Kiểm toán Nhà nước: NHNN chưa “tròn vai”

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) “chê” Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa kịp thời trong hoạt động thanh tra, giám sát đối với hoạt động của ngành ngân hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay liên ngân hàng, có thời điểm lãi suất lên đến 37,5%.

Ngày 25/7, KTNN đã công bố kết quả kiểm toán 2012 về niên độ ngân sách 2011. Tại đây, KTNN cũng chỉ ra những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Đặc biệt là sai phạm trong hoạt động huy động vốn, cho vay và ghi nhận lợi nhuận của ngành Ngân hàng đã giảm đi so với những năm trước.

NHNN “phản ứng” hơi chậm

Theo kết quả kiểm toán năm 2012, KTNN đánh giá công tác điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều hành lãi suất dần phù hợp với thị trường, đảm bảo ổn định tỷ giá… Song, lạm phát cả năm 2011 vẫn ở mức cao (18,13%), vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đã điều chỉnh (từ 15% lên 17%); nhu cầu vốn giá rẻ cho nền kinh tế chưa được đáp ứng đầy đủ, lãi suất cho vay nền kinh tế còn cao, tăng trưởng tín dụng 14,45% không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của

Chính phủ, là 15 – 17%, tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007, đặc biệt năm 2011 tăng đột biến. Cụ thể năm 2007 là 1,55%, năm 2008 là 2,17%, năm 2009 là 2,03%, năm 2010 là 2,19% và năm 2011 là 3,07%.

Năm 2011 cũng ghi nhận hoạt động thanh tra giám sát của NHNN đối với hoạt động cho vay tái cấp vốn chưa kịp thời

và đầy đủ. Ví như một số hồ sơ tái cấp vốn chưa được giám sát việc sử dụng vốn vay theo thông báo của Thống đốc NHNN như hồ sơ vay vốn của Vietinbank, BIDV, Vietcombank.

Một số NHTM, TCTD vay tái cấp vốn vi phạm tỷ lệ an toàn theo quy định nhưng chưa được cảnh báo, ngăn ngừa và

chấn chỉnh kịp thời như NHTM cổ phần Bắc Á, NHTM cổ phần Đại Tín vi phạm từ 9 tháng đầu năm 2011 nhưng đến 29/11/2011 NHNN mới thành lập tổ giám sát.

 

Sai phạm trong hoạt động huy động vốn, cho vay và ghi nhận lợi nhuận của ngành Ngân hàng đã giảm

 

Việc điều hành thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được mức lãi suất cao bất thường như trong năm 2011, tại một số thời điểm, xuất hiện một số giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng lãi suất cao như trong tháng 3/2011 có giao dịch với lãi suất 23%/năm, tháng 10/2011 có giao dịch với lãi suất 30%, tháng 11/2011 có giao dịch với lãi suất 37,5%, trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 năm 2011 theo quy định NHNN chỉ tối đa là 14%/năm.

Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm

Kết quả kiểm toán lần này cũng công bố Báo cáo tài chính năm 2011 của 6 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, là BIDV, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty cổ phần PVI.

Báo cáo này cũng cho thấy hoạt động kinh doanh của những tổ chức này có lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2010. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2011 của BIDV là 4.149,2 tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm 2010; MHB là 102 tỷ đồng, giảm 1,21% so với năm 2010; PVI tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân là 10,5%, giảm 0,66% so với năm 2010

Một số đơn vị không bảo đảm một số tỷ lệ an toàn tại nhiều thời điểm theo quy định của NHNN, một số hoạt động của các tổ chức tài chính ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn, chưa thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ trong việc hạn chế, không khuyến khích đầu tư, cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Hoạt động kinh doanh ngoại tệ chưa tuân thủ quy định, như BIDV chưa tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 1452/2004/QĐ-NHNN ngày 10/1/2004 về kỳ hạn của các giao dịch khi thực hiện một số giao dịch hoán đổi ngoại tệ đối với cặp đồng tiền USD/VND kỳ hạn 1 ngày. Rồi huy động vốn còn vi phạm quy định về trần lãi suất so với quy định của NHNN tại 10 chi nhánh của BIDV khoảng 3,2 tỷ đồng, MBH khoảng 59,7 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết cũng cho thấy hiệu quả còn thấp như tỷ lệ thu nhập từ hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần trên tổng giá trị đầu tư năm 2011 của BIDV từ 3,1 – 3,4%, MBH là 0,07%, PVI với tỷ suất lợi nhuận đầu tư dài hạn so với số vốn đầu tư dài hạn bình quân là 5,01% và 70,7% giá trị các khoản đầu tư dài hạn có hiệu quả đầu tư thấp hoặc chưa có hiệu quả.

Không chỉ thế, nhiều khoản đầu tư không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm giá trị kể từ thời điểm đầu tư và có nguy cơ mất vốn cao. Ví như tổng giá trị chứng khoán vốn đầu tư sẵn sàng để bán năm 2011 của BIDV đã suy giảm 62% giá trị; PVI với 31,8% giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và khoản đầu tư vào Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam đã suy giảm 51%, Quỹ tầm nhìn SSIVF suy giảm 24% giá trị.

Kết quả kiểm toán đối với hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn tại 8 công ty tài chính thuộc 8 tập đoàn, tổng công ty năm 2010 và năm 2011, cho thấy cơ bản thực hiện huy động và sử dụng vốn theo quy định của Nhà nước và đơn vị. Tuy nhiên, trước năm 2011, các công ty này chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, không đúng quy định của Luật Các TCTD năm 2007 và Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 1/10/2002 về tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính.

Thực tế, các công ty tài chính thực hiện hoạt động nhận ủy thác quản lý vốn nhưng thực chất là nghiệp vụ nhận tiền gửi do không xác định mục đích ủy thác cụ thể, không xác định bên chịu rủi ro, khách hàng hưởng lãi suất cố định trên số vốn ủy thác và được các công ty tài chính trả gốc, lãi theo thỏa thuận.

Trên 60% vốn huy động của các công ty từ các TCTD, hầu hết các công ty không thực hiện chức năng đầu mối tập trung nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi từ các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty. Trong tổng số vốn huy động từ thị trường 1, số vốn huy động của các đơn vị trong nội ngành cuối năm 2010 là 6.823 tỷ đồng, chiếm 17,16% và cuối năm 2011 là 6.008,69 tỷ đồng, chiếm 9,41% tổng nguồn vốn huy động.

 

Theo TBKD