Tái cấu trúc quản trị nhân sự: Vẫn biết là “sinh tử”…

Quản trị nhân sự của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện không mấy lạc quan: chỉ có khoảng 40% DN đã và đang đầu tư đáng kể cho công tác quản trị nhân sự, 25% vấn đề quản trị nhân sự của DN mới chỉ dừng ở tư duy của nhà quản lý, trên 30% chỉ quan niệm quản trị nhân sự là hành chính nhân sự.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năng suất lao động của Việt Nam hiện được xếp vào nhóm thấp, so với Singapore thấp hơn 17 lần, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cũng chậm, thua cả Myanmar. Chiến lược phát triển dựa trên cơ sở nguồn lao động rẻ, tài nguyên không còn phù hợp với sự phát triển giai đoạn mới của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc quản trị nhân sự đang có ý nghĩa “sinh tử” với cộng đồng DN Việt Nam.

“Hiển hiện” bất cập

Ts. Vũ Hoàng Ngân – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng làm việc không hiệu quả, không huy động được tối đa nguồn chất xám đang có, sử dụng không đúng khả năng mỗi nhân viên, người giỏi không có được cơ hội phát triển…, DN nào cũng nhận ra những bất cập đó, nhưng việc khắc phục lại không hề đơn giản.

“Nói rằng đa số có lẽ hơi chủ quan, nhưng thực tế rất nhiều DN khi được hỏi có mặn mà với việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hay không, thì đều trả lời là “có”, song lại không làm. Tại sao vậy? Vì việc này nói thì dễ nhưng làm thì chẳng biết bắt đầu từ đâu”, bà Ngân cho biết.

Theo phân tích của bà Ngân, hiện thị trường lao động đang “hiển hiện” một bất cập lớn và nó cũng phản ánh gần như đầy đủ diện mạo về vấn đề nguồn nhân lực trong DN.

Đó là tình trạng người thất nghiệp rất nhiều trong khi các DN luôn “kêu” thiếu nhân lực. Đó là sự “thừa thãi” của những lao động mà nếu có được tuyển cũng không biết họ có thể làm được việc gì, trong khi nguồn nhân lực thật sự cần thiết cho DN lại thiếu trầm trọng; nguồn nhân lực sẵn có trong DN không phát huy được đúng khả năng của mình; người có tài thực sự lại thiếu cơ hội để phát triển…

 

VPBank quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực

Từ thực tiễn quản lý của mình, ông Nguyễn Xuân Dương – TGĐ TCT May Hưng Yên, cho rằng quan tâm và đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người lao động là chìa khóa để DN phát triển bền vững. Tiền lương là một yếu tố quyết định đến vấn đề quản trị nguồn nhân lực: “Người lao động đi làm, vấn đề đầu tiên họ quan tâm là được trả bao nhiêu tiền lương? Mức lương đó có đảm bảo cho cuộc sống của họ trước mắt không? Và tương lai tiền lương sẽ như thế nào?”.

Theo đánh giá của ông Dương, các cuộc đình công trong những năm qua hầu hết xảy ra ở những cơ sở trả lương cho người lao động thấp hơn mức trung bình và thường phát sinh ở những thời điểm nhạy cảm: thời điểm Nhà nước công bố tăng lương tối thiểu; thời điểm DN tăng ca giãn giờ nhiều mà không trả thêm lương; một số ít xuất phát từ văn hóa ứng xử của người quản lý gây xúc phạm đến người lao động…

Do đào tạo “lệch pha”

Một thực trạng nữa mà rất ít DN tránh khỏi là khi gặp một việc gì khó hay một trục trặc nào đó thì ai cũng bảo “không phải việc của tôi”, người biết việc thì làm không hết việc, còn người không làm được việc thì thừa ra mà vẫn nhận lương, tức là đặt người không đúng chỗ. Không tạo được động lực làm việc cho nhân viên, đối xử thiếu công bằng giữa các nhân viên dẫn đến việc “xác” họ thì ở lại mà “hồn” thì tìm chẳng thấy.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc điều hành Navigos Search, hệ thống lương thưởng là vấn đề cần quan tâm. Với xu hướng hiện nay, các DN hoàn toàn có thể xem xét lại cách trả lương, thưởng của lao động trong công ty theo hướng chuyển dần từ lương cố định sang lương theo hiệu quả công việc. Một việc “không dễ chịu” là thay đổi và đào thải nhân viên, tuy nhiên lại rất cần thiết, nên cần phải tiến hành nhanh, làm có quy trình nhưng không gây “bất ngờ” cho nhân viên.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), trong thời điểm khó khăn khủng hoảng này, bên cạnh việc quan tâm tới hàng tồn kho, nợ xấu, thì các DN vẫn phải dành thời gian để tính chuyện cho tương lai, đặc biệt là quan tâm tới nguồn nhân lực của DN.

“Là một trong những ngân hàng thuộc nhóm lớn, với thời gian hoạt động 20 năm với nhiều thăng trầm, nhưng VP Bank có nhiều thay đổi trong chiến lược để nhằm đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Một trong những vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là thay đổi chiến lược nhân sự”, ông Vinh chia sẻ.

Vẫn theo bà Ngân, thực trạng khó khăn của công tác đào tạo và quản lý nguồn nhân lực xuất phát từ công tác đào tạo ồ ạt, “lệch pha” đã dẫn đến sự mất cân đối, ngành thừa, ngành thiếu. Tìm lao động phổ thông chắc chắn rất dễ dàng, nhưng hiện không biết bao nhiêu DN cần tuyển những vị trí quan trọng, như: giám đốc tài chính, thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA), quản lý nhân lực… thì “bói” chẳng ra.

Theo TBKD