, thậm chí làm kế toán v.v.., điều này không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra trong một thời gian dài, khởi nghiệp viên sẽ bị xao nhãng và phân tán sự tập trung. Thay vào đó, họ nên tập trung vào mảng thế mạnh của mình, và tìm những đồng nghiệp có khả năng bổ sung những kỹ năng còn thiếu để phát triển dự án.

Theo ICTnews