Hạ tầng thông minh, bao giờ con người thông minh?

Tuần qua, Hải quan TP.HCM công bố kế hoạch lắp đặt camera để giám sát hành vi nhũng nhiễu tại các cửa khẩu.

Nghe thì đáng buồn vì đến giờ này mới có camera nhưng “có còn hơn không”, vì ít nhiều lãnh đạo của ngành này muốn thực hiện những gì doanh nghiệp, du khách, người dân đã mong mỏi từ lâu. Dư luận đã góp ý thêm, hãy lắp thêm vài màn hình lớn đặt ở nơi công cộng để mọi người cùng quan sát thì tác dụng mới lớn.

Thật ra có nhiều giải pháp kỹ thuật để mang lại hiệu quả giám sát cao nhất. Vấn đề là ngành hải quan có thật sự muốn vươn tới cùng mục tiêu minh bạch hay không!

Một chuyện tương tự là bệnh nhân đến Bệnh viện Huyết học Trung ương tại Hà Nội tuần qua thấy “choáng váng” khi bác sĩ, y tá ở đây chào hỏi, cám ơn, xin lỗi, giải thích, tư vấn cặn kẽ cho người bệnh. Sự thay đổi này cũng đến từ quyết tâm thực hiện nếp ứng xử văn minh của ban giám đốc bệnh viện.

Trong một thời gian rất dài, người bệnh tại nhiều bệnh viện công đã không nhận được những điều tưởng chừng như giản đơn đó cho một dịch vụ y tế có trả tiền. Tại thiếu giám sát?

Ở các bệnh viện quốc tế, trên tường không có khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu” hay những khẩu hiệu có tính hô hào khác. Nhưng dịch vụ ở đây cho người bệnh cảm nhận thấy họ đang được các “lương y” chăm sóc.

Ngoài việc ban hành quy chế nề nếp kỷ luật nghiêm minh trong đội ngũ, một hệ thống hạ tầng thông tin hoàn hảo được lắp đặt để phục vụ khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh nhân và người mua bảo hiểm, còn có cả hệ thống camera an ninh với những màn hình lớn trên các hành lang, bảo đảm quyền lợi tối đa của bệnh nhân được chăm sóc tốt và ứng xử văn minh. Đó chính là cái mà các bệnh viện công còn thiếu.

Gần đây, một số đô thị như Hội An, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long có nhu cầu phát triển mạnh về du lịch đã quyết tâm tạo cú hích bằng các dự án phủ sóng Wi-Fi để người dân và du khách sử dụng miễn phí.

Với một máy tính bảng, hoặc điện thoại thông minh, người ta có thể biết được các thông tin cần thiết, từ cách gọi đúng chỗ giải quyết nạn “chặt chém du khách”, đến việc ngồi nghỉ chân trong công viên và gọi đặt một phần gà rán KFC giao tận nơi.

Nhưng tiện lợi này giúp cho nền kinh tế phát triển bằng sự minh bạch hóa, phục vụ cho chính quyền đô thị, đồng thời nâng cao đời sống cho người dân.

Ở các nước láng giềng, những thành phố lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và cả Indonesia đang chạy đua xây dựng những “thành phố thông minh” nhằm nâng cao chất lượng sống của cư dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ở mọi nơi công cộng, tất cả được nối mạng, mọi hành động đều được ghi hình, mọi dịch vụ được cá nhân hóa, mọi giao dịch tự động hóa. Cuộc sống sẽ trở nên an toàn, thân thiện với môi trường, với cộng đồng.

Putrajaya đã mang thương hiệu Thủ đô thông minh của Malaysia vào năm 2010. Với trình độ xây dựng chất lượng cao, thủ đô mới Putrajaya đã thu hút người có thu nhập cao đến sinh sống và thích ứng với tính thông minh của đô thị mới.

Thay cho mọi loại giấy tờ, cư dân Putrajaya được cấp thẻ điện tử, trên đó thể hiện đầy đủ các thông số cá nhân như tên tuổi, nhóm máu, khu vực nhà ở, công việc và thu nhập.

Tiền mặt và chìa khóa luôn xa lạ với người dân Putrajaya, mọi chi tiêu và tất cả các cánh cửa đều sử dụng thẻ từ. Đó là những mô hình của tự do, nhưng cũng an toàn, phát huy sự sáng tạo và đặc biệt là chống tham nhũng.

Mong rằng ở Việt Nam, những ngành nhiều hiện tượng tiêu cực, đã có hạ tầng thông minh theo dõi, thì con người cũng hãy “thông minh” theo.

Theo DNSG