Nhiệm kỳ CEO nền tảng của đổi mới sáng tạo

Một khảo sát của hãng Gartner gần đây thực hiện với 500 giám đốc điều hành của các tập đoàn toàn cầu cho biết, tăng trưởng là ưu tiên lớn nhất của các công ty trong năm nay.

w620h405f1c1-files-articles-2015-1086219-o-innovation-facebook-1421204709110

Trong đó, số liệu từ Google Trends cho thấy nhu cầu áp dụng các cải tiến sáng tạo trong kinh doanh là xu hướng chính của năm 2014. Các tập đoàn đẩy mạnh đầu tư vào các phòng thí nghiệm tại Thung lũng Silicon để thu thập những sản phẩm đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Song theo Maxwell Wessel – thành viên của Diễn đàn Phát triển và Sáng tạo (HBR – tổ chức nghiên cứu được tài trợ bởi trường kinh doanh Harvard), trước khi áp dụng đổi mới sáng tạo vào kinh doanh thì doanh nghiệp phải tạo được nền tảng phát triển bền vững.

HBR nhấn mạnh đến chiến lược kinh doanh dài hạn có thể đưa doanh nghiệp vượt qua những đứt đoạn và duy trì sự phát triển trong tương lai trên nền tảng kế thừa di sản của thế hệ trước.

Ngay cả khi có được những ý tưởng tốt nhất trong tay, hầu hết các CEO đều phải đối diện với rất nhiều khó khăn để biến chúng trở thành hiện thực. Áp lực lớn nhất đến từ các quan điểm kinh doanh đối lập bên trong nội bộ, sức ép lợi nhuận đặc biệt xuất hiện trong các tập đoàn lớn.

Kinh nghiệm chung được chia sẻ giữa các CEO của Apple, Amazon, General Electric và IBM là các CEO phải duy trì quyền lực lâu dài trong doanh nghiệp.

Bất chấp những biến động của thị trường chung, Page, Bezos, Immelt và Rometty đều hoạch định nhiệm kỳ điều hành của mình trong một thời gian dài. Theo Wessel, một tổ chức có CEO tại vị lâu là điều kiện tiên quyết để có sự sáng tạo.

Phân tích trường hợp của ngành công nghiệp sản xuất phần mềm. Các công ty công nghệ đều khởi nghiệp kinh doanh chỉ với một ý tưởng chạm đúng nhu cầu, thu hút được đầu tư và có tầm nhìn dài hạn trong phát triển thị trường. Song chỉ có những công ty kiên trì và chăm sóc cho ý tưởng của mình thì mới gặt được quả ngọt.

nhiem-ky-ceo-nen-tang-cua-doi-moi-sang-tao-
Biểu đồ thời gian tại vị của các CEO tại các hãng nổi tiếng thế giới

Giải quyết các vấn đề hiểm hóc cần thời gian. Đây là lý do mà các nhà đầu tư mạo hiểm, các doanh nhân đều có xu hướng cam kết lâu dài để đảm bảo bản thân có thể tạo ra một kết quả tốt.

Mọi sự phát triển đều đòi hỏi một nền tảng vững chắc trước khi có thể mở rộng ra. Tuy nhiên phần lớn giám đốc điều hành các công ty trên thế giới không đủ thời gian để thực hiện điều này. Họ thường không tại vị quá lâu tại một doanh nghiệp.

Câu chuyện của hãng công nghệ Hewlett Packard là một ví dụ điển hình. Từ năm 1999, HP đã trải qua 6 đời CEO chính thức và dự bị. Với chính sách này, các dự án của HP được hoạch định theo từng năm. HP là đại diện cho nhiều doanh nghiệp không đủ kiên nhẫn để đầu tư dài hạn.

Ngược lại, General Electric khi quyết định dấn bước vào lĩnh vực kinh doanh phần mềm đã dành hơn một thập kỷ để bổ sung thêm công nghệ phát triển bộ cảm biến và xây dựng trung tâm thu thập các dữ liệu lớn liên quan đến ngành này. Từ từ, công ty xây dựng lên hệ thống phần mềm độc quyền cho phép khách hàng có thể sử dụng nhiều lợi ích hơn từ các sản phẩm của GE.

Ngày nay, GE vươn lên dẫn đầu trong công cuộc khai thác lợi ích từ “Internet of Things”. Một trong những nguyên nhân thành công của GE đến từ việc trung thành với định hướng lâu dài của công ty.

Tương tự, mọi người thường thích đưa Apple ra như một ví dụ cho công ty áp dụng sự sáng tạo trong tăng trưởng. Sáng tạo dĩ nhiên là một trong những điểm đã tạo nên thương hiệu của Apple. Song, theo Wessel, duy trì nguồn lực mới là phần quan trọng trong công thức thành công của hãng.

Các giám đốc điều hành của Apple đã phải dành rất nhiều năm để tìm hiểu về thế giới điện thoại, máy tính. Họ đã tập trung phát triển những dự án khổng lồ với khả năng tốt nhất có thể. Và họ thành công. Từ năm 1997 đến 2014, 9 trong tổng số 17 giám đốc điều hành của Apple có thời gian tại vị nhiều hơn 10 năm. Và 5 trong số đó giữ đến 15 năm điều hành.

Chiến lược duy trì nguồn lực này không chỉ mang về các thành tựu lớn lao mà còn cả khả năng duy trì sức mạnh lâu dài cho doanh nghiệp.

Chúng ta đang sống trong thị trường nơi mọi người đang hào hứng với công nghệ hơn bao giờ hết. Song, nắm lấy sự hào hứng này và biến chúng trở thành lợi nhuận thì cần nhiều hơn là chỉ đầu tư đơn thuần. Nó đòi hỏi sự ổn định về sức mạnh khai thác của mỗi công ty.

Các dự án cần được gây quỹ, tài trợ và bảo trợ để có thể phát triển trong dài hạn nhằm có thể tạo ra những sự cách biệt lớn trong tương lai doanh nghiệp.

Theo Cafebiiz