Kinh tế Việt Nam xếp vị trí thứ 42: Giới đầu tư đặt lòng tin ở Việt Nam

Theo bảng xếp hạng 177 nền kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam xếp ở vị trí thứ 42. Vẫn theo đánh giá của WB, thách thức đã đặt ra cho kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành cải cách kinh tế cuối những năm 1980. Tỷ lệ đầu tư/GDP giảm, chỉ số nhà quản trị mua hàng giảm, bán lẻ tăng chậm, tình hình tài khóa không mấy thuận lợi, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực hiện quyết liệt… Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, với những đánh giá của WB về những khó khăn và thành quả của kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, phải chăng đây là một góc nhìn lạc quan?

Mặc dù đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong nước cũng như bối cảnh thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013 vẫn tăng trưởng 4,9%. Nếu so với mức tăng trưởng âm 0,6% khả năng trong năm nay của khu vực đồng Euro, thì điều này cho thấy chúng ta đã tăng trưởng gấp từ 9 – 10 lần. So với mức khu vực, Việt Nam đạt được mức chuẩn chung của các nước. Bên cạnh đó, còn giữ được sự ổn định tài chính, tiền tệ, thậm chí còn có sự cải thiện. Các doanh nghiệp (DN) đang có sự hồi phục nhất định. Đầu tư FDI có sự cải thiện theo hướng chuyển từ suy giảm liên tục suốt 4 năm qua, đến nay đã chuyển ngược lại. Điều này cho thấy những nhận xét của WB hoàn toàn có cơ sở.

Nhận xét của WB cho thấy lòng tin của giới đầu tư và doanh nhân nước ngoài vào thị trường Việt Nam vẫn rất sáng sủa?

Việt Nam cũng không nên chủ quan, vì còn phải đối đầu với nhiều vấn đề cần giải quyết. Ngay sự tăng trưởng cũng chưa thật sự ổn định. Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, rồi những chỉ đạo gần đây của Nhà nước là rất cần thiết nhằm duy trì sự bền vững này cũng như đạt được sự cải thiện trong năm sau.

 

Ts. Nguyễn Minh Phong Chuyên gia kinh tế

Mặc dù năm 2013, Việt Nam cũng như thế giới phải đối diện với nhận định là năm đáy của khủng hoảng, nhưng với nhận xét của WB cho thấy lòng tin của thế giới, của giới đầu tư và doanh nhân nước ngoài vào thị trường Việt Nam khá tốt.

Với kết quả Việt Nam đứng thứ 42 trong số 177 nền kinh tế được xếp hạng. Theo ông, đây có phải là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có quy mô?

Xét về quy mô kinh tế cũng không hoàn toàn đầy đủ. Nhưng quy mô kinh tế dù sao cũng thể hiện tầm vóc của thị trường, tầm vóc tăng trưởng trong tương lai cũng như vị thế so sánh về mặt lượng. Còn về mặt chất thì Việt Nam cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Theo tôi, đây là một con số tốt, dù ở góc độ nào.

Có thể coi kết quả mà Việt Nam đạt được là động lực để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Tuy nhiên, theo cảnh báo của WB, tăng trưởng chậm kéo dài cũng có thể là lực cản trong chiến lược phát triển kinh tế?

Việc này chúng ta đã nhận thức ra, cả Đảng, Chính phủ, DN cũng như giới chuyên gia. Thậm chí còn nhận thức sâu sắc hơn và chỉ ra đầy đủ cũng như căn nguyên của vấn đề này. Tôi tin rằng với tinh thần đổi mới, đặc biệt là các tinh thần Hội nghị Trung ương từ III, IV, V, VI, VII gần đây, cũng như các chỉ đạo quyết liệt khác thì sẽ từng bước giải quyết được vấn đề này.

Cũng theo khuyến nghị của WB, Việt Nam cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế. Vậy, sự quyết liệt cần phải thể hiện như thế nào, thưa ông?

Đây cũng là một trong những điểm bức xúc mà Việt Nam đã nhận thức ra từ Đại hội XI, trong khi nêu bật 3 trọng tâm tái cơ cấu. Tháng 2/2013, Chính phủ cũng đã thông qua đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mà trong đó đã định rõ những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên định hướng cho sự phát triển.

Có 3 điểm cần lưu ý trong quá trình tạo ra đột phá tái cơ cấu. Thứ nhất, trên thực tế cần đẩy nhanh hơn quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cấu trúc lại các DN nhà nước như là một trọng tâm hàng đầu. Không nên quá e ngại việc thị trường đang khó khăn mà giảm hoặc giãn tiến độ cổ phần hóa đến sau năm 2015.

Thứ hai, khu vực nông nghiệp cần phải được tái cấu trúc mạnh mẽ hơn, theo tinh thần vừa giữ được tỷ trọng cây lương thực để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng đồng thời phải chuyển đổi và tái cơ cấu lại đất đai, vùng sản xuất theo hướng tập trung công nghiệp để có thể áp dụng công nghệ cao, đồng thời kêu gọi các DN FDI cùng vào cuộc.

Thứ ba, với công nghiệp phụ trợ, cần phải có sự đột phá về môi trường đầu tư cũng như cách thức phát triển trong nước để hình thành một mạng công nghiệp phụ trợ. Nhằm tạo ra thay đổi căn bản trong nền tảng công nghiệp và sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo TBKD