Doanh nghiệp xã hội: Kinh doanh từ tâm chưa đủ?

Ý tưởng sáng tạo, mục đích kinh doanh vì cộng đồng là điều không phải bàn, nhưng đây cũng chính là nguy cơ dẫn đến “khai tử”, tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp xã hội (DNXH) khi mới nhen nhóm và phát triển.

Tòhe là thương hiệu với ý tưởng kinh doanh dựa trên những bức tranh do trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vẽ và dùng làm họa tiết trang trí trên các sản phẩm lifestyle. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, vấn đề thị trường tiêu thụ trở nên khó khăn, bởi phần lớn sản phẩm của Tòhe chủ yếu nhắm đến là khách nước ngoài, kém hấp dẫn với thị trường nội địa.

Eo hẹp thị trường

Ông Nguyễn Đình Nguyên, người sáng lập ra Tòhe, tâm sự rằng thời điểm quyết định thành lập ông cảm thấy khá tự tin. Nhưng, khi bắt tay vào thực hiện mới thấy gian nan. Thậm chí, có những lúc còn đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục thực hiện hay không, vì mất nhiều mà nguồn lợi đem lại cho mình không thấy đâu.
Cụ thể là khi bắt tay vào thực hiện, do thiếu quan tâm đến kênh phân phối, hệ thống bán lẻ và xuất khẩu, nên Tòhe đã thất bại khi tiếp cận kênh 500 cửa hàng ở Nhật, do khách hàng không thích sản phẩm sặc sỡ.
Ông Nguyễn Thành Nam, người sáng lập cộng đồng Dichung.vn, chia sẻ có ý tưởng về một sản phẩm giải quyết vấn đề xã hội chưa phải là yếu tố quyết định đi đến việc tổ chức sản xuất. “Bạn đừng nghĩ rằng làm ra sản phẩm nào đó ắt có người mua, mà phải tìm ra được thị trường cho sản phẩm khi muốn thiết kế và đưa nó vào sản xuất kinh doanh”, ông Nam phân tích.
Với Dichung.vn, mặc dù thị trường có thể mở ra nhiều đối tượng khách hàng, nhưng ông Nam đã tập trung vào phân khúc ôtô đi sân bay phối kết hợp với DN vận tải taxi của Vietnam Airlines và 2 năm qua, DN đã thành công. Tuy nhiên, cũng như Tòhe, đi từ một mô hình DNXH hoạt động ổn định để tiến lên phát triển ở quy mô cao hơn, vấn đề vốn là một rào cản khó vượt.
Về Tòhe, Ts. Trương Thị Nam Thắng, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về trách nhiệm xã hội, quản trị công ty và DNXH tại Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định dù ý tưởng của Tòhe rất hay, khởi sự, sáng lập và điều hành xuất phát từ cái tâm, tuy nhiên giống như bất kì một DNXH khác, Tòhe cũng gặp rắc rối chủ yếu là ở vấn đề thị trường và vốn.

Một số sản phẩm lifestyle của Tòhe
Một số sản phẩm lifestyle của Tòhe

Ông Nguyên cũng thừa nhận, có những giai đoạn DN phải ngừng hoạt động xã hội vì hoạt động kinh doanh thua lỗ, nên nguồn lợi chuyển sang cho hoạt động xã hội rất khó. Đặc biệt, DN tồn tại không có bất cứ một ưu đãi nào về thuế, thậm chí còn khó khăn hơn DN bình thường, do chi phí cho mảng xã hội không được ghi nhận, vì không có hóa đơn chứng từ cho các hoạt động đó.

Chật vật tồn tại

Bà Cao Thị Ngọc Bảo, Giám đốc Chương trình Phát triển và Xã hội, Hội đồng Anh Việt Nam, cho rằng DNXH cần được chính thức công nhận ở Việt Nam, cũng như ghi nhận tại các văn bản pháp lý, để giúp DN huy động vốn và mở rộng kinh doanh. Có sự chung tay hợp tác giữa các DN truyền thống và DNXH. DNXH là đối tác cung ứng cho DN truyền thống.
Hay việc cân đối giữa lợi nhuận và các hoạt động xã hội,

theo bà Thắng, DNXH nên nhớ rằng mục tiêu chính là giá trị kinh tế vì từ đó mới tái đầu tư, giúp đỡ cho xã hội được nhiều hơn nữa. Đó là câu chuyện kinh doanh bán hàng. Người làm ra sản phẩm phải làm thế nào để cắt giảm được chi phí tạo ra doanh thu cho sản phẩm.
Thực tế, sản phẩm của Tòhe thường có giá cao gấp 4 lần so với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, dù chất lượng không thể so sánh. “Tò he là một câu chuyện sản phẩm sáng tạo, handmade cao, nhưng ở góc độ người mua hàng thông thường thì không cảm nhận được, mà chỉ biết rằng đó là bức vẽ của trẻ em. Chính vì vậy, không những phải sáng tạo trong sản phẩm mà các DN còn phải sáng tạo trong giá trị DN”, bà Thắng nói.
Thêm vào đó, bà Shuyin Tang, đại diện Quỹ đầu tư Thiện doanh LGT Venture Philanthropy (LGT VP), cho biết hiện có khá nhiều nguồn vốn mà DNXH có thể tiếp cận. Đó là những nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư thiện doanh, các tổ chức phi chính phủ… Trong số đó, một nguồn khác là từ chính những DN truyền thống tham gia tích cực vào hoạt động xã hội, vì cộng đồng. Mỗi nguồn đầu tư này có thể hỗ trợ DN từ khi khởi nghiệp đến lúc tăng tốc nhân rộng mô hình, cũng có thể chỉ tài trợ một giai đoạn nào đó. Vấn đề của DN là tìm nguồn thích hợp cho dự án.

Theo TBKD