Cơ hội nào cho doanh nghiệp phần mềm nguồn mở?

DSC_0641.jpg
Giao luu với các cộng đồng phần mềm nguồn mở.

Nhu cầu ứng dụng CNTT trên nền mã nguồn mở của các địa phương, ngành giáo dục, y tế rất lớn… Đây có phải là cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở?

Đã có tín hiệu lạc quan

Trao đổi tại Hội thảo ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM) 2013 vừa tổ chức tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) cho biết: Năm 2012 đánh dấu một mốc mới đối với PMNM bằng việc triển khai thực hiện Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với một số địa phương đặt hàng xây dựng  7 sản phẩm PMNM thông dụng đã được phát triển, xây dựng và cài đặt vận hành tại một số địa phương như: Phần mềm Cổng thông tin điện tử nguồn mở; Phần mềm thư điện tử đa cấp nguồn mở; Phần mềm thư điện tử cấp tỉnh nguồn mở; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các quận, huyện; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các quận, huyện.

Tất cả những sản phẩm này đã được một số Sở TT&TT chạy thử, đánh giá và nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định tại các văn bản của Bộ ban hành và yêu cầu của từng địa phương thụ hưởng.

Một số thành phố lớn đã triển khai ứng dụng và phát triển PMNM trong việc xây dựng chính quyền điện tử, ví dụ Đà Nẵng triển khai nền tảng Chính phủ điện tử, Hà Nội mở rộng cổng giao tiếp điện tử sử dụng nền tảng nguồn mở…Ngoài ra, nhiều địa phương khác đều mong muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng PMNM vì đây được xem là cứu cánh của các tỉnh, thành có ngân sách eo hẹp.

Bên cạnh đó, nhu cầu ứng dụng CNTT trên nền nguồn mở của các ngành y tế, giáo dục… còn rất lớn. Ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Cục trưởng phụ trách Cục CNTT (Bộ Y tế) cho biết: định hướng của Bộ Y tế từ nay đến năm 2020 sẽ ưu tiên ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và khám chữa bệnh. Ông Phương đã phác họa bức tranh tổng thể về ứng dụng CNTT trong ngành y tế với nhiều dự án quan trọng, trong đó có nhiều dự án đã được phê duyệt, đang triển khai. Đó là, dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu để quản lý, thống kê dữ liệu y tế từ cấp xã, huyện đến cấp Trung ương; Dự án chữa bệnh từ xa; Dự án Bác sĩ gia đình để chăm sóc người dân tại nhà; Dự án phát triển y tế biển đảo.

Đặc biệt là những dự án mà Bộ Y tế mong muốn sử dụng CNTT để nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới của ngành y tế hiện nay với hơn 1.000 bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trên cả nước thực sự là thị trường đầy tiềm năng cho những doanh nghiệp CNTT.

Doanh nghiệp PMNM nỗ lực vượt rào cản

Tuy nhu cầu về ứng dụng CNTT ở các ngành, lĩnh vực, địa phương rất lớn nhưng để phát triển, các doanh nghiệp PMNM phải nỗ lực vượt qua nhiều rào cản.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Chủ tịch Câu lạc bộ tự do PMNM (VFossa) cho biết: “Nhu cầu ứng dụng CNTT của Bộ Y tế thực sự là “cơ hội hấp dẫn” với các doanh nghiệp PMNM trongVFossa. Nhưng từ nhu cầu đến cơ hội thật sự cho doanh nghiệp PMNM thì không dễ tý nào. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực tiếp cận, tư vấn, đặc biệt là xây dựng cộng đồng nguồn mở trong ngành y tế thì mới có thể đặt chân vào thị trường này”.

Ông Nguyễn Thế Trung – Giám đốc Công ty DTT chia sẻ: “Dù biết là thị trường còn nhiều nhu cầu song doanh nghiệp PMNM không thể bán ngay dịch vụ của mình trong thời gian ngắn. Kinh nghiệm mà chúng tôi đúc kết được là để triển khai dịch vụ tại một đơn vị phải khảo sát đánh giá được sự sẵn sàng của đơn vị đó từ quyết tâm của lãnh đạo, chính sách đến quy trình nghiệp vụ, chuẩn hóa dữ liệu…Nói chung phải mất thời gian khá dài để triển khai mới đảm bảo ứng dụng đạt hiệu quả cao. Công ty DTT đã có kinh nghiệm 10 năm triển khai ứng dụng hệ thống lớn ở những nơi ứng dụng CNTT tiến tiến như TP Đà Nẵng, Hà Nội… Vì vậy, DTT cũng có tham vọng tiếp cận với các hệ thống ứng dụng lớn như vậy trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo…”.

Tuy vậy, ông Nguyễn Thế Trung vẫn băn khoăn rằng triển khai PMNM thực chất là cung cấp dịch vụ, trong khi đó nhà nước chưa có cơ chế hạch toán dịch vụ mà chỉ có cơ chế hạch toán sản phẩm. Đây là một trong những trở ngại cho cả doanh nghiệp PMNM và cơ quan nhà nước trong vấn đề thanh toán dịch vụ. “Nhu cầu ứng dụng của các đơn vị rất cấp bách. Vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tìm cách gỡ khó cho các doanh nghiệp PMNM”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, xây dựng cộng đồng cho PMNM là một việc quan trọng hàng đầu nếu muốn phát triển bền vững. Với sự hoạt động tích cực của VFossa, cộng đồng PMNM bắt đầu được hình thành ở Việt Nam. Doanh nghiệp PMNM Việt Nam đã nhận thức được phải tham gia xây dựng cộng đồng vì cộng đồng sẽ hỗ trợ rất tốt cho người sử dụng. Vì vậy, thời gian qua, các cộng đồng PMNM như Nuke Việt, OpenRoad, Fedora… đã tìm cách thu hút người tham gia thông qua các hình thức hội thảo, gala… Nếu doanh nghiệp PMNM không “nuôi dưỡng” cộng đồng sẽ rất khó để phát triển.

Ông Nguyễn Thế Trung nhận định rằng, hoạt động cộng đồng PMNM đang có chiều hướng phát triển, vì vậy đề nghị Bộ TT&TT nên có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng như trích quỹ phát triển ngành công nghiệp để hỗ trợ cho hệ sinh thái này bao gồm người làm chính sách, doanh nghiệp, kỹ sư, sinh viên qua hình thức tổ chức hội thảo, đào tạo lãnh đạo cộng đồng có kỹ năng. Có như vậy thì việc cổ súy cho PMNM mới đạt hiệu quả cao.

Theo ICTnews