Tăng trưởng không nhanh như mong muốn

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2013, ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết kể từ đầu năm tới nay, tình hình kinh tế – xã hội phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, tốc độ tốt lên không nhanh như mong muốn, theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, thì gọi là “kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng”.

Được biết, từ ngày 15/6, Chính phủ triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhưng trong báo cáo thì lương thực lại là nhóm giảm duy nhất trong rổ hàng hóa tính CPI. Bộ trưởng có thể phân tích thêm vì sao đã có chính sách nhưng giá lương thực vẫn giảm?

Đã đến lúc cần nhìn nhận sâu sắc toàn diện ngành nông nghiệp để có những đổi mới cần thiết. Việt Nam vươn lên là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo. Nhưng bây giờ không phải thời điểm thế giới thiếu gạo trầm trọng. Nhiều nước xuất khẩu gạo, như: Thái Lan, Ấn Độ… Hiện nay, Myanmar cũng bắt đầu đổi mới sản xuất như chúng ta 10 năm trước, giá thành ban đầu rất rẻ.

Nông dân làm ra gạo theo mùa vụ, phải có doanh nghiệp đứng ra mua, chế biến gạo để xuất khẩu. Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối để mua tạm trữ lúa gạo khi chưa xuất khẩu.

Việc mua tạm trữ này không có nghĩa doanh nghiệp hay Nhà nước có chính sách bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Hàng năm, căn cứ theo sản lượng, thị trường, Chính phủ điều hành trong một khoảng thời gian nhất định, khi vào vụ mùa thu hoạch, có tài chính và cơ chế để doanh nghiệp mua tạm trữ một phần lúa gạo cho người dân.

Tại sao Chính phủ vẫn trợ giúp mua tạm trữ mà giá không lên?

Nếu tất cả cùng bán ồ ạt thì giá xuống. Còn nếu có khoản tạm trữ để giúp doanh nghiệp mua thì có thể kìm giá xuống.

 

 

Ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Cách đây hơn 1 tháng, giá xuống thấp, còn từ khi có gói hỗ trợ, giá được giữ ổn định. Tăng giá tới mức nào thì dân được lợi trong khi đầu ra gặp khó khăn? Đây là vấn đề chúng ta cần phải cân đối.

Vậy cần phải tìm cơ chế điều hành thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi của dân, đồng thời vẫn giữ được thị trường xuất khẩu gạo ổn định và được giá?

Có một câu chuyện khác nhau giữa 2 bên: người nông dân và chính quyền địa phương. Rất muốn tiến tới cơ chế là các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo thì tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình đầu tư vào vùng lúa. Nếu không trực tiếp đầu tư cùng dân thì cũng phải cam kết thu mua của người dân. Nhưng ngược lại, để doanh nghiệp tham gia cùng người dân thì lại là lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn khác.

Chúng ta cũng cần từng bước tuyên truyền, tiến tới sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, không manh mún, khắc phục tình trạng doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, hỗ trợ để người nông dân bán lúa, thành phẩm cho doanh nghiệp ấy nhưng khi được giá lại bán cho doanh nghiệp khác. Nếu cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn ấy thì không thể phát triển bền vững.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã có phương án gì, thưa ông?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp họp với một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giao các Bộ khẩn trương thực hiện trên tinh thần các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo, thủy sản phải trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với vùng nguyên liệu. Với hướng đó, Chính phủ tin rằng thị trường sẽ ổn định hơn.

Liên quan đến xu hướng thu ngân sách Nhà nước trong mấy năm gần đây giảm dần: theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 7/2013 chỉ đạt 46,8% dự toán năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 49%. Vậy trong bối cảnh nguồn thu khó khăn hiện nay, Chính phủ có giải pháp gì để hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2013?

Hàng năm, Chính phủ đều xây dựng, trình Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội kế hoạch hàng năm, trong đó có phần rất quan trọng là đánh giá năm nay chi, thu bao nhiêu, sang năm tới với đà phát triển như vậy thì phải thu, chi bao nhiêu.

Nguyên tắc thu bao nhiêu, chi bấy nhiêu. Còn chi nhiều hơn thu thì phải đi vay, mà chúng ta gọi là thâm hụt ngân sách. Quốc hội ra chỉ tiêu năm nay bội chi không quá 4,8% GDP, tức là chi có thể nhiều hơn thu, nhưng mức nhiều hơn không được vượt 4,8% GDP. Kế hoạch đã đặt ra, ngay từ tháng 12/2012, Chính phủ đã triển khai kế hoạch, giao cho các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài phần chi cho lương, Chính phủ năm nào cũng phải cố gắng, dù khó mấy cũng cố đạt kế hoạch thu – chi.

Tùy từng năm, có những năm như 2011, hết tháng 7, thu trên 60%; có những năm thu thấp hơn, như năm nay, cho nên nói thu ngân sách khó là có lý do: tình hình sản xuất khó khăn, giảm dần các sắc thuế, hội nhập thì lộ trình chung là thuế giảm và một số mặt hàng thuế suất không giảm nhưng giá trị giảm. Chính vì doanh nghiệp khó khăn nên chúng ta có một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có giãn, miễn một số thuế, nên ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Theo TBKD