Doanh nghiệp công nghệ lo ‘thắng sân khách, thua sân nhà’

Khẳng định năng lực hoàn toàn có thể giải quyết nhiều bài toán kinh tế xã hội, nhưng trao đổi với Trưởng ban Kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp công nghệ cho rằng họ đang gặp nhiều bất lợi ngay chính trên sân nhà.

doanh-nghiep-cong-nghe-lo-thang-san-khach-thua-san-nha
Chất lượng nhân lực công nghệ cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Ảnh: Anh Tuấn

Xác định công nghệ thông tin, phần mềm có vai trò quan trọng trong việc thay đổi phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 26/3, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm, kiểm tra một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (Vinasa) trên địa bàn Hà Nội.

Dành trọn ngày để làm việc với các thành viên của Vinasa, Trưởng ban Kinh tế Trung ương – Vương Đình Huệ nhận được nhiều nhất là những lời hồi đáp cho câu hỏi do chính ông đặt ra trước đó: “Doanh nghiệp nội liệu có đủ sức giải quyết được câu chuyện hạ tầng công nghệ thông tin cho Việt Nam hay không?”.

“Nói về năng lực công nghệ thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”, Chủ tịch Vinasa – Trương Gia Bình khẳng định. Tuy vậy, theo người đứng đầu Tập đoàn FPT, vấn đề đặt ra hiện nay là cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp có thực sự muốn sử dụng các công nghệ trong nước hay không. “Giải pháp công nghệ đã có hết rồi. Vấn đề là áp dụng công nghệ như thế nào mà thôi”, ông Bình nói thêm.

Lấy ví dụ về bài toán giao thông, Chủ tịch Vinasa cho rằng, với đặc thù riêng, giao thông trong nước cần những giải pháp “rất Việt Nam”. Theo đó, chuyện tắc đường có nguyên nhân quan trọng là ý thức người điều khiển phương tiện. “Nhiều người biết cảnh sát giao thông đứng ở đâu, nên họ chỉ đi đúng luật ở đó. Giải pháp được đưa ra là để camera quay lại, rồi phạt nguội. Một tháng anh nhận được độ chục giấy phạt, bằng này tiền là anh chừa ngay”, ông Bình phân tích.

Chủ tịch Vinasa giới thiệu với Trưởng ban Kinh tế Trung ương một đoạn clip cho thấy hệ thống giao thông thông minh có thể nhận diện hàng chục xe máy cùng lúc trên đoạn đường đông đúc để phát hiện vi phạm. Các giải pháp tương tự cũng được đưa ra với hệ thống Chính phủ điện tử hay y tế, giáo dục…

Với những công nghệ như vậy, các thành viên của Vinasa cho biết họ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo ông Phan Chiến Thắng – Chủ tịch Công ty Elcom, doanh nghiệp chuyên về các giải pháp viễn thông, những đối thủ lớn tại Trung Quốc như Huawei hay ZTE thường xuyên phải dè chừng các công ty Việt Nam trong các cuộc chiến giành hợp đồng quốc tế. “Trong các cuộc đấu thầu, khả năng thắng của chúng tôi là 75%”, vị lãnh đạo này hào hứng nói.

Tương tự, theo Chủ tịch Công ty Phần mềm Hài Hòa – Nguyễn Nhật Quang, hầu hết hệ thống phần mềm thiết kế biển báo giao thông, đường ống trong nhà máy lọc dầu tại Bắc Âu hiện đều do doanh nghiệp này thiết kế. “Chỉ có điều không biết các doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Dầu khí có biết chúng tôi có những phần mềm này không”, ông Quang đặt câu hỏi.

Trăn trở của lãnh đạo công ty phần mềm Hài Hòa cũng chính là vấn đề bức xúc nhất mà các thành viên của Vinasa đặt ra. Theo đó, mặc dù có thể “chiến đấu” sòng phẳng tại thị trường quốc tế nhưng các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam lại rất dễ thua trên sân nhà. “Hiện hầu hết doanh nghiệp đều phải hoạt động theo kiểu chân trong (nội địa) – chân ngoài (thị trường quốc tế). Nhưng chân ngoài cứ ngày một dài hơn chân trong”, ông Nguyễn Nhật Quang so sánh.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo các đại diện của Vinasa, là Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp còn thiếu niềm tin vào năng lực của công nghệ trong nước. “Nhiều dự án lớn, nhà thầu ngoại trúng thầu rồi lại thuê doanh nghiệp trong nước làm nhà thầu phụ”, ông Phan Chiến Thắng tâm sự. Theo ông, để thúc đẩy công nghệ trong nước, cần thiết phải có một sự ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa, đẩy mạnh cơ chế hợp tác công tư (PPP).

Một khó khăn khác cũng được lãnh đạo các doanh nghiệp đề cập là chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện còn thấp so với nhu cầu. Theo ông Nguyễn Nhật Quang, mặc dù trình độ chuyên môn tốt nhưng nhân sự trong ngành công nghệ thông tin hiện nay đa số yếu về ngoại ngữ và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Vấn đề này cần được giải quyết thông qua những cơ sở đào tạo chuyên biệt về công nghệ thông tin, hướng tới quy chuẩn quốc tế.

Trong chuyến làm việc ngày 26/3, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đã dừng chân tại Đại học FPT, một trong những cơ sở đào tạo công nghệ thông tin lớn nhất của Việt Nam.

Theo VNexpress