Ít cơ hội để lớn

Không chỉ khó lớn, cơ hội kinh doanh co lại khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô và phạm vi hoạt động.

Ít ai có thể ngờ rằng, câu hỏi “dạo này doanh nghiệp thế nào” lại gây bức xúc đến thế với một vị chủ tịch hội đồng quản trị của một tập đoàn doanh nghiệp tư nhân. “Giờ thì tôi chỉ muốn yên tĩnh để lo cho sự tồn tại của doanh nghiệp, lo việc làm cho công nhân thôi”, vị này nói khi được hỏi lý do tại sao chưa triển khai những dự án đã công bố trước đó.Thu lại để bảo toàn

Mặc dù tiền tố tập đoàn trong tên của doanh nghiệp tư nhân nói trên cho đến giờ vẫn là đề tài tranh luận của cả giới hoạch định chính sách cũng như các nhà nghiên cứu và chính các doanh nghiệp, rằng cần phải đáp ứng tiêu chí nào đó hay chỉ cần có hơn một doanh nghiệp trong nhóm là có thể mang “mũ” tập đoàn, song với việc thoái lui một loạt kế hoạch kinh doanh, cộng với lợi nhuận nhỏ đi từ khoản đầu tư trước đó, có thể thấy tập đoàn này đang bé lại đáng kể.

“Khó khăn nhất bây giờ là bảo toàn được nguồn lực, kể cả vốn và nhân lực. Cách tốt nhất là thu hẹp theo nguyên tắc giữ các bộ phận cốt cán” – vị chủ tịch hội đồng quản trị nói trên chia sẻ về cách thức tồn tại khi nhu cầu trong nước giảm mạnh ở hầu hết các lĩnh vực, kể cả sản xuất công nghiệp và tiêu dùng.

Đây chắc chắn không phải là doanh nghiệp duy nhất áp dụng biện pháp thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm đóng cửa một số doanh nghiệp con, để bảo toàn.

Trong khảo sát mới được công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về động thái doanh nghiệp, hầu hết các yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh như: nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, giá thành sản xuất, khả năng tiếp cận vốn vay, tiếp cận mặt bằng, đất đai… đều được chính các doanh nghiệp cho điểm rất thấp (dưới 0) khi nhận định về tình hình năm 2013.

Thậm chí, với 3 yếu tố có mức giảm điểm lớn nhất là nhu cầu thị trường trong nước (giảm 29 điểm so với năm 2012), nhu cầu thị trường nước ngoài (giảm 30 điểm) và khả năng tiếp cận vốn vay (giảm 30 điểm), có thể thấy, cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp là không có và như vậy, khả năng buộc phải giảm bớt quy mô, cả vốn và lao động là điều khó tránh.

Xu hướng nhỏ lại

Gắn những động thái mới nhất này vào xu hướng chuyển dịch của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2002-2011 vừa được VCCI tổng kết, có thể thấy, trong khi vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị cho căn bệnh khó lớn của doanh nghiệp Việt Nam thì các doanh nghiệp đã bị nhỏ đi do cơ hội kinh doanh bị thu hẹp.

Dựa trên số liệu chính thức về doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố, VCCI đã phát hiện, chỉ trong vòng 1 năm, 2010-2011, có tới 40% doanh nghiệp quy mô vừa thu hẹp quy mô lao động. Số lượng doanh nghiệp thu hẹp vốn ít hơn, chỉ khoảng gần 7%, song lại là những doanh nghiệp lớn lui về làm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nếu xét cả giai đoạn 2002-2011, tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam phân theo quy mô lao động đã tăng từ 90 lên 95,6%, trong đó có tới 2/3 doanh nghiệp siêu nhỏ với số lao động dưới 10 người. Ngược lại, số doanh nghiệp vừa và lớn vào năm 2011 chỉ còn 2,1 so với 2,4% trong năm 2002.

Nếu xét về vốn, xu hướng khá hơn với sự giảm đi của doanh nghiệp nhỏ, từ 89,7% năm 2002 xuống còn 84,1% năm 2011. Số doanh nghiệp lớn cũng đã tăng từ 3 lên 4,4%.

Đáng nói hơn cả là số doanh nghiệp vừa, lực lượng được kỳ vọng sẽ là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi khi các doanh nghiệp lớn lao đao bởi quy mô quá lớn, khó dịch chuyển, các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh, lại có xu hướng nhỏ đi.Theo phân tích của VCCI, có tới 38,78% doanh nghiệp vừa đã chuyển thành doanh nghiệp nhỏ trong năm 2011, thậm chí có tới 5,1% bé lại thành siêu nhỏ. Ngay cả với các doanh nghiệp quy mô lớn vào năm 2002 thì có tới 13,5% chuyển xuống quy mô vừa, 17,53% chuyển xuống quy mô nhỏ và 2,38% chuyển xuống quy mô siêu nhỏ.

Cũng phải nói thêm rằng, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ dù luôn chiếm đa số trong nền kinh tế song tỷ lệ đóng góp của khu vực này, nhất là về lao động, cũng nhỏ tương ứng.

Năm 2011, tỷ trọng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ là 10,1% trong khi các doanh nghiệp lớn thu hút được hơn 52% lao động, dù chiếm có 2,4% trong tổng số doanh nghiệp. Với góc độ này, cộng thêm tính thiếu chuyên nghiệp, chuyển dịch lớn của doanh nghiệp nhỏ, sự phát triển của nền kinh tế sẽ trở nên rất bấp bênh nếu phụ thuộc vào số đông các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Do cơ hội sai lệch

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương là một trong những chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo: tới thời điểm này, tư duy đầu cơ, sử dụng vốn đầu tư dễ dãi vẫn chi phối các quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

“Chỉ nhìn vào các đề xuất của doanh nghiệp với Chính phủ về các chính sách hỗ trợ, có thể thấy đa phần doanh nghiệp vẫn muốn được hỗ trợ để cố gắng cứu vớt phần lợi nhuận từ các khoản đầu tư trước, hay cố gắng duy trì tình trạng hiện hữu của doanh nghiệp. Với cách duy trì này, doanh nghiệp sẽ buộc phải “ăn vào thịt” và sẽ teo tóp dần khi thị trường đã đòi hỏi những thay đổi mới”, ông Cung phân tích.

Dễ thấy nhất là thị trường bất động sản, khi cầu đang đòi hỏi mức giá thấp, nếu doanh nghiệp kiên quyết giữ giá để đợi hỗ trợ, sự dùng dằng của thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài.

“Đáng ra doanh nghiệp phải xác định thị trường đang đòi hỏi gì, để chuyển dịch theo hướng đó, chứ không phải là bấu víu vào tài sản hiện hữu. Có thể việc bán rẻ một số tài sản hiện có để thu tiền, đầu tư vào cơ hội kinh doanh khác phù hợp với thị trường hơn sẽ thay đổi tình thế của doanh nghiệp”, ông Cung khuyến nghị cách giải quyết này với cả các khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước đang đình trệ vì giá thị trường đi xuống.

Kinh nghiệm thành công của cải cách trong mấy thập kỷ qua cho thấy, cơ hội đầu tư mới sẽ xuất hiện khi thị trường và cơ chế thị trường được mở rộng hơn và hoạt động tốt hơn, cạnh tranh thực sự và bình đẳng hơn, mở cửa nhiều hơn và thực chất hơn; cơ hội nhiều hơn cho khu vực tư nhân; doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nhà nước giảm về quy mô nhường chỗ cho khu vực tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp sẽ chỉ lớn lên một cách bền vững khi môi trường kinh doanh không nhằm bảo vệ cơ hội kinh doanh và lợi ích của một nhóm doanh nghiệp hay một ngành cụ thể nào mà tạo cơ hội cho bất cứ ai có sáng kiến và dám chấp nhận rủi ro.

Theo DNSG