Kinh tế: Đà tốt vẫn không được lơ là

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phát triển theo đà tốt, trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, tốc độ tiến bộ chưa như mong muốn.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, những gì nhận định từ đầu năm và qua điều hành 9 tháng vừa qua thì cuối năm cơ bản cố gắng đạt được chỉ tiêu đề ra. CPI tháng 9 tăng trên 1%, chủ yếu do giá dịch vụ, trong đó có việc khai giảng năm học mới, nhưng CPI 9 tháng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Dư địa 3 tháng còn lại, nếu theo chỉ tiêu đã trình Quốc hội và định hướng điều hành là 7% thì còn trên 2%, lấy số tròn là 0,8%/tháng. Theo tính toán những năm trước, năm nay sẽ đạt được chỉ tiêu về lạm phát.

GDP có thể tăng 5,4 – 5,5%

Về tiền tệ, tỷ giá được duy trì tốt, ổn định. Tín dụng có tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng như tháng trước nhận định, đầu vào tiền gửi tăng trên 11% nhưng đầu ra chỉ tăng 6%. Tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng dần theo các quý, quý III cao hơn quý II, quý I. Cuối năm, tăng trưởng GDP có thể đạt 5,4 – 5,5%.

Tổng vốn đầu tư xã hội có tăng, trên 6%, không phải nhiều nhưng trong bối cảnh hiện nay thì chấp nhận được. Qua các báo cáo của các tổ chức quốc tế thì chỉ số cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên, trong đó chỉ số ổn định vĩ mô tăng 19 bậc, biểu hiện cụ thể vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 36%.

Trả lời câu hỏi Chính phủ sẽ trình Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3%, ông Đam cho biết Chính phủ đã bàn vấn đề này. Lý do là yêu cầu đầu tư rất lớn: “Từ Hà Nội, Tp.HCM đến vùng sâu, vùng xa nhất, đâu đâu cũng có nhu cầu đầu tư từ điện, đường, trường trạm, rồi đến nước, xử lý rác thải… Và chúng ta cũng đều biết Nghị quyết 11, vừa rồi là Chỉ thị chấn chỉnh đầu tư công thì hàng loạt công trình trước đây đã đầu tư nay siết lại, khiến nhiều dự án không đủ vốn để làm. Trong khi đó, kinh tế vẫn phát triển, tăng trưởng ở mức trên 5%, nhưng bằng rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong đó có giãn, lui một số thuế, một số biện pháp hỗ trợ khác nên thu ngân sách mặc dù vẫn tăng nhưng mức tăng không đáp ứng được mức chi theo như mong muốn”.

“Sang năm 2014, để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5%, thì vẫn phải có một phần đầu tư và tính toán tối thiểu cũng phải đầu tư ở mức khoảng 255.000 tỷ đồng. Và để cân đối tổng thu – tổng chi thì chúng ta buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư”, ông Đam nói.

Vẫn theo ông Đam, nếu theo đúng quy định thì bội chi ngân sách năm nay là 4,8%, Quốc hội đồng ý cho tăng mức bội chi lên 5,3%, cộng với toàn bộ thu từ tiền đất, cộng với một phần thu từ khoáng sản, cộng với một phần xổ số kiến thiết là phải chi cho đầu tư hết, nhưng vì phải giảm, giãn một số sắc thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN, do đó đến bây giờ, tiền thu từ đất không dành được hết cho đầu tư mà phải dành cho chi sự nghiệp.

Khi được hỏi về việc Chính phủ xin tăng bội chi ngân sách 5,3%, Chính phủ có tính đến việc sẽ gây áp lực lên nợ công hay chưa; Chính phủ có tính đến việc tăng bội chi ngân sách mà đầu tư không hiệu quả có gây lãng phí trong đầu tư công không, ông Đam khẳng định Chính phủ khi đề ra bất kỳ biện pháp nào, chỉ tiêu nào đều cân nhắc rất kỹ lưỡng. Khi trình Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, Chính phủ đã xem xét đầy đủ các mối quan ngại. Nâng lên 5,3% là Chính phủ đã tính đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công. Còn câu chuyện sử dụng nguồn vốn ấy tiết kiệm hay không thì không chỉ việc nâng lên 5,3% mới quan tâm, mà kể cả không bội chi thì cũng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư.

Kiềm chế lạm phát…

Mặc dù tình hình KT-XH như vậy, nhưng ông Đam vẫn “cảnh báo” không được lơ là. Chẳng hạn, dư địa lạm phát, lấy số tròn là 2,4% cho 3 tháng, nhưng nếu lơ là, tháng nào cũng trên 1% thì cả năm sẽ trên 7%. “Về tháo gỡ khó khăn cho DN, chúng ta đã làm nhưng phải nói thẳng thắn là có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng sau, quý sau cao hơn tháng trước, quý trước, nhưng cần xét tới mặt ngược lại là còn nhiều DN ngưng hoạt động”.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, vẫn có nhiều DN tìm mọi cách trốn thuế. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, từ trước tới nay thường dùng phương thức khoán, sau đó có đàm phán mức khoán. Trong phiên họp Chính phủ, có thành viên Chính phủ đã nói đến hiện tượng “băm đôi”. Trong đội ngũ cán bộ thuế, không tránh khỏi có cán bộ chưa hoàn thành chức trách. Bộ Tài chính phải có kế hoạch chống thất thu thuế. Chống thất thu không chỉ để tăng ngân sách trong lúc khó khăn, mà đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

“Câu chuyện các địa phương cho rằng mức thu cao. Bản thân tôi trước đây từng là Chủ tịch, Bí thư tỉnh nên tôi hiểu điều này. Chúng ta nuôi nguồn thu, tạo điều kiện cho DN, nhưng không thể thất thu những khoản đúng ra phải nộp. Đây là điều quan trọng, để đảm bảo giữ công bằng nói chung và công bằng giữa các DN, hộ kinh doanh nói riêng”, ông Đam chia sẻ.

Theo TBKD