Năng suất lao động của Việt Nam cực thấp, đúng hay sai?

nang_suat_lao_dong_TDMUGần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã công bố nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) – thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần… đã dấy lên hàng loạt những bàn cãi và nhận định khác nhau khiến đa số người Việt chúng ta không khỏi băn khoăn.

Theo phân tích của một số chuyên gia thì phương pháp tính của ILO là lấy tổng thu nhập quốc nội (GDP) chia cho số lao động làm việc và chỉ số được coi là thất nghiệp của Việt Nam rất thấp có 1,84%, trong khi các nước khác là 7 đến 8%. Điều đó dẫn đến những “sai số” đáng kể vì nếu đem so sánh con số tuyệt đối về tay nghề và năng suất lao động của toàn bộ những công nhân Việt Nam so với công nhân các nước trong khu vực thì cũng ta có thể thấy cũng không thua kém là bao.

Đa số các phân tích và nhận định đều không cho rằng Việt Nam đang “bị oan” nhưng chủ yếu cho rằng lỗi là do hệ thống giáo dục, kỹ năng và kỷ luật lao động của người Việt Nam là kém.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Mặt trân Tổ quốc Viêt Nam đã phân tích rằng “tình trạng 88% doanh nghiệp có công nghệ trung bình và trung bình thấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất thấp. Để khắc phục tình trạng này phải tăng đầu tư thiết bị công nghệ ở hầu hết doanh nghiệp trong nước”. “Bên cạnh đó, khoa học còn chậm phát triển và đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp. Từ năm 2011, tỷ lệ đầu tư cho khoa học trên tổng sản phẩm nội địa chỉ xung quanh 0,5%. Trong vòng 11 năm tỷ lệ này tăng từ 0,48% lên 0,51%. Trong khi đó, các nước khu vực xung quanh đã đầu tư mạnh hơn như Malaysia tăng từ 0,47% GDP lên 1,07, Trung Quốc tăng từ 0,95 lên 1,84%, Hàn Quốc từ 2,47 lên 4,07%”.

Như vậy chìa khoá của năng suất lao động không phải từ người công nhân vì dù sao thì con người cũng không phải là máy nên không thể có năng suất gấp nhau đến hàng chục lần từ khu vực này đến khu vực khác được, mà sự khác nhau là ở chỗ tạo ra của cải và giá trị lao động.

Chúng ta hãy phân tích “nguội” những giá trị lao động công nghiệp thực sự để loại bỏ những giá trị gián tiếp rất lớn khác như thương mại, đầu tư… bằng một kịch bản giả định cho nhà máy X nào đó (doanh thu 500 tỷ VNĐ, sản xuất 100 triệu đầu sản phẩm/năm, 1000 công nhân, tỷ lệ lãi trước thuế là 20%… Tất cả các nhân tố nằm trong kịch bản tính toán dưới đây đều có thể tính toán chi ly và chứng minh cho từng trường hợp cụ thể), nhằm tìm ra những lời giải cho năng suất lao động của Việt Nam. Chúng ta tạm tính theo công thức: “năng suất lao động = tổng giá trị thặng dư lao động / số lao động” và “năng suất gia tăng = tổng giá trị gia tăng / số lao động mới”.

Như vậy để tăng năng suất cần một trong 2 yếu tố là “nâng giá trị lao động” và “số người lao động” hoặc cả 2 và sau đây hãy đi tìm những nhân tố nào có thể giúp Việt Nam tăng năng suất lao động.

  • Nhân tố 1: quy trình hoá và tự động hoá các hoạt động. Việc này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đáng kể cho các khâu vận hành và kiểm soát, ít bị ảnh hưởng do yếu tố nhân sự và bên ngoài nên có thể tăng năng suất cho toàn bộ lên ít nhất 4%.
  • Nhân tố 2: quản lý định mức. Nếu những định mức được hoạch định và theo dõi một cách khoa học theo một chuỗi thông tin và quy trình chặt chẽ, tại tất cả các khâu, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể về nhân lực và thời gian đồng thời cắt giảm sự lãng phí nên năng suất có thể được tăng lên ít nhất 5%.
  • Nhân tố 3: kiểm soát và tối ưu hoá tồn kho. Quản lý tài nguyên chặt chẽ, giảm lượng tồn kho giúp doanh nghiệp tối ưu hoá và chủ động nguồn vốn hơn, về tổng quan năng suất (hoặc hiệu quả kinh doanh) có thể được tăng lên ít nhất 3%.
  • Nhân tố 4: kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Nếu chỉ tính việc tiết kiệm 0,5 giây trên mỗi đầu sản phẩm thì nhà máy đã có thể tiết kiệm đáng kể chi phí kiểm soát chất lượng và tăng năng suất lên 1%. Đó là chưa kể đến những giá trị mang lại khi tăng sản lượng, giảm hỏng hóc và tăng sự thoả mãn của khách hàng. Đây chính là điểm yếu nhất của đa số các doanh nghiệp Việt Nam và nếu khắc phục được điểm này đã làm cho năng suất lao động của chúng ta tăng lên đáng kể.
  • Nhân tố 5: theo dõi tài vụ, dòng tiền và ngân sách. Việc kiểm soát và tối ưu hoá dòng tiền giúp doanh nghiệp giảm đáng kể các chi phí về tín dụng và giảm áp lực ngân sách, tăng vòng quay của vốn lên nhiều hơn nên có thể làm tăng năng suất lên ít nhất 5%.
  • Nhân tố 6: kiểm soát vận hành, bảo trì bảo dưỡng. Việc kiểm soát và tự động hoá các quy trình trong chuỗi sản xuất và kinh doanh, thừa kế những thông tin của tất cả các khâu vận hành tại các nghiệp vụ khác nhau… “cờ đến tay ai thì phất được ngay”, giúp tăng năng suất lao động tổng thể lên ít nhất 1% (đối với công ty đã vận hành tốt ISO-9001).
  • Nhân tố 7: kiểm soát sai sót do con người. Những gì đáng lẽ xảy ra mà không xảy ra, những sai sót do sơ xuất hoặc cố tình… đang gây ra những tổn thất không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Những khâu kiểm tra (hậu kiểm) vừa tốn thời gian vừa khó giải quyết được hậu quả đã rồi. Đây cũng là một trong những “tử huyệt” quan trọng nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc kiểm soát tự động những hoạt động của các bộ phận trước khi phát sinh giúp doanh nghiệp tăng năng suất ít nhất ít nhất 5%.
  • Nhân tố 8: kiểm soát kế toán. Ở Việt Nam, bộ phận kế toán thường nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ phía lãnh đạo, trong khi những khả năng gian lận lớn cũng có thể bắt nguồn từ đây và rất khó bị phát hiện. Với sự kiểm soát và thừa kế dữ liệu một cách chặt chẽ cũng như các hoạt động kế toán cũng như thiết lập hệ thống kế toán quản trị một cách tự động có thể giải quyết được nhiều vấn đề thất thoát và tăng năng suất của doanh nghiệp lên ít nhất 5%.
  • Nhân tố 9: quản lý nhân sự. Việc quản trị nhân sự theo quy trình kèm theo sự kiểm soát tự động như chấm công, tính điểm hoạt động, KPI… đối với công nhân viên, giúp doanh nghiệp tăng năng suất lên ít nhất 1%.
  • Nhân tố 10: kiểm soát hoạt động mọi lúc mọi nơi theo thời gian thực. Nhờ vào hệ thống báo cáo, bảng điều khiển… hỗ trợ bởi sự kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian thực, mà các quyết định của lãnh đạo có thể được thực hiện mọi lúc mợi nơi nên tổng năng suất của doanh nghiệp tăng lên đáng kể, nhất là nhiều xử lý kịp thời của lãnh đạo có thể được coi là “vô giá”. Yếu tố này có thể giúp tăng năng suất ít nhất 2%.

“Năng nhặt, chặt bị”, tổng năng suất gia tăng thu được hoàn toàn nhờ vào khâu gián tiếp là “công nghệ quản lý” hiện đại đã lên tới 32%, trong khi nếu chúng ta tăng áp lực vào “tay nghề” hay “kỹ năng” lao động của người công nhân thì chỉ có thể tăng tối đa 10% vì “sức người có hạn” tuy rằng việc này cũng hết sức cần thiết để Việt Nam hoà nhập vào thị trường lao động của vùng.

Với những kịch bản phân tích trên cho chúng ta thấy lỗi của năng suất lao động thấp chủ yếu xuất phát từ khâu quản lý và điều hành. Những lỗ hổng thông tin, quản lý lạc hậu và “theo kinh nghiệm” (chưa kể đến “theo cảm tính”) đã “đóng góp” đáng kể vào sự “hạn chế năng suất” của Việt Nam.

Nếu tổ chức được quản lý có khoa học, quy trình lao động chặt chẽ và nhất là việc quản lý và điều hành bằng nền tảng công nghệ thông tin đã có thể giúp cải thiện năng suất lao động của các ngành công nghiệp Việt Nam một cách đáng kể. Cũng như Chính phủ Việt Nam đã hướng về việc “quản lý và điều hành các hoạt động của các cơ quan Nhà nước bằng nền tảng công nghệ thông tin” nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tham khảo thêm “Việt Nam không ngại khổ nhưng sợ khó”