Không thả nổi chất lượng phần mềm nguồn mở

 
Lo ngại dùng phải PMNM kém chất lượng, nhiều cơ quan, tổ chức vẫn dùng phần mềm nguồn đóng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Rất nhiều cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp muốn ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) vào hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành đang lúng túng không biết đâu là “hàng xịn” trong bối cảnh trên thị trường có không ít lựa chọn nhưng đa phần chưa qua kiểm định chất lượng.

“Vàng, thau” lẫn lộn

Chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ PMNM cung ứng trên thị trường đang là mối quan tâm lớn của các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng PMNM, đặc biệt trong bối cảnh vài năm gần đây có hiện tượng sau khi một công ty kinh doanh/phát triển PMNM đóng cửa thì một số nhân viên của chính công ty đó “nhảy” ra lập nên những công ty PMNM có tiềm lực và năng lực nhỏ hơn.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) phân tích thêm: “Những năm trước đã có một số doanh nghiệp rất “máu mê” với PMNM và cũng làm được một số việc có ý nghĩa, nhưng sau đó nhanh chóng phá sản hoặc thất bại, chẳng hạn như CMC, Vietkey, Rồng Việt… Nguyên nhân do họ tiếp cận PMNM không đúng cách, nói nôm na là “làm PMNM theo kiểu phần mềm nguồn đóng”. Nếu nhân viên của các dự án PMNM phá sản tách ra lập công ty nhỏ mà không thay đổi tư duy, vẫn theo lối “ăn xổi” thì chắc chắn chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn”.

Theo ông Quang, nhiều người quan niệm rất giản đơn rằng chỉ cần công bố mã nguồn (có thể kèm theo một giấy phép (license) PMNM) thì phần mềm của mình nghiễm nhiên trở thành PMNM. Nhưng thực tế, một PMNM được tùy biến, rẽ nhánh một cách tùy tiện, không theo dòng chảy của phần mềm gốc thì chả mấy chốc sẽ đi vào đường cụt và làm người sử dụng lạc lối. PMNM mà không có cộng đồng (người sử dụng và người phát triển) đóng góp thì sẽ nhanh chóng chết yểu.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia CNTT khi trao đổi với phóng viên ICTnews đều khẳng định rằng trên thị trường Việt Nam, nếu xét riêng các sản phẩm phục vụ nghiệp vụ do doanh nghiệp trong nước cung cấp thì hiếm có cái nào đích thực là PMNM. Nhiều PMNM của nước ngoài như OrangeHRM (quản lý nhân sự), Vtiger hoặc SugerCRM (quản lý quan hệ khách hàng), Alfresco (quản trị nội dung), Compiere, OpenERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp)… sau khi được doanh nghiệp Việt Nam biến đổi thành phần mềm trong nước lại thường không có sự đóng góp ngược lại cộng đồng để tiếp tục được cộng đồng tham gia phát triển tiếp.

 

Hiện trạng trên đã và đang gây ra sự phản tác dụng trong quá trình thúc đẩy phát triển, ứng dụng PMNM. Ông Trần Minh, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số từng chia sẻ với phóng viên ICTnews về việc rất nhiều cán bộ, công chức – đặc biệt là ở địa phương không thể biết chính xác đâu là PMNM có tính tiện dụng, chất lượng cao. Không ít trường hợp thiếu hiểu biết, cảm thấy bất tiện, rắc rối khi bắt đầu làm quen với PMNM nên “quay lưng” ngay.

Cần đẩy mạnh khâu kiểm định

Câu chuyện cần có tổ chức, bộ phận chuyên trách về thẩm định, kiểm định PMNM đã được quan tâm từ khá lâu. Chẳng hạn, Bộ TT&TT đã thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định các PMNM từ năm 2007 nhằm tìm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng và đưa vào danh mục sản phẩm PMNM ưu tiên mua trong các dự án CNTT sử dụng ngân sách Nhà nước.

Bộ Khoa học & Công nghệ thì phối hợp với Intel mở phòng thí nghiệm kiểm định và phát triển các giải pháp nguồn mở để đưa ra khuyến cáo cho đơn vị ứng dụng phần mềm mã nguồn mở được hiệu quả và an toàn hơn. Một phòng thí nghiệm về phần mềm mã nguồn mở (OpenLab) có chức năng kiểm định và chuẩn bị đóng gói cho giải pháp PMNM cũng đã được thiết lập tại Sở Bưu chính & Viễn thông (nay là TT&TT) TP.HCM với sự hợp tác của Intel.

Cuối năm 2011, Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số thuộc Bộ TT&TT công bố dự định xây dựng Trung tâm Kiểm định đánh giá PMNM để kiểm tra chất lượng các PMNM và khuyến cáo những việc cần làm đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng PMNM.

Tuy nhiên, không phải cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng nhiệt tình mang sản phẩm PMNM mình muốn ứng dụng hoặc đề nghị doanh nghiệp cung cấp PMNM đó mang sản phẩm đến các địa chỉ kiểm định PMNM để tường minh về chất lượng.

Mới đây, Bộ TT&TT đã nghĩ ra một hướng tiếp cận khác, đó là đề xuất 7 phần mềm sẽ phát triển theo mô hình PMNM dùng chung cho các cơ quan Nhà nước, rồi đề nghị VFOSSA và cộng đồng cùng đóng góp ý kiến, khuyến cáo để hoàn thiện sản phẩm, giúp người dùng không phải “lăn tăn” về chất lượng của các PMNM này nữa.

“VFOSSA đã thành lập 1 Tổ công tác thẩm định nguồn mở để xác định tiêu chí đánh giá rồi tiến hành thẩm định 7 phần mềm vừa nêu, hỗ trợ các nhà phát triển khắc phục các điểm chưa đạt về phương diện PMNM của sản phẩm. Nếu việc thẩm định lần này thành công, tạo ra một tiền lệ tốt, thiết nghĩ Bộ TT&TT cần có cơ chế và đầu tư thích đáng để hỗ trợ việc phát triển và duy trì các PMNM dùng trong khu vực Nhà nước, trong đó có công tác thẩm định”, ông Quang đề xuất.

“Muốn làm dịch vụ PMNM có chất lượng cao thì phải đầu tư công sức và đi đúng đường, quan trọng nhất là phải hiểu và biết đóng góp cho cộng đồng. Ở Việt Nam đã bắt đầu có những PMNM phát triển đúng hướng và đã thu được nhiều thành công như NukeViet với sự dẫn dắt của Cty VINADES, hoặc một vài doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PMNM đúng kiểu như iWay”, ông Phạm Hồng Quang – Chủ tịch VFOSSA chia sẻ.

Theo ICTnews