Cần mở đường để DN rút lui nhẹ nhàng, có nguyên tắc

Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, nếu được ban hành sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường nhanh nhưng đồng thời cũng tạo thuận lợi để doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một cách nhẹ nhàng, có nguyên tắc.

Góp ý về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đại biểu QH, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị phải rà soát lại bất cứ quy định hành chính nào còn phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, phải hủy bỏ chúng để các thành phần kinh tế đều được tiếp cận các nguồn lực Nhà nước và ngoài nhà nước”.

ĐBQH Vương Đình Huệ cho biết, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, các thành phần kinh tế Nhà nước và tư nhân không quan trọng đối với họ, quan điểm của họ đề nghị cần có cơ chế minh bạch, công khai.

“Trong Hiến pháp đã quy định cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, vì vậy cần triển khai, cụ thể hóa những những nội dung này như thế nào, phải xác định được những lĩnh vực nào không cấm, lĩnh vực nào cấm và lĩnh vực gì không cấm nhưng phải kinh doanh có điều kiện” – ông nói.

DNNN, Luật-Doanh-nghiệp, Luật-phá-sản, môi-trường-kinh-doanh, bình-đẳng
GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Theo ĐBQH Vương Đình Huệ, chúng ta cần xây dựng đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế hậu kiểm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh không xâm hại tới lợi ích xã hội, lợi ích công cộng và các chủ thể khác, chỉ tiền kiểm những khâu như soát xét cấp phép hồ sơ…

Lần này Quốc hội cũng bàn để ban hành Luật Phá sản, vì vậy hai luật được ban hành sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường nhanh nhưng cũng đồng thời cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một cách nhẹ nhàng, rút lui có nguyên tắc, chắc chắn kinh doanh sẽ tốt hơn, thông thoáng hơn.

Đánh giá về Luật doanh nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận xét, lần sửa đổi này phải đánh giá được môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, các quy trình tiếp cận thủ tục kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước được đánh giá như thế nào, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đã tăng bao nhiêu bậc.

Riêng vấn đề doanh nghiệp Nhà nước, ĐBQH Vương Đình Huệ cho rằng nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo bây giờ là làm sao phải chế định, quy định được vấn đề này để phát huy được những thế mạnh của DNNN, khắc phục yếu kém. Quốc hội cần thảo luận rất kỹ về Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này để có nhìn nhận công bằng về doanh nghiệp nhà nước.

Ông Huệ đề nghị cần làm rõ tên của các doanh nghiệp, nên có định nghĩa dứt khoát thế nào là doanh nghiệp Nhà nước, nên chăng xác định DNNN là doanh nghiệp 100% vốn do nhà nước làm chủ sở hữu. Những đặc thù của DNNN cũng cần phải được xác định rõ, chế định trong luật.

Theo Vietnamnet