9 xu hướng nổi bật của kinh tế thế giới năm 2015

Hội đồng Nghị sự Toàn cầu (Global Agenda Councils), thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) vừa công bố báo cáo “Toàn cảnh về nghị sự toàn cầu năm 2015” đã đưa ra “mười xu hướng nổi bật nhất” của nền kinh tế thế giới trong năm 2015.

w620h405f1c1-files-articles-2014-1085922-dd-30-1419990704348

Đây là kết quả từ một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ 1.767 nhà lãnh đạo trong các khu vực học thuật, doanh nghiệp, chính phủ, và các tổ chức phi lợi nhuận.

1. Bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng hơn

Trên thế giới, vấn đề bất bình đẳng thu nhập mới chỉ được kiểm soát ở một số ít quốc gia như Brazil, Bwanda, Mexico bằng việc hoạch định chính sách tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này trên một quy mô lớn đòi hỏi các quốc gia phải đầu tư nguồn lực, hoạch định chính sách giáo dục, chính sách thuế và việc làm không chỉ từ khu vực chính phủ mà còn từ sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân.

2. Thất nghiệp gia tăng

Mặc dù đã vượt qua giai đoạn suy thoái, các nền kinh tế vẫn đang hoạt động cầm chừng trên con đường phục hồi, hoặc xấu hơn là phải đối diện với việc cắt giảm quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển của sản xuất theo chiều hướng ứng dụng nhiều hơn tiến bộ công nghệ và tự động hoá đang đe dọa việc làm của người lao động trên toàn thế giới.

3. Thiếu hụt các nhà lãnh đạo kiệt xuất

Hơn 86% số người từ cuộc khảo sát đồng ý rằng ở thời điểm hiện tại đang xảy ra khủng hoảng lãnh đạo kiệt xuất trên thế giới. Việc thiếu hụt lãnh đạo kiệt xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thất bại trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, vấn đề bạo lực hay xung đột.

Tham nhũng và phe phái xảy ra ở khắp mọi nơi cũng được xem là một lý do lớn dẫn đến khủng hoảng lãnh đạo.

4. Cạnh tranh khốc liệt về địa – chiến lược giữa các quốc gia và khu vực

Quan hệ Hoa Kỳ-Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bất ổn của Ukraina, cùng với sự trổi dậy của phong trào ly khai là một trong những vấn để nổi cộm trong quan hệ Nga – phương Tây.

Những người được khảo sát cũng thể hiện sự lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột vị trí chiến lược giữa các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là nguy cơ xảy ra chiến tranh xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

5. Giảm niềm tin vào các thể chế chính trị

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã làm xói mòn niềm tin của người dân vào các thể chế chính trị. Khủng hoảng ở Hy Lạp và Tây Ban Nha đã gây ra nhiều sự bất ổn. Kết quả khảo sát cho thấy trong khi niềm tin về khu vực kinh tế tư nhân là 58% thì niềm tin dành cho chính phủ chỉ còn 44%.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa người dân và quan chức đại diện cho họ ngày càng gia tăng. Kết quả từ một cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử Liên minh Châu Âu cho thấy trung bình 71% người được khảo sát trên bảy nước EU trả lời rằng tiếng nói của họ không được xem xét trong EU và 65% cho biết EU không hiểu được nhu cầu của người dân.

6. Gia tăng tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt

Philippines phải đối mặt với những cơn bão mạnh nhất trên thế giới. Trong khi đó, những cơn lốc xoáy rộng nhất xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trung Phi, Brazil, Australia phải đối mặt với hạn hán khắc nghiệt hơn, và Pakistan phải hứng chịu một loạt những trận lũ lớn.

Nhìn chung tất cả châu lục đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết khắc nhiệt. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nặng nề nhất cho những khu vực nghèo nhất trên thế giới.

Phần lớn những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra bởi sự biến đổi khí hậu. Đó chính là thách thức lớn cho toàn thế giới.

7. Chủ nghĩa quốc gia càng được đề cao

Vấn đề hợp tác đề cùng phát triển trong một cộng đồng, một quốc gia, hay một khu vực hài hòa đang bị tác động bởi một xu hướng gia tăng về chủ nghĩa quốc gia.

Ví dụ người dân Scotland đã thể hiện điều này trong cộng đồng chung ở Vương quốc Anh trong năm vừa qua. Vấn đề đề cao bản sắc, truyền thống, phong cách sống, và các lợi ích riêng biệt của các nhóm dân cư, khu vực, hay quốc gia riêng lẻ trong một cộng đồng rộng lớn hơn đang được xem là một xu thế trong năm 2015.

Đây được xem là nguy cơ đe dọa làm tổn hại đến những giá trị của hợp tác và xây dựng các cộng đồng hài hòa cùng phát triển trên thế giới.

8. Áp lực về khan hiếm nguồn nước sạch

Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thiếu nước sạch là Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, và Tây Á. Châu Á đang là khu vực chịu ảnh hưởng đặt biệt về việc nguồn cung cấp nước bị hạn chế, do mức độ nghèo đói cao và tăng trưởng dân số nhanh trong đó có các nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh.

Bên cạnh đó, các khu vực như Trung Đông đang phải lo lắng về tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

9. Tầm quan trọng của y tế và chăm sóc sức khoẻ trong mỗi nền kinh tế

Trong khi các nền kinh tế phát triển gặp trở ngại với việc phát triển mạng lưới cho y tế do gánh nặng của dân số già, thì ở các quốc gia đang phát triển thiếu thốn về nguồn lực và cơ sở hạ tầng thách thức cho hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới 50% của sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển được cho là do chênh lệch của vấn đề sức khỏe và tuổi thọ.

Theo Cafebiz