Cận cảnh CNTT cho ngành bán lẻ

Những ghi nhận từ bàn tròn giữa Tạp chí CIO Nga với lãnh đạo CNTT của các mạng lưới bán lẻ hàng đầu nước này cung cấp cái nhìn cận cảnh vào một lĩnh vực ứng dụng đầy năng động.

Mặc dù chịu cạnh tranh khốc liệt, ngành bán lẻ Nga vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, những thành tích này ngày càng ít lệ thuộc vào sức mua của dân chúng mà lệ thuộc vào khả năng điều hành doanh nghiệp của các công ty bán lẻ. Đến lượt mình, các bộ phận CNTT được đòi hỏi phải thường trực đáp ứng nhu cầu khách hàng – công việc trên thực tế không hề đơn giản.

Ví dụ, mùa mua sắm nhộn nhịp cuối năm thực sự là thử thách nghiêm túc đối với các nguồn lực CNTT của doanh nghiệp do chất tải công việc nên các hệ thống gia tăng đáng kể. Nhưng việc này năm nào cũng vậy, hoàn toàn có thể dự báo. Theo ông Denis Chuprik, lãnh đạo CNTT của mạng lưới cửa hàng “Cup đỏ”, ngay từ mùa hè, doanh nghiệp đã biết cần chuẩn bị biện pháp CNTT nào cho mùa mua sắm cuối năm. “Mùa hè là lúc chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm”, Chuprik nói.

Theo ông Denis Sologub, Giám đốc CNTT của mạng lưới “Azbuka Vkusa” (thường thức về khẩu vị), nếu lãnh đạo CNTT không rút ra bài học kinh nghiệm nào từ mùa mua sắm cuối năm trước đó, không hiệu chỉnh chiến lược CNTT, thì đến mùa mua sắm tiếp theo, các vấn đề sẽ lặp lại. Nhưng rút ra bài học từ mùa mua sắm trước đó thế nào? Làm sao để các sáng kiến CNTT có thể được doanh nghiệp thông qua? Đó là chuyện quan trọng khi nói về các nhiệm vụ liên quan đến tiềm lực chất xám của công ty. Chúng thường đòi hỏi phản ứng của doanh nghiệp trước sự thay đổi các quy trình kinh doanh sẵn có. Đây chính là trường hợp mà bộ phận CNTT có thể chứng tỏ khả năng đáp ứng nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp một cách linh hoạt. Nếu bộ phận CNTT không thể làm chuyện này thì doanh nghiệp sẽ khó theo kịp đòi hỏi của điều kiện bên ngoài.

Kinh nghiệm tích luỹ và những ý tưởng mới

Bộ phận CNTT dĩ nhiên cần biết nói chuyện bằng ngôn ngữ kinh doanh. Theo ông Denis Chuprik, không có sự bất đồng trong giao tiếp giữa bộ phận CNTT và doanh nghiệp vì trong công ty, mọi người đều bận bịu vì chung một vấn đề: Họ cùng mục tiêu lợi nhuận, tiền mặt, bành trướng trên thị trường… và không thể thảo luận tất cả chuyện này bằng một ngôn ngữ nào khác. Tuy nhiên, trong nhiều bộ phận chịu trách nhiệm về những hướng khác nhau của công ty thì vẫn tồn tại ngôn ngữ riêng. Ví dụ, kế toán viên dùng từ “lưu chuyển tiền mặt” trong khi lập trình viên dùng từ “giao dịch trong hệ thống”… Rất không đơn giản để có thể tìm ra người hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp và trình bày cho mọi người rõ nó được phản ánh trong CNTT thế nào, xuất hiện trong bản báo cáo tài chính ra sao…

Bà Olga Schepunova, lãnh đạo dự án của Oracle trong mạng lưới cửa hàng “Của bạn” cho rằng nhiệm vụ của doanh nghiệp là nhận thức rằng sử dụng các hệ thống “hạng nặng” như ERP, BI luôn đòi hỏi trình độ tương ứng của người dùng cuối. Nhiệm vụ của bộ phận CNTT là giải thích cho doanh nghiệp rằng họ không nên chờ xuất hiện một “nút lớn” mà khi nhấn vào thì hệ thống sẽ bảo cho họ biết phải làm gì. Việc quyết định vẫn sẽ do con người và để làm điều đó, người ra quyết định phải có trình độ cao không chỉ trong lĩnh vực của mình mà cả trong việc sử dụng các chương trình ứng dụng. Họ cần phải hiểu những con số thể hiện cái gì, đằng sau chúng là gì, phân tích chúng làm gì và như thế nào…

Ở tình huống khi công ty có một nhà quản lí mới, mang theo những hình dung của mình về hệ thống CNTT. Anh ta và chuyên gia CNTT không được thoải mái với hệ thống hiện hành và anh ta bắt đầu “lên lớp” với tầm nhìn về CNTT của mình. Nếu trong trường hợp này, Giám đốc CNTT vì muốn bày tỏ lòng trung thành với “thuyền trưởng” mới mà mù quáng làm theo những yêu cầu của anh ta thì không loại trừ khả năng nỗ lực của CIO sẽ mang lại những kết quả tiêu cực: Công ty mất thì giờ và tiền bạc đã từng đầu tư vào hệ thống CNTT hiện có. Ngoài ra, theo quan sát của ông Sologub, những người đến công ty với “tư tưởng cách mạng” trước các truyền thống sẵn có, thường sẽ sớm rời bỏ công ty! Điều đó lại càng chứng tỏ việc vội vàng làm theo những ý tưởng mới ngược lại với những kinh nghiệm tích luỹ và truyền thống sẵn có là hoàn toàn mù quáng.

Nói chung, vấn đề triển khai các ứng dụng CNTT rất không đồng nhất và đủ phức tạp. Theo Schepunova, không thể khẳng định chắc chắn những kinh nghiệm phương Tây về bán lẻ là đương nhiên tốt ở những khu vực khác. Những kinh nghiệm đó được chấp nhận trong hoàn cảnh thị trường phương Tây với những dòng giao nhận khác, nguyên lí cung ứng khác và với các cự li rất ngắn (so với nước Nga bao la – ND). Một phần các thực tiễn hoàn toàn không phù hợp với điều kiện Nga. Cho nên, cần lưu ý đảm bảo cân bằng giữa việc gán thực tiễn của mình với việc sáng tạo cái mới.

Rất thường gặp trường hợp các nhà cung cấp giải pháp cố gắng triển khai theo thực tiễn phương Tây mà không tính đến đặc điểm địa phương, trong đó có các đòi hỏi của luật pháp địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp Nga không sẵn sàng tiếp thu cả loạt thực tiễn phương Tây (các doanh nghiệp Việt Nam cũng thế – ND). Và càng buồn hơn khi chứng kiến các chuyên gia cố gắng sử dụng một hệ thống duy nhất là ERP để tự động hóa toàn bộ doanh nghiệp và còn rất lấy làm yên trí (!).

Những đám mây

Các công ty bán lẻ tích cực triển khai những giải pháp mới. Họ đã biết vũ trang cho mình công nghệ ảo hoá và kết nối với các đám mây điện toán. Nhưng sử dụng các đám mây phải được hiểu là để truyền dữ liệu tin cậy, rẻ tiền. Theo lệ thường, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ “ngồi” ở các trung tâm thương mại thường đề xuất những dịch vụ viễn thông giá cao hơn hẳn mức trung bình lại không sẵn sàng cam kết đảm bảo tính tin cậy. Nếu ở Thủ đô, những vấn đề như thế có thể giải quyết dựa trên công nghệ kết nối không dây thì ở các vùng miền, những sáng kiến đám mây không ít khi mắc phải các rào cản nghiêm trọng.

Theo quan sát của Denis Andrikov, Phó giám đốc kỹ thuật phụ trách khách hàng của Công ty “Những công nghệ mở” thì hiện tại, các dịch vụ đám mây đã bắt đầu vượt qua các hosting truyền thống. Nhưng đó là những dịch vụ đơn giản, trong khi các khách hàng lớn thích sử dụng các ứng dụng kinh doanh trong các đám mây hơn. Công ty có hạ tầng CNTT riêng luôn hình dung rõ mọi rủi ro từ trung tâm đó cũng như biết cách quản lí chúng. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, những rủi ro nghiêm trọng nhất không phải là thứ mọi người đã hiểu và biết cách phòng chống, mà là những thứ không ngờ tới.

Dù sao, các dịch vụ đám mây cũng không bị ngăn cản bởi các biên giới quốc gia, trừ các trường hợp luật cấm dịch chuyển một số dữ liệu ra khỏi biên giới hành chính. Trên thị trường nội địa Nga đã xuất hiện những lời đề nghị của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây phương Tây. Thật ra, dịch vụ của họ không rẻ và các công ty Nga hoàn toàn có thể dựa trên các dịch vụ của các chuyên gia trong nước. Ngoài ra, cần tính đến các đặc điểm kế toán đối với tài sản: Thiết bị đi thuê sẽ tăng vốn của công ty trong khi chi phí sử dụng thiết bị của bên thứ ba được lấy từ lợi nhuận – vì thế, thuê và mua dịch vụ đám mây sẽ được tài trợ và tính tiền theo những cách khác nhau.

Tuy nhiên, các nhà tích hợp hệ thống, theo Andrikov, không có khuynh hướng xem xét các đám mây như những sáng kiến hướng tới cắt giảm chi phí của khách hàng. Andrikov coi ưu điểm chủ yếu của hạ tầng đám mây là tính linh hoạt trong đáp ứng các đòi hỏi của khách hàng chứ không phải là vì nó rẻ hay khả năng đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi của doanh nghiệp. Các nhà tích hợp hệ thống đang xây dựng những trung tâm dữ liệu thương mại của mình và trong thời gian trước mắt, số lượng chúng sẽ tăng vọt và thị trường hosting sẽ bao gồm những cạnh tranh thực về các dịch vụ từ lâu đã quen thuộc như cung ứng phần mềm hay thiết bị. Nhiều khả năng hơn cả, trong tương lai gần, các nhà tích hợp sẽ khai thác đám mây cho kinh doanh. Rõ ràng, trong trường hợp này sẽ có các nhiệm vụ mà công ty có thể thực hiện đơn giản, hiệu quả hơn trong trung tâm dữ liệu của riêng mình.

Xử lí hàng loạt các yêu cầu

Theo các kết quả nghiên cứu do hãng InfoLine thực hiện, nhịp độ tăng trưởng trung bình về mặt bằng thương mại của Nga từ đầu năm 2010 là 38%. Trước mặt các CIO của các mạng lưới bán lẻ có một môi trường cởi mở cho hoạt động trong điều kiện kế thừa hạ tầng CNTT và khái niệm “tập trung hoá” đang có một ý nghĩa mới. Việc tăng tính hiệu quả trong các mạng lưới bán lẻ được dựa trên cắt giảm thời gian phản ứng trước những thay đổi trong nhu cầu và cắt giảm chi phí tác nghiệp quản lí. Trong tình huống này, nhiệm vụ cấp bách của người quản lí là xử lí hàng loạt các yêu cầu – quá trình tiến hành các tác vụ hợp nhất (tính toán, lưu trữ, loại trừ) trên các dòng chảy mạnh mẽ của các dữ kiện đồng nhất.

Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo bán lẻ, xử lí hàng loạt các yêu cầu là công cụ nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung. Những yêu cầu chức năng chính ở đây sẽ dẫn đến nâng cao tính tin cậy của các mô hình dự báo các chỉ tiêu tài chính và tối ưu hoá khối lượng tồn kho trên cơ sở có đủ thông tin từ các phiên bản trước đó. Theo Denis Andrikov, các quy trình kinh doanh phát triển theo thời gian thực, còn đo đạc, sưu tập dữ liệu và ra quyết định thì phải làm gián đoạn. Các đặc điểm công nghệ của hạ tầng buộc phải phân tách thời gian theo những giai đoạn khác nhau và ứng với mỗi giai đoạn là chiến thuật hay chiến lược của công ty. Khoảng trống giữa những giai đoạn này khác nhau tuỳ thuộc vào doanh nghiệp nhưng nhiệm vụ chung đều dẫn đến cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ có thể giảm thiểu ảnh hưởng của những khoảng gián đoạn này.

(Nguồn: CIO Nga, tháng 12/2010)