Doanh nghiệp phần mềm nguồn mở đắt khách

Trái với mặc định của nhiều người rằng phần mềm nguồn mở (PMNM) bị “bỏ rơi” thì doanh nghiệp kinh doanh PMNM chỉ sống èo uột, thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh PMNM sống khỏe, làm không hết việc.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ quan kết thân với PMNM

Dù rằng đa phần cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bỡ ngỡ với việc triển khai ứng dụng PMNM, song không có nghĩa PMNM không có “đất sống”. Thời gian gần đây, số lượng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai PMNM bắt đầu có sự gia tăng bởi những hiệu quả của PMNM đã được “truyền tai” để học hỏi một cách nhanh chóng.

Tại Công ty Cổ phần NetNam, toàn bộ mạng lưới cung cấp dịch vụ của NetNam ISP, trừ các thành phần phần cứng bắt buộc phải có như thiết bị chuyển mạch, thiết bị định tuyến thì các thành phần còn lại của hệ thống cung cấp dịch vụ đều dựa trên phần mềm mã nguồn mở, chẳng hạn như cổng, tường lửa, thư điện tử, hệ thống phân giải tên miền, cơ sở dữ liệu, quản trị Wi-Fi… “Việc ứng dụng PMNM cho phép NetNam cung cấp dịch vụ tốt với đầu tư chỉ bằng số lẻ của các nhà mạng khác. Vốn điều lệ của NetNam chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100, 1/1000 các nhà mạng khác nhưng hiệu quả ứng dụng thì tốt hơn nhiều lần”, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc NetNam chia sẻ với ICTnews.

NetNam không phải doanh nghiệp duy nhất đã ứng dụng và thu lợi từ PMNM. Cách đây hơn 4 năm, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã từng công bố tiết kiệm gần 24 tỷ đồng chi phí mua bản quyền phần mềm nguồn đóng khi chuyển hơn 2.200 máy tính sang dùng PMNM. Tới nay, không ít doanh nghiệp lớn khác cũng đã và đang có những động thái chuyển mình tích cực sang triển khai ứng dụng PMNM. Điển hình như VNG đã triển khai nền tảng điện toán đám mây nguồn mở OpenStack.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES): “Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang sử dụng PMNM để kinh doanh, chỉ có điều họ không thừa nhận hoặc không công bố việc này mà thôi. Không ít dự án CNTT được đấu thầu đã được doanh nghiệp nhận thầu sử dụng các thành phần PMNM để triển khai, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và công sức. Việc tự sử dụng PMNM để triển khai các giải pháp kinh doanh giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm”.

Ở khối cơ quan Nhà nước và khách hàng cá nhân, PMNM cũng đang từng bước chinh phục thị trường. Thông tin từ ông Tạ Quang Thái, Tổng Giám đốc Công ty eCOIT cho biết: “Đã có một Bộ khá lớn đang chuyển đổi sang PMNM, sau khi cán bộ thấy dùng Windows bị dính virus quá nhiều đã chuyển sang dùng Ubuntu. Còn ở thị trường bán lẻ, máy tính xuất xưởng cài Ubuntu và Linux cũng được bán ở đầy cửa hàng”.

kinh doanh phần mềm nguồn mở

Không ít doanh nghiệp đang sống khỏe nhờ kinh doanh PMNM. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ hội lớn cho PMNM

Các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh PMNM đều chung nhận định rằng đang có nhiều cơ hội cho PMNM phát triển tại Việt Nam. Chẳng hạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng có nhận thức tốt hơn về việc không vi phạm bản quyền trí tuệ; các xung đột khu vực làm cho nhu cầu làm chủ phần mềm/công nghệ nóng bỏng hơn bao giờ hết (dùng phần mềm thương mại/nguồn đóng sẽ bị lệ thuộc vào nhà cung cấp – PV); PMNM ngày càng đa dạng và hoàn thiện hơn, việc xây dựng các giải pháp CNTT dựa trên PMNM ngày một đơn giản hơn; chất lượng PMNM ngày càng cao, nhiều giải pháp PMNM còn tốt hơn phần mềm thương mại nguồn đóng độc quyền.

Khác với suy nghĩ của nhiều người vẫn mặc định rằng doanh nghiệp kinh doanh PMNM bây giờ chỉ sống èo uột, chật vật, ông Tạ Quang Thái khẳng định: “Các công ty PMNM giờ ít kêu la vì đã ổn rồi, thậm chí đang làm không hết việc. Minh chứng, eCOIT đã có rất nhiều khách hàng triển khai PMNM như 1 Bộ lớn ở Trung ương, báo Tuổi trẻ thủ đô, và hàng loạt địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hòa Bình… Bận tối mắt, tối mũi nên chẳng còn thời gian mà kêu”.

Cũng theo ông Tạ Quang Thái, dù Chính phủ, Bộ TT&TT chưa dùng đến biện pháp cực đoan nào bắt buộc các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội phải triển khai ứng dụng PMNM, nhiều doanh nghiệp kinh doanh PMNM vẫn đang sống tốt. Rất nhiều doanh nghiệp từ chỗ chưa biết gì về PMNM nay đã sống khỏe nhờ hoạt động kinh doanh PMNM. Chẳng hạn như D&L, trước chỉ làm dịch vụ tích hợp hệ thống, giờ làm cả dịch vụ liên quan tới KOHA (hệ quản trị thư viện tích hợp mã nguồn mở đầu tiên trên thế giới). Hoặc HaproInfo, trước chỉ chuyên hỗ trợ máy móc, nay đã cùng 2 công ty gồm EcoIT và iWay để triển khai các ứng dụng PMNM như Alfresco, Zimbra, OpenERP… cho Tổng công ty Hapro. Hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số Nacencomm trước chỉ hỗ trợ Windows, cách đây ít lâu đã tham gia hệ thống nền tảng nguồn mở OpenRoad để triển khai 1 số dự án liên quan tới PMNM.

“Cơ hội đang mở tung cho các công ty kinh doanh PMNM. Chỉ cần tập trung làm chuyên sâu thì sẽ khắc có thị trường”, ông Tạ Quang Thái nhấn mạnh.

Theo ICTnews