Tái “cơ cấu” tư duy

Đề án tổng thể tái cơ cấu (TCC) kinh tế được xác định chặt chẽ về cách thức triển khai. Nhưng kết quả TCC kinh tế đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn ngổn ngang, bộn bề nhiều mặt, từ nhận thức cho đến sự lúng túng trong giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các giải pháp TCC kinh tế đều bế tắc.

 

Để TCC kinh tế, phải thực hiện nhiều thay đổi trên nhiều cấp độ khác nhau, từ tư duy, quan niệm, chủ trương đến các giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, phải cải thiện môi trường kinh doanh, giảm và đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ. Trong bối cảnh hiện nay, việc thiết lập môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng là việc không dễ làm.

Nhưng có thể giảm thời gian và chi phí tuân thủ, giảm chi phí giao dịch, qua đó tăng hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Việt Nam xếp thứ 99/185 nền kinh tế trong xếp hạng hằng năm của Ngân hàng Thế giới về năng lực cạnh tranh.

Mấy năm nay, Việt Nam hầu như không có cải cách, không có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, việc cải thiện một số chỉ số sẽ tác động đáng kể trong việc tạo thuận lợi cho kinh doanh, tăng thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Một là, bỏ 4 thủ tục gia nhập thị trường sau đăng ký, gồm thủ tục đăng báo, đăng ký lao động, đăng ký công đoàn, bảo hiểm. Việc mở tài khoản ngân hàng có thể kết hợp và lồng với đăng ký kinh doanh.

Hai là, bỏ yêu cầu đăng ký ngành nghề kinhh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ba là, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí xuất nhập khẩu… Tính sơ bộ, nếu giảm được 15 ngày thủ tục nhập khẩu và 15 ngày thủ tục xuất khẩu, GDP có thể tăng thêm hơn 27 tỷ USD…

Việc thực hiện các giải pháp này cần có hành động cụ thể, lộ trình hợp lý sẽ hiệu quả hơn việc liên tục ban hành các nghị quyết mà bài học về Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp các năm 2000 – 2003 còn nguyên giá trị.

Thứ hai, TCC doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty theo đúng yêu cầu. Cần áp đặt một số nguyên tắc, kỷ luật thị trường đối với DNNN. Ngay cả khi chưa áp đặt được đầy đủ các nguyên tắc thị trường, vẫn có thể buộc các DNNN tuân thủ một số trong đó.

Bên cạnh đó, áp đặt đầy đủ ràng buộc về chi phí vốn trong đầu tư, kinh doanh của DNNN. Nhà nước phải lấy lợi nhuận với mức ít nhất bằng giá trị thị trường của vốn. Đồng thời cho phép DNNN tự chủ hơn trong cơ cấu vốn, tài sản trong khuôn khổ các chỉ tiêu đã định.

Ngoài ra, người đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả kinh doanh của DNNN. Khi DNNN thua lỗ, không bảo toàn và phát triển được vốn, người chủ sở hữu phải bị thay thế.

Áp dụng một số nguyên tắc quản trị hiện đại đối với DNNN, ít nhất là nguyên tắc công khai, minh bạch hóa thông tin và thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với các tập đoàn, tổng công ty. Cùng với đó, cải thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát, đánh giá, trước hết là giám sát, đánh giá người chủ sở hữu là việc có thể làm ngay.

Thứ ba, TCC hệ thống tổ chức tín dụng. Việc TCC các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, khắc phục tình trạng sở hữu chéo tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm một số năm tiếp theo.

Đến nay, đã có nhiều báo cáo về TCC hệ thống tín dụng, nhưng chưa có một đánh giá độc lập, khách quan về tiến trình, kết quả TCC 9 ngân hàng yếu kém đến mức nào, số nợ xấu thực sự là bao nhiêu; thực trạng sở hữu chéo ra sao, tác động như thế nào đến hiệu quả của chính sách tiền tệ, đến sự vận hành của thị trường tài chính…

Mặt khác, cần xem lại quan điểm TCC các tổ chức tín dụng. Ví dụ, quan điểm về TCC tự nguyện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giao cho những người gây ra vấn đề chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề họ gây ra thường không thành công.

Thứ tư, kết quả TCC đầu tư công, nhất là tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán là đáng ghi nhận, nhưng kết quả này đang có nguy cơ bị đảo ngược nếu không giải quyết được ba vấn đề. Trước hết, phải chuyển trọng tâm chính sách phục hồi tăng trưởng kinh tế từ chú trọng quản lý tổng cầu sang các giải pháp trọng cung.

Nếu không thay đổi, vẫn ưu tiên giảm các giải pháp quản lý tổng cầu, thì các cải cách, thay đổi phía cung theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bị xem nhẹ, không đầy đủ và không phát huy tác dụng.

Trong khi đó, áp lực phục hồi tăng trưởng về ngắn hạn vẫn rất lớn, mở rộng đầu tư công chắc chắn và vẫn sẽ là giải pháp đầu tiên được lựa chọn, nhưng phải thiết lập được quy trình thống nhất, thẩm định, lựa chọn, phê duyệt và quyết định đầu tư nhằm lựa chọn được dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế – xã hội cao nhất. Mặt khác, thay đổi vai trò của chính quyền địa phương, đổi mới phân cấp trung ương và địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội.

Các giải pháp này nếu được thực hiện sẽ tác động lớn trong việc cải thiện hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây. Tuy nhiên, đổi mới nhận thức, tư duy vẫn là điều kiện không thể thiếu đối với giới lãnh đạo, giới chuyên gia hoạch định và tư vấn chính sách.

Theo DNSG