Làm thương mại điện tử theo kiểu “nhỏ và vừa”

Nhìn lại nền thương mại điện tử thế giới năm vừa qua, The Economist cho rằng nhờ vào việc giảm chi phí giao dịch, Internet tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều cơ hội chưa từng có để tiến hành buôn bán ra nước ngoài. Chi phí giao dịch thấp cũng giúp tạo ra cơ hội cho các cộng đồng ở vùng sâu, nông thôn cải thiện các cơ sở kinh tế. Internet giúp cho người nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và các cộng đồng có thể giới thiệu hình ảnh về mình ra toàn thế giới, tạo ra các điểm đầu mối để thu nhận thông tin về các doanh nghiệp địa phương và những thư chào hàng của họ.

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã bắt đầu tham gia thương mại điện tử trong những năm gần đây, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống. Họ đã gặt hái khá nhiều bài học kinh nghiệm, thất bại lẫn thành công. Bên cạnh đó, có một tác động tích cực cho sự phát triển của ngành thương mại nói chung, đó là việc sử dụng chợ điện tử (e-marketplace) đang ngày càng tăng lên.

Hiệu quả từ tiếp thị trực tuyến

Cửa hàng bán va-li du lịch KOS trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, đã cho ra mắt trang web Valikeo.vn vào đầu tháng 8 năm ngoái. Ban đầu, trang web này được thiết kế đơn giản, chỉ có hình ảnh sản phẩm và số điện thoại, địa chỉ cửa hàng, chưa tích hợp tính năng bán hàng và thanh toán trực tuyến.

Sau hai tháng đi vào hoạt động, KOS đạt mức doanh thu khoảng 40 triệu đồng, tức chỉ bán được hàng cho hơn 20 khách với giá một va-li 1 triệu – 1,7 triệu đồng, gần như không có lãi.

Anh Nguyễn Khánh Duy, chủ cửa hàng, nói rằng vào thời điểm kể trên anh chưa chú trọng việc bán hàng qua mạng nên Valikeo.vn không được đầu tư đúng mức, ví dụ anh không chi tiền cho việc  tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO – search engine optimization), một kỹ thuật giúp đẩy trang web lên trang đầu trong danh sách kết quả tìm kiếm của Google.

Đến đầu tháng 10-2012, KOS thuê nhân sự làm SEO với chi phí khoảng 6 triệu đồng/tháng. Kể từ lúc được nhiều người sử dụng Internet biết đến thông qua Google, mỗi tháng cửa hàng có hơn 150 đơn hàng, doanh thu tăng vọt lên 200 triệu đồng, gấp 5 lần so với trước đây.

Khác với KOS, Bánh Mì Việt (Banhmiviet.net) không dành nhiều kinh phí cho việc tiếp thị trực tuyến do tận dụng tính năng quảng cáo miễn phí trên các diễn đàn như Địa Điểm Ăn Uống, Otosaigon.com, Hoclamgiau.vn… Tuy nhiên, hiệu quả tiếp thị trên các diễn đàn này không cao, sau sáu tháng, lượng khách do các diễn đàn này mang lại chỉ chiếm khoảng 10%. Anh Lê Văn Cường, quản lý chuỗi cửa hàng Bánh Mì Việt trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, nói rằng một năm sau khi ra đời, vào tháng 10-2012, công ty mới có trang web và đầu tư cho khâu tiếp thị trực tuyến.

“Bánh Mì Việt hiện đầu tư kinh phí cho việc hợp tác với các trang web đặt thức ăn trực tuyến như Foodpanda.com, Vietnammm.com, Eat.vn, Chonmon.vn… Việc hợp tác này mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho cửa hàng. Các trang web kể trên có chính sách bảo đảm với người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ và sản phẩm mà họ giới thiệu, đồng thời thực hiện việc kiểm tra sản phẩm của đối tác rất chặt chẽ”. Anh Cường nói thêm rằng, trung bình cửa hàng bán được khoảng 1.000 ổ bánh mì mỗi tháng qua các trang ẩm thực trực tuyến, phần lớn khách đặt hàng trực tuyến là người nước ngoài sống tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, kể từ lúc Bánh Mì Việt mở trang web, khách đặt mua qua điện thoại cũng tăng lên, hiện chiếm 30% trong tổng số khách của cửa hàng. Từ kết quả này, công ty sẽ có thêm ba chi nhánh nữa vào đầu quý 2 năm nay.

Bà Nguyễn Kim Loan, Giám đốc Trung tâm lữ hành Festival, thuộc Công ty Du lịch Festival, cho biết công ty bắt đầu bán tour qua trang web từ năm 2007 nhưng khi đó chưa tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Mãi đến cuối năm 2011, công ty mới hợp tác với một cổng thanh toán đồng thời đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, chăm sóc khách hàng qua việc trò chuyện trực tuyến (online chat).

Đến nay, lượng khách mà Festival có được qua kênh trực tuyến khá cao, chiếm 30% trong tổng số khách mua tour của công ty. Doanh thu từ lượng khách hàng trực tuyến này chiếm 1/4 tổng doanh thu của Festival.

Nhận thức được tầm quan trọng của kênh tiếp thị trực tuyến, từ năm ngoái Festival đã bắt đầu tăng đầu tư về ngân sách lẫn nhân lực cho khâu này. Không chỉ tiếp thị qua thư điện tử (e-mail), mạng xã hội Facebook, doanh nghiệp còn chi tiền vào Google Adword để giúp đẩy trang web lên hàng đầu trong danh sách kết quả tìm kiếm của Goolge.

Cũng nhờ kênh trực tuyến mà Festival tiết kiệm được khoảng 30% chi phí dành cho hoạt động quảng cáo truyền thống trên các báo, tạp chí và truyền hình. Khoản tiết kiệm này công ty sử dụng lại vào việc giảm giá tour, tăng thêm chính sách khuyến mãi cho khách, giúp thu hút khách hàng và ổn định doanh số.

Lựa chọn giải pháp tiết kiệm chi phí

Những chuyên viên về SEO tư vấn rằng trước khi tạo trang web để giới thiệu và bán hàng trực tuyến, doanh nghiệp cần chuẩn bị thật tốt về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Tính lan tỏa của thông tin trên mạng Internet đôi khi lại là “con dao hai lưỡi”. Một khi các khách hàng trực tuyến không được cung cấp món hàng hay dịch vụ đúng chất lượng đã cam kết thì tiếng xấu về doanh nghiệp sẽ bị lan truyền rộng rãi trong một khoảng thời gian ngắn.

Về phần hosting, nếu xem trang web là trụ sở doanh nghiệp, cửa hàng trên Internet thì hosting chính là mảnh đất, là mặt bằng để xây dựng cửa hàng, trụ sở đó. Do đó, các chuyên gia tư vấn rằng doanh nghiệp nên mua của các nhà cung cấp quốc tế như Bluehost, Dreamhost, Hostgator với giá 100 đô la Mỹ một năm. Với mức giá này, chủ cửa hàng sẽ sử dụng thoải mái dung lượng cho rất nhiều trang web. Nếu có kinh phí dồi dào, doanh nghiệp có thể sử dụng hosting Việt Nam, tốc độ nhanh nhưng giá đắt gấp ba lần như trên, tùy vào dung lượng sử dụng mà chi phí sẽ khác nhau.

Ngoài ra, nếu mua tên miền tiếng Việt (tênmiền.vn), chủ cửa hàng sẽ tốn khoảng 830.000 đồng hằng năm nhưng chỉ sử dụng được cho một trang web. Tên miền .com, .net, .org … thì giá chỉ 220.000 đồng mỗi năm.

“Từ trường hợp của chính công ty mình, tôi cho rằng các doanh nghiệp nhỏ nên tận dụng công cụ tạo trang web miễn phí như WordPress, Blogspot … để thiết kế ra nhiều trang web và tạo đường dẫn về một trang chính để tăng độ phủ thông tin đến khách hàng”, anh Duy của Valikeo.vn nói.

Về phía mình, người đại diện Festival lại cho biết công ty sẽ đa dạng hóa sản phẩm trên trang web bằng việc bán trực tuyến thêm các dịch vụ khác như vé máy bay, cho thuê xe du lịch… Ngoài ra, Festival sẽ tạo một kho ảnh trực tuyến trên trang web. Cụ thể, công ty cung cấp thêm một nhân viên đi theo đoàn chuyên chụp hình cho du khách và tải lên trang web dulichfestival.com.vn, khách có thể tải xuống những tấm hình của mình để làm kỷ niệm.

Nhiều cửa hàng cũng nói rằng trong thời gian sắp tới sẽ đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến bằng việc nâng cấp trang web, thiết kế giao diện bắt mắt hơn, cung cấp thêm thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng bên cạnh những thông tin về sản phẩm, dịch vụ của mình.

Theo Thesaigontimes