Giúp DN vượt khó: Nhìn từ cơ quan bảo hiểm xã hội

Tính từ năm 2012 đến nay, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc ngành may, da giày… tồn kho rất nhiều hàng hóa.

Hằng năm, vào tháng 7 và 8 là cao điểm mua sắm giày, dép, quần áo, dụng cụ học sinh… chuẩn bị năm học mới, nhưng năm nay, không khí mua sắm có vẻ trầm lắng, bởi giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, trong đó nổi bật là giá xăng dầu, giá điện, hàng lương thực thực phẩm…

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội Da Giày quận 4, kiêm Tổng thư ký Hội Da Giày TP.HCM, trước đây, quận 4 có khoảng 400 DN sản xuất giày da, nhưng từ năm 2012 đến nay, do hàng hóa sản xuất bán không được, tồn kho nhiều, nên nhiều DN phải đóng cửa, nay chỉ còn khoảng 150 DN sản xuất.

Bên cạnh cái khó do hàng tồn kho, hiện các phường 8, 9, 10 và 14 thuộc các tuyến đường Đoàn Văn Bơ, Tôn Đản, Xóm Chiếu là những khu vực quy hoạch treo đã nhiều năm.

Do vướng quy hoạch, nên dù có cầm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trong tay nhưng các DN muốn vay tiền ngân hàng với lãi suất Nhà nước quy định cũng không được chấp nhận thế chấp vay vốn.

Do bức xúc về vốn sản xuất, nhiều DN vay bên ngoài với lãi suất khoảng 5% – 6%/ tháng, đến cuối năm tổng kết, hầu hết các DN vay nóng hầu như trắng tay. Vì quá khó, một số DN có lượng công nhân lớn, không đủ tiền trả lương, chứ nói chi đóng bảo hiểm xã hội (bhxh) cho công nhân.

Cùng chia sẻ nỗi khó khăn của các DN ngành da giày, ông Lê Trung Hoan – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết, không riêng ngành da giày mà hầu hết các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt, xây dựng… cũng đang gặp khó khăn, nhất là về vốn và thị trường. Do vậy, biện pháp khả thi tháo gỡ khó khăn cho DN phải lưu ý về chính sách bảo hiểm xã hội cho các DN này.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM: Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế thành phố tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tình trạng các DN ngừng hoạt động giải thể vẫn tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHTY) cho người lao động, số DN nợ tiền BHXH tăng.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2012 tại TP.HCM có 11.813 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ trên 838 tỷ đồng. Tính đến 30/6, số DN nợ từ 3 tháng trở lên có 21.357 DN với tổng số tiền nợ là 898 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng số tiền phải đóng BHXH cả năm theo kế hoạch.

Đem kiến nghị từ các DN và tổ chức hội trao đổi về việc giãn đóng tiền BHXH, giúp DN vượt khó, ông Đỗ Quang Khánh – Phó giám đốc BHXH TP cho biết, ngoại trừ các DN thuộc Tập đoàn Vinashin, Vinalines vừa được Thủ tướng cho phép được khoanh nợ 2012 thì không có trường hợp ngoại lệ.

Vừa qua, BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo cho phép tháo gỡ đối với những DN thật sự gặp khó khăn theo hướng đồng ý cho DN đóng trước tiền BHYT để đảm bảo chế độ cho người lao động; cho phép đóng trước tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đối với người nghỉ hưu, người mất việc để chốt sổ và giải quyết chế độ cho họ.

Tuy nhiên, số tiền BHXH còn nợ lại, đơn vị phải cam kết thanh toán trong thời gian sớm nhất và trong thời gian đơn vị chậm nộp vẫn phải tiếp tục tính lãi chậm nộp theo luật định.

 

Theo DNSG