“Cong vênh” số liệu thống kê

Từ lâu nay, số liệu thống kê của Việt Nam luôn bị “chê” là không đáng tin, có thể bị bóp méo dưới một áp lực nào đó. Để có được một hệ thống thông tin số liệu đầy đủ và tin cậy đang thật sự là thách thức không dễ vượt qua.

Đơn cử, GDP năm 2012 công bố ban đầu tăng 5,02% nhưng sau đó, khi tính lại thì đã tăng 5,23% mà lý do thì chưa thuyết phục. GDP từ năm 2009 – 2013 đột ngột được tính tăng lên, đặc biệt nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm mỗi năm được tính tăng lên đều đặn so với số cũ 309%.
Giá trị sản xuất của hoạt động ngân hàng thường bao gồm doanh thu từ các dịch vụ trực tiếp, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng và phần chi thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước, vậy ngành ngân hàng được tính tăng lên trên 309% là cho các hoạt động nào?
Thông tin đúng, hoạch định mới “trúng”
Trên một diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã thẳng thắn cảnh báo: Chất lượng thông tin của chúng ta hiện rất đáng báo động và là vấn đề lớn của đất nước!
Ông Lê Doãn Hợp phân tích: Sự không trung thực của số liệu có thể do người đứng đầu chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm theo ý muốn của mình, có thể do chính các cơ quan tham mưu muốn vừa lòng cấp trên, có thể do sự lạc hậu của những thước đo mà không kịp thời đổi mới. Chẳng hạn, thước đo GDP từ tỉnh đến huyện như hiện nay là không ổn, vì vậy mới có chuyện các địa phương đều tăng trưởng trên 10% mà cả nước chỉ tăng 5 – 6%.
Ngoài ra, bản thân nhiều DN bây giờ cũng thường hình thành hai hệ thống số liệu, một số liệu dùng nội bộ để quản trị DN, một số liệu để đối phó các cơ quan quản lý nhà nước như tài chính, thuế… nhiều khi làm quá lâu thành thói quen, lẫn lộn giữa cái giả và cái thật. Một lời nói dối ban đầu sẽ mở đường cho hàng loạt lời nói dối và không có điểm dừng, trở thành lừa đảo.
Theo tác giả Lê Hồng Giang và Nguyễn Trí Dũng trong ấn phẩm “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014” được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành, nhiều số liệu thống kê hiện nay đã được công khai, nhưng không khỏi khiến người ta băn khoăn; nhất là khi phân tích theo chuỗi.
Các tác giả đặt câu hỏi. “Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ” nhưng trong nội dung số liệu công bố lại cho thấy tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế đúng bằng với GDP.
Như vậy thì “thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ” được tính vào đâu? Một khi số liệu đầu vào không chính xác thì việc hoạch định các chính sách vĩ mô (căn cứ vào thông số đầu vào đó) dĩ nhiên cũng không thể đúng và trúng.

Chất lượng thống kê là điều bị kêu ca nhiều nhất

Theo một chuyên gia kinh tế, làm nghiên cứu ở Việt Nam rất khó. “Đùng một cái” năm ngoái, bỗng dưng GDP của Việt Nam tăng đột biến (gần 300.000 tỷ đồng) do Tổng cục Thống kê điều chỉnh số liệu (chỉ tiêu GDP theo giá hiện hành) mà không có sự giải thích rõ ràng. Vì vậy, nếu muốn phân tích GDP trong vòng 20 năm vừa qua thì người nghiên cứu buộc phải tính lại hoàn toàn các con số. Một việc gần như không thể.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, từng nói tìm số liệu viết một bài báo đã khó huống chi làm một nghiên cứu kinh tế về Việt Nam.
Hiện nay, việc áp dụng Luật Thống kê dường như là một chiều. Các cơ quan, đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thống kê và chỉ cơ quan này được quyền “xào nấu” và công bố các số liệu tổng hợp về kinh tế xã hội. Vậy ai, cơ quan nào sẽ giám sát những số liệu này?
Đã có không ít trường hợp dù biết là không chính xác nhưng vẫn phải dùng vì nó có tính pháp lý. Số liệu thống kê cần được sử dụng không chỉ để làm đẹp các báo cáo mà còn phải có ích trong việc phân tích, dự báo và đưa ra những chính sách mang lại lợi ích cho đất nước.
Ai sẽ tạo ra con số trung thực?
Các DN cũng là những “nạn nhân” của số liệu cong, vênh. Và số liệu không chính xác cũng không phải chỉ đến từ nguồn tin trong nước. Theo nguồn tin từ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), trong số 48 dự án điện gió đã đăng ký triển khai, với tổng công suất đăng ký lên đến 4.876MW, đến nay mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động, còn lại hầu hết bị hủy bỏ hoặc “đóng băng”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ bể của các dự án điện gió là do tiềm năng thực tế của Việt Nam không cao như dự kiến.
Năm 2001, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố một nghiên cứu cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, tương đương 513.360 MW, tức là gấp hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020 (?).
Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát kỹ càng, tiềm năng điện gió của Việt Nam chỉ bằng chưa tới 2% so với con số đã nêu. Tất nhiên, giá bán điện cũng là một trở ngại, nhưng đó là một vấn đề khác.
Trước tình trạng nhiễu loạn số liệu, gây hoang mang cho các nhà đầu tư và những nhận định sai lệch đối với toàn bộ nền kinh tế, ông Lê Doãn Hợp nêu ý kiến: Thà kết thúc bằng một nỗi đau dữ dội còn hơn là kéo dài nỗi đau âm ỉ mà không biết khi nào kết thúc. Cần phải thay đổi ngay những cơ chế khiến cho các nhà kế toán phải chế biến, phù phép con số.
Chẳng hạn, thực hiện phổ biến hình thức khoán cũng là một cơ chế hợp lý, tạo sự linh hoạt chủ động cho đơn vị. Đối với DN, không nên có quá nhiều cơ quan quản lý chủ quản và chi phối như hiện nay, cách tốt nhất là quản lý DN chỉ bằng Luật DN.
Nhiều người vẫn ví von, kế toán là nghệ thuật tạo ra con số và con số nào cũng biết nói, cũng biết kể một câu chuyện theo ý đồ của người tạo ra nó. Con số biết kể chuyện một cách trung thực chỉ có thể sinh ra từ những người thực thi giỏi chuyên môn, thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, những người quản lý kiểm duyệt sắc sảo, vững vàng, bên cạnh đó là một cơ chế chính sách hợp lý để người tạo ra con số sẽ không thể, không dám và không cần phải nhào nặn nên một hệ thống số liệu nói dối.

—————————————–

Nhiễu loạn số liệu bắt nguồn từ hai yếu tố
PGs. Ts. Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán – kiểm toán (Bộ Tài chính)
————————————
Sự nhiễu loạn số liệu bắt nguồn từ hai yếu tố: Thứ nhất là do chuyên môn nghiệp vụ, thứ hai là do con người. Về chuyên môn nghiệp vụ, trong 20 năm gần đây Việt Nam đã từng bước đổi mới các quy định để gắn với thông lệ quốc tế và phù hợp hơn với thực tiễn quản lý nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện. Điều cần phải nhấn mạnh hơn chính là lòng người, từ người tạo ra số liệu đến người muốn số liệu đấy phù hợp với lợi ích của mình là cả một cuộc biến hóa vô cùng phức tạp.

Chất lượng thống kê bị kêu ca nhiều nhất
Ông Đinh Tuấn Minh, Viện Chiến lược KH&CN, Bộ KH&CN
————————————
Nguồn dữ liệu ở Việt Nam mà mọi cơ quan nghiên cứu đều dùng là thông tin chính thức từ Tổng cục Thống kê và các cơ quan nhà nước. Nhưng hệ thống số liệu này chưa đầy đủ, nhiều bộ số liệu cần thiết chưa được thống kê, việc công bố chưa kịp thời, thường xuyên và công bằng cho tất cả mọi người. Đặc biệt chất lượng thống kê là điều bị kêu ca nhiều nhất.

Chứng từ “chế biến” từ gốc sẽ không thể minh bạch
PGs. Ts. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
————————————
Những thông tin sai lệch có thể do bắt buộc công bố theo quy định pháp lý của Nhà nước hoặc có thể là để quảng bá cho hình ảnh của DN. Có những DN để được Nhà nước bù giá thì kê khai lỗ, nhưng để cổ phần hóa, để chứng minh rằng giá cổ phần của mình bán được và được xã hội chấp nhận thì lại cố gắng minh chứng là hoạt động kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, trong vấn đề thông tin chưa chuẩn xác cũng có những điểm thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước, đặc biệt là thông tin số liệu của kế toán, kiểm toán. Thực tế cho thấy, cơ chế tài chính hiện nay của Việt Nam cũng đang có những vấn đề chưa hợp lý và rõ ràng.
Chẳng hạn, một buổi đi họp phải ký nhận tiền thành 2 bản, một lần đi chấm thi giáo viên giỏi phải ký đến 5 lần vì định mức của Nhà nước không đủ để chi. Một khi chứng từ đã “chế biến” từ gốc thì dù kiểm soát cũng không thể triệt để và minh bạch.

Theo TBKD