Sự kỳ diệu của công nghệ máy tính

Hãy xem cái lưỡi của chúng ta. Nó rất nhạy nhưng cũng rất cứng cáp, dày đặc những hạt nhỏ lấm tấm và những dây thần kinh vị giác. Nếu không nhờ tài “đánh lưỡi” của nó, con người sẽ không thể nào ăn và nói được. Lưỡi cũng là cơ quan cảm giác “tháo vát” nhất. Một số kỹ sư máy tính cho rằng con người chưa tận dụng hết sự tháo vát này.

su-ky-dieu-cua-cong-nghe-may-tinh
Sergey Brin, đồng sáng lập công ty Google, thường xuyên đeo chiếc kính tương tác Google Glass.

 

Công ty Wicab (Mỹ) đã thiết kế một mảnh điện cực nhỏ hình vuông dành cho người mù. Khi đặt mảnh điện cực này vào lưỡi, nó sẽ đưa dữ liệu từ một chiếc camera thành một chuỗi những chấm li ti sắc màu khác nhau kích thích xúc giác. Cảm giác này ban đầu giống như mặt nước lấp lánh hoặc như khi bạn nhai một viên kẹo Pop Rocks (loại kẹo tạo cảm giác sủi bọt, có ga khi tan trong miệng). Nhưng sau một quá trình tập luyện, người mù sẽ có cảm giác được nhìn thấy xung quanh bằng lưỡi của mình.

Gershon Dublon, nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ Massachusetts, đang tìm cách mở rộng thêm ý tưởng của Wicab. Anh đã tạo ra một thiết bị có thể kết nối với bất kỳ cảm biến nào, gọi là Tongueduino. Thiết bị không chỉ dành cho người mù, người điếc mà còn cho bất cứ ai muốn dùng để nâng cao các giác quan.

Đó là những điều mà công nghệ máy tính đang và sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Kể từ khi máy tính cá nhân được phát minh cách đây 30 năm, cách chúng ta tương tác với máy tính hầu như không thay đổi khi vẫn dùng màn hình, bàn phím, con chuột. Nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi vì đã có những cải tiến mạnh mẽ về thiết kế giao diện.

Những cải tiến đó đã manh nha cách đây vài năm, bắt đầu với màn hình cảm ứng của chiếc điện thoại iPhone và sau đó là Kinect của Microsoft – thiết bị cho phép người chơi điều khiển các thao tác trong game bằng điệu bộ, cử chỉ. Những cải tiến này đang tiến thêm một bước xa hơn nữa, nhờ sự năng nổ của các công ty mới thành lập. Những công ty này nhận ra rằng con chuột và bàn phím không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để thao tác máy tính, nhất là khi bạn đang làm việc trong không gian 3 chiều hoặc khi máy tính quá nhỏ.

Leap Motion, một công ty mới thành lập ở San Francisco, chẳng hạn, đã phát triển một thiết bị giống như Kinect để thay thế chuột máy tính. Với thiết bị này, việc kéo, thả và tạo những hình thể trên màn hình hoàn toàn được điều khiển bằng các thao tác của đôi tay. Một công ty Canada có tên là Thalmic Labs cũng đang phát triển chiếc vòng tay để kiểm soát cử chỉ, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay. Chiếc vòng này ôm quanh cẳng tay, cảm nhận trực tiếp những chuyển động của cơ bắp.

Chiếc kính tương tác Google Glass của hãng Google cũng là ứng dụng được nhiều người trông đợi. Đó là một dạng máy tính được thiết kế thành một cặp kính, với màn hình hiển thị nửa inch, cho phép người dùng thực hiện chat video, chụp và chia sẻ hình ảnh, lướt web, kiểm tra lịch hẹn…

Trong số những cải tiến trên, cải tiến của Leap Motion có nhiều khả năng được tung ra thị trường nhất. Cuối tháng 2 vừa qua, Leap Motion cho biết thiết bị cảm biến Leap chỉ bằng hộp quẹt của họ sẽ có giá bán 79,99 USD/chiếc và sẽ ra mắt vào ngày 13.5. Cuối năm ngoái, Công ty đã gửi mẫu cho 12.000 nhà phát triển ứng dụng để họ viết phần mềm cho thiết bị này từ các video game tàu không gian cho đến “cái bắt tay tuyệt mật” – một ứng dụng bảo mật nhận diện một người sử dụng máy tính bằng hình dáng bàn tay của anh ta, nghĩa là người sử dụng sẽ không cần phải nhập mật khẩu nữa. Tổ chức nghiên cứu công nghệ Battelle (Mỹ) cũng đang phát triển các ứng dụng về bệnh viện cho chiếc Leap, bao gồm phần mềm giúp bác sĩ phẫu thuật có thể dùng máy tính trong khi đang phẫu thuật mà không phải chạm vào máy tính.

Rõ ràng, với những cải tiến công nghệ máy tính, cuộc sống của chúng ta có thể sẽ trở nên dễ chịu hơn rất nhiều

Theo NCDT