Mạng xã hội đang đi chệch hướng?

Các trang web và ứng dụng mạng xã hội đang bỏ dần những tính năng hướng đến tính phổ biến và nhận diện sản phẩm của chính nó.

Foursquare vừa mới bỏ tính năng “check in” quen thuộc của họ. Hiện nay, dịch vụ này vừa định hình mình lại với chức năng giống dịch vụ Yelp “thường hơn”, thay vì là Foursquare rất nổi tiếng như thời gian qua. Tính năng check in của Foursquare lúc này chạy qua Swarm, là một ứng dụng mới của Foursquare.

Vấn đề là đối với nhiều người dùng thường xuyên và yêu thích Foursquare, việc check in vào địa điểm nào đó được xem như là tính năng chủ chốt mà Foursquare có được, là điểm chính để thu hút họ. Và động thái này của Foursquare rõ ràng là một thông tin không mấy vui vẻ gì đối với người dùng lâu năm. Có thể điều này là do phát sinh trong sai lầm về chiến lược kinh doanh, khi phải kết hợp người dùng Foursquare lâu năm với những mô hình kinh doanh mới khác. Đây là một chiến lược khá rủi ro vì một công ty có thể thất bại với mô hình mới, dẫn đến việc cũng sẽ thất bại để giữ chân người dùng lâu năm.

Vấn đề của Twitter 

Một điển hình khác cho cách làm này là Twitter.

Người dùng yêu thích Twitter là bởi vì nó tối giản, chỉ tập trung vào văn bản ngắn gọn, súc tích. Chính tính tối giản đó đã khiến Twitter là dịch vụ microblog tuyệt vời.

Nhưng Twitter có một trường hợp “đứng núi này trông núi nọ” không mấy hay ho khi so với Google và Facebook. Họ đã thiết kế lại giao diện tối giản trông giống hệt như Facebook. Việc tái thiết kế này cho thấy Twitter muốn đi lên thành một mạng xã hội dựa trên hình ảnh, không chỉ có mạng dựa trên văn bản. Twitter đang chạy đua cùng Google+ và Facebook khi cho rằng người dùng sử dụng hình ảnh nhiều hơn từ ngữ.

Twitter cũng đưa ra giao diện dạng thẻ, giống với kiểu giao diện mà Google áp dụng gần đây cho một số sản phẩm của họ, từ Google+ cho đến Android Wear.

Twitter cũng vừa thử nghiệm một tính năng gọi là “retweet with comment”, gom tweet nguyên gốc vào một thẻ và gắn nó vào retweet. Tính năng này càng khiến cho Twitter đi xa hơn ý tưởng ban đầu, ý tưởng gốc của họ là ngắn gọn.

Dĩ nhiên, các tính năng mới có thể không khả thi và không triển khai sau giai đoạn thử nghiệm, và có thể sẽ không được chính thức tung ra. Nhưng những bản thử nghiệm của Twitter cũng đã cho thấy họ đang phạm đến 2 sai lầm song song, là khiến cho người dùng yêu mến rời xa và đang bắt chước đi theo các mô hình kinh doanh của đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ Twitter có thử nghiệm một tính năng lấy link tự động đến một đoạn trailer phim khi người dùng gõ hashtag của bộ phim ấy. Thậm chí Twitter còn có ý định bỏ cả ký hiệu @ để nhận diện và liên kết đến tài khoản người dùng khác, và hashtag để liên kết đến một loại nội dung cụ thể nào đó.

Dần dần, Twitter có được tính năng nào đó giống với các dịch vụ khác mà người dùng từng thích thú ở dịch vụ ấy và có thêm vài tính năng khác biệt.

Tin lành từ Google? 

Có lẽ Google đi đúng hướng.

Khi Google+ xuất hiện cách nay hơn 3 năm, nó lập tức nhận diện mình như là “bạn đang điều khiển” mạng xã hội. Lúc ấy, Facebook rất hạn chế về chiều dài tin post, trong khi Google có thể post cả một cuốn tiểu thuyết. Bạn không thể chỉnh sửa gì khi đã post trên Facebook, hoặc có được một URL độc lập cho chính post đó, nhưng với Google+ chỉ là “chuyện nhỏ”. Bạn cũng có thể chỉnh sửa văn bản ở mức cơ bản như tô đậm hay in nghiêng chữ. Facebook đã sao chép nhiều tính năng tốt nhất của Google+ nhưng yếu tố tạo nên sự khác biệt của Google+ chính là tính tự do và quản lý của người dùng.

Dần dần, Google cũng cho người dùng quản lý nhiều hơn. Yếu tố lớn đầu tiên là Google xoá bỏ chính sách tên thực, nghĩa là Google bỏ đi điều khoản yêu cầu người sử dụng lấy tên thật của họ trong profile thay vì bịa ra một cái tên nào đó.

Kể từ đó, các thuật toán về quản lý cũng bắt đầu xuất hiện trong luồng thông tin hiển thị của người dùng. Một thiết kế giao diện mới gần đây cho bạn chọn giữa một hoặc nhiều cột về loại nội dung hiển thị, và bạn có thể quy định các luồng thông tin cá nhân theo loại hiển thị “More”, Standard” và “Fewer” như thể mình có thể điều khiển số lượng tin post để xem và lọc ra những tin “nhiễu”, nhưng không có cho bạn chọn phương thức xem tối đa “All”. Ví dụ bạn có một circle của vợ và 2 đứa con mình thì tại sao bạn lại không thể xem được “All” của 3 người đó?

Google cũng sử dụng thuật toán để đánh cờ cho những nhận xét nào được cho là đối tượng cần lưu ý (như rác hoặc không liên quan). Vài tháng gần đây, khả năng lọc nhận xét trở nên sát sao hơn nhưng lại ít chính xác hơn.

Nhưng có vài dấu hiệu cho thấy rằng Google có lẽ có ý định biến Google+ lại theo ban đầu là “bạn đang điều khiển” mạng xã hội. Dấu hiệu đầu tiên là gần đây họ huỷ chính sách sử dụng tên thật. Cũng vậy, nội bộ Google cũng đang cân nhắc việc có nên thêm một tuỳ chọn hiển thị “All” để cho phép người dùng xem tất cả post mà không bị lọc nội dung.

Nhìn chung, có vẻ như Google đang trở lại đúng mục đích về mạng xã hội, khi cho người dùng quản lý.

Thay vì làm nản lòng những người dùng trung thành và cố gắng bắt chước đối thủ cạnh tranh thì các trang web và ứng dụng mạng xã hội cần nhìn rõ hơn, kỹ hơn về chính mục đích của dịch vụ, ứng dụng mà mình xây dựng, để giúp người dùng trung thành có thêm động lực để gắn bó với mình hơn, đó là việc nên làm đầu tiên.

Theo NSS