Đi tìm giải pháp làm chủ kinh tế

Kinh tế Việt Nam kể từ khi chuyển định hướng sang cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, các mặt chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh được bảo đảm và ổn định.

Những thành tựu này được các nước trong khu vực cũng như các đối tác có quan hệ với Việt Nam thừa nhận và xem đây là một thuận lợi trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế cũng chứng minh, càng hội nhập sâu thì nền kinh tế Việt Nam cũng càng đối mặt với nhiều thách thức cũng như chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các diễn biến của kinh tế thế giới. Cụ thể:

Cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997 phát xuất từ Thái Lan dẫn đến đồng bath Thái bị giảm giá trầm trọng, nhiều doanh nghiệp Thái bị phá sản và “làn sóng phá sản” nhanh chóng lan rộng đến Indonesia, Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực. Việt Nam được xem là quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất do hệ thống tài chính chưa hội nhập sâu với khu vực.

Nhưng đến cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008 lan rộng ra toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới kéo dài nhiều năm mà hậu quả vẫn còn cho đến tận bây giờ, thì mặc dù vẫn đang trong quá trình hội nhập với những bước đi thận trọng, kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lạm phát tăng, xuất khẩu giảm, nhập siêu tăng, tồn kho tăng, đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm, chứng khoán giảm, thị trường bất động sản đình trệ kéo theo sự ngưng đọng trong hàng loạt lĩnh vực liên quan khác… Tất cả đều tác động trực tiếp lên hoạt động của các doanh nghiệp – những hạt nhân của nền kinh tế.

Đại diện các hội ngành nghề TP.HCM cùng đại diện Báo Doanh Nhân Sài Gòn họp bàn kế hoạch tổ chức hội thảo “Doanh nhân và chủ quyền kinh tế”. Ảnh: Quý Hòa

Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam đến năm 2020 là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế thực hiện chiến lược phát triển kinh tế quốc gia chứng kiến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực lao động không bền vững.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đa phần vẫn là nguyên vật liệu thô và các mặt hàng sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Những nhân tố được cho là làm giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam là cơ sở hạ tầng cho dịch vụ logistics còn nghèo nàn, mảng công nghiệp phụ trợ còn thiếu và yếu, quản trị chuỗi cung ứng kém, thủ tục thương mại rườm rà, hầu như chưa có vùng nguyên phụ liệu được tổ chức quy mô…

Tất cả những yếu tố đó đưa doanh nghiệp Việt Nam đến tình trạng phụ thuộc vào bên ngoài với nhiều rủi ro rình rập.

Các vấn đề trên từng nhiều lần được đặt ra tại các diễn đàn kinh tế, bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức sâu sắc thực tế này khi luôn phải đối mặt với tình trạng bị động trong sản xuất, kinh doanh và thương mại. Song thực trạng vẫn chưa mấy được cải thiện.

Trong tình hình đó, để có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình, mở rộng thị trường và hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, Nhà nước cần có những định hướng được xây dựng trên cơ sở thực tế sâu sát hơn và những giải pháp quyết liệt hơn, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn trong việc hiện thực hóa những định hướng và giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra. Về phía mình, các doanh nghiệp hơn bao giờ hết cần có sự chủ động trong quản trị rủi ro ở tầm vi mô.

Sự kiện Trung Quốc sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã có nhiều hành vi nhằm gây thiệt hại về người và tài sản đối với các lực lượng chức năng và ngư dân Việt Nam trong vùng lãnh hải của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng bất chấp dư luận quốc tế, đã làm dấy lên lo ngại về việc giao thương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chứng minh sự chính nghĩa trong việc bảo vệ chủ quyền đối với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Việt Nam còn có sự ủng hộ của quốc tế cho đường lối ngoại giao lấy biện pháp hòa bình làm cơ sở để giải quyết các vấn đề chưa thống nhất. Vì vậy, chúng ta tin tưởng rằng căng thẳng do Trung Quốc gây ra sẽ sớm được giải quyết không gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng nhân sự việc này, chúng ta nên một lần nữa nêu lại và cùng nhau giải quyết vấn đề chủ động trong kinh tế, với những giải pháp thiết thực và khả thi hơn.

Theo DNSG