Chặn lừa đảo thương mại điện tử

Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng một thông tư nhằm hạn chế hành động lừa đảo trong thương mại điện tử.

Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, thông tư này nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng một số doanh nghiệp núp bóng danh nghĩa sàn thương mại điện tử (như vụ muaban24, shop 360) để bán hàng đa cấp trá hình, lừa đảo người dân trong thời gian qua.

Đó là thông tư quy định trình tự, thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm và công bố thông tin trên cổng thông tin về quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Bản dự thảo thông tư này nêu rõ, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận phản ánh về các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc hành vi kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử như vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng; trách nhiệm của đơn vị sở hữu website thương mại điện tử; về bảo vệ thông tin cá nhân và an toàn thanh toán; thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử khác để kiếm lợi hoặc gây nhầm lẫn, mất lòng tin của khách hàng…

Ông Linh cho biết, khi phản ánh trực tuyến tại cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử về các hành vi sai phạm nêu trên, người phản ánh phải cung cấp những thông tin như họ tên, số chứng minh thư, địa chỉ cư trú, số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử của người phản ánh; địa chỉ website thương mại điện tử được phản ánh; tóm tắt nội dung phản ánh; nếu có thì có thể cung cấp các tài liệu chứng minh hành vi vi phạm.

“Website thương mại điện tử có trên 5 ý kiến phản ánh về hành vi sai phạm sẽ nhận được thông báo của Bộ Công Thương yêu cầu giải trình về những ý kiến phản ánh đó,” ông Linh nói.

Sau 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình của Bộ Công Thương. Nếu cá nhân, tổ chức sở hữu website không phản hồi hoặc không giải trình được về các ý kiến phản ánh sẽ được đưa vào danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc hành vi kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh. Cá nhân, tổ chức này có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật với nhiều biện pháp như cảnh cáo, xử phạt hành chính hoặc thậm chí là nêu tên công khai trên cổng thông tin về quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

Được biết, thông tư trên được chuẩn bị sẵn chờ nghị định về thương mại điện tử được Chính phủ phê duyệt.

Cuối năm ngoái, công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến 24 đã bán hơn 118.000 gian hàng điện tử trên web muaban24.vn cho nhiều người ở hơn 30 tỉnh, thành. Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 5% tổng số gian hàng có hàng để bán. Còn lại chỉ với mục đích mua suất, kêu gọi, lôi kéo người khác tham gia đóng tiền để hưởng hoa hồng. Như vậy, nếu lấy 5,2 triệu đồng nhân với số gian hàng đã được bán thì công ty này đã thu về hơn 600 tỉ đồng. Trừ khoản chi phí hoa hồng cho các hội viên, công ty này còn nắm giữ hơn 200 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định công ty này không được cấp phép kinh doanh gian hàng điện tử mà thực chất là kinh doanh đa cấp.Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử, cho rằng Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có quy định để loại trừ những hành vi lợi dụng thương mại điện tử giống như Muaban24. Muaban24 đã rất khéo lợi dụng thương mại điện tử để “kinh doanh” và quá ít hội viên thuộc hiệp hội này có doanh thu tới 700 tỉ đồng một năm như Muaban24.