Làm chủ công nghệ cao, hiện đại hóa quân đội

1a.jpg
Kỹ sư Hà Mạnh Thắng (Viện Nghiên cứu và Phát triển) đang cùng Ðại úy Phạm Thị Lý kiểm tra tín hiệu máy vô tuyến điện sóng cực ngắn trang bị cho cấp chiến thuật (VRP8111).

Tại cuộc họp báo công bố các công trình đoạt Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ (VIFOTEC) năm 2012, GS. TSKH Nguyễn Thiện Phúc cho biết: “Trong những năm gần đây, số các công trình nghiên cứu ứng dụng của Bộ Quốc phòng tham gia và đoạt giải thưởng VIFOTEC ngày càng nhiều”.

Ðến Viện Nghiên cứu và Phát triển (Tập đoàn Viettel), chúng tôi hiểu được vì sao nhiều đề tài nghiên cứu công nghệ cao được ứng dụng nhanh vào thực tế, góp phần hiện đại hóa quân đội trong lĩnh vực thông tin liên lạc.

Vào một ngày cuối tháng 5 vừa qua, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 38 – 39 độ C, chúng tôi có mặt tại một đơn vị của Quân khu 2. Trên thực địa, kỹ sư Hà Mạnh Thắng (Viện Nghiên cứu và Phát triển) đang cùng Ðại úy Phạm Thị Lý kiểm tra tín hiệu máy vô tuyến điện sóng cực ngắn trang bị cho cấp chiến thuật (VRP8111).

Trong những ngày kỷ niệm lớn, khi có duyệt binh, chúng tôi rất thích xem khối chiến sĩ nữ thông tin liên lạc đi đều qua lễ đài. Trên lưng mỗi chiến sĩ nữ là chiếc máy thông tin, trọng lượng mỗi máy do Liên Xô (trước đây) sản xuất nặng 21 kg. Nếu là máy do Mỹ sản xuất (thu được sau giải phóng) nặng 14 kg. Còn chiếc máy VRP8111 do Viện Nghiên cứu và Phát triển sản xuất chỉ nặng hơn 900 gam và nhỏ như chiếc điện thoại di động cầm tay.

Nói về tính năng và chất lượng của máy VRP8111, đại úy Phạm Thị Lý cho chúng tôi biết: “Máy nhỏ gọn, giúp bộ đội thuận lợi trong việc cơ động trên các loại địa hình, tín hiệu nghe rõ, sử dụng đơn giản. Vào những lúc trời oi, nóng như thế này, thay vì phải khoác trên vai thiết bị nặng hơn 20 kg, nay chỉ cần cầm thiết bị trên tay, điều đó đã giảm sự vất vả cho người lính trong tập luyện cũng như trong chiến đấu”.

Kỹ sư Hà Mạnh Thắng cho biết thêm: “Không chỉ nhẹ, nhỏ hơn so với máy của Liên Xô, Mỹ, máy VRP8111 do Viện sản xuất còn ưu việt hơn do có thêm 10 kênh nhớ địa chỉ tự động. Phần mềm của máy do các nhà khoa học trong nước tự thiết kế, lập thuật toán cho nên có tính bảo mật rất cao, giúp bộ đội ta thông tin cho nhau trong quá trình tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng mà không bị đối phương phát hiện”.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, Trung tướng Hoàng Anh Xuân tâm sự: “Ngay từ khi còn công tác ở Nhà máy M1, tôi đã có khát vọng đến một ngày nào đó, chúng ta có thể làm chủ kỹ thuật để sản xuất máy thông tin quân sự hoàn chỉnh mà không phụ thuộc bất kỳ một công đoạn nào của nước ngoài. Ðến bây giờ điều đó đã trở thành sự thật!”.

Các nhà khoa học và công nghệ Tập đoàn Viettel đã làm chủ công nghệ và sản xuất thành công toàn bộ loại máy thông tin quân sự cho lục quân với chi phí rẻ hơn từ 3 đến 4 lần so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu của nước ngoài, trong khi đó lại có nhiều tính năng ưu việt và phong phú hơn. Việc làm chủ công nghệ từ thiết kế nguyên lý, đến viết phần mềm điều khiển toàn bộ hoạt động của máy có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế – kỹ thuật mà lớn hơn là giữ được bí mật quân sự, có thể điều chỉnh, tùy biến trong khi tác chiến, tạo ra khả năng ứng phó linh hoạt. Trước kết quả đó, Bộ Quốc phòng đã giao cho Tập đoàn Viettel sản xuất một số lượng lớn những thiết bị nói trên để hiện đại hóa quân đội.

Một trong những thành công đáng ghi nhận của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển đó là thiết kế chế tạo thành công Hệ thống quản lý vùng trời (VQ). Nhờ có hệ thống này mà tại một thời điểm, với thời gian thực, người sử dụng có thể nhìn rõ trên màn hình các loại máy bay đang bay trên bầu trời nước ta; chúng đang bay theo hướng nào, từ đâu tới.

Thượng tá Nguyễn Ðình Chiến, Viện trưởng cho hay, hiện nay quân đội ta đang sử dụng hệ thống quản lý vùng trời VQ9801 do nước ngoài cung cấp hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, phải mất đến 5 năm từ ngày đưa ra đề tài nghiên cứu đến lúc đối tác chuyển giao xong hệ thống quản lý vùng trời và chính thức đưa vào vận hành. Trong khi đó, hệ thống VQ do Tập đoàn Viettel nghiên cứu chế tạo chỉ mất khoảng 1 năm rưỡi kể từ ngày nhận nhiệm vụ đến ngày có thể đưa vào sử dụng, vận hành. Trong quá trình sử dụng hệ thống quản lý vùng trời do nước ngoài sản xuất, khi có bất cứ nhu cầu mở rộng thành phần dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít sẽ phải mất một quy trình phức tạp với thời gian không dưới 1 năm nhà sản xuất mới có thể làm được. Còn với Hệ thống VQ do Tập đoàn Viettel làm chủ nghiên cứu, chế tạo, thời gian để làm được việc này chỉ là một ngày, tức là đáp ứng tức thì mọi yêu cầu mở rộng thành phần.

Ðể có được kết quả bước đầu trong nghiên cứu các thiết bị lĩnh vực công nghệ thông tin trong quân sự phù hợp với người Việt Nam và cách đánh của ta, Viện Nghiên cứu và Phát triển đã có bí quyết gì? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Ðình Chiến chia sẻ: “Bí quyết của chúng tôi là học hỏi kiến thức cơ bản của Nga; làm chủ công nghệ của Mỹ và châu Âu; thiết kế phần mềm, thuật toán theo cách đánh của Việt Nam. Các thiết bị quân sự công nghệ cao lĩnh vực thông tin của chúng tôi đều được thiết kế, chế tạo theo bí quyết đó”.

Ðánh giá những đóng góp bước đầu của Tập đoàn Viettel trong việc sản xuất các thiết bị quân sự cung cấp cho quân đội, Thượng tướng Lê Hữu Ðức, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng: Tập đoàn Viettel đã tích cực, chủ động đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để triển khai chiến lược nghiên cứu sản xuất thiết bị quân sự và sản xuất thành công 6 loại máy thông tin quân sự cho lục quân được Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân đánh giá tốt; bước đầu nghiên cứu, chế tạo sản xuất thành công và đưa vào sử dụng hệ thống ra-đa bảo vệ vùng trời quốc gia. Ðây là những thiết bị quân sự đầu tiên do người Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, mở ra hướng đi chiến lược cho ngành chế tạo thiết bị quân sự có hàm lượng công nghệ cao; khẳng định khả năng làm chủ trong sản xuất khí tài thông tin quân sự, vừa phù hợp nghệ thuật tác chiến, điều kiện khí hậu, môi trường của Việt Nam vừa bảo đảm an toàn, bí mật không phụ thuộc vào nước ngoài.

Theo ICTnews