Thận trọng với phòng vệ thương mại

Việc 2 doanh nghiệp (DN) ngành thép vừa qua đệ đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia đã gây được sự chú ý của các DN. Cũng bởi, đây là lần đầu tiên DN trong nước đã chủ động yêu cầu điều tra CBPG đối với hàng NK.

Thời hạn 60 ngày để đưa ra quyết định điều tra hay không về vụ việc này vẫn chưa hết, tuy nhiên, một số chuyên gia lại tỏ ra lo ngại về những tác động có thể đến từ vụ việc này đối với ngành thép.

Tính hai mặt

Theo phân tích của một chuyên gia, đây là vụ việc khá phức tạp khi lần đầu tiên, DN sử dụng biện pháp CBPG – một công cụ luôn đặt ra những đòi hỏi phức tạp trong quá trình điều tra, trong khi DN Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm về việc này. Hơn nữa, đối tượng điều tra là những nền kinh tế có kinh nghiệm khá dày dặn trong việc đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM), nên khả năng ứng phó sẽ không đơn giản.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng tỏ ra khá lo ngại về việc các hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam có nguy cơ bị kiện nhiều hơn khi ngành XK ở một số nước có năng lực rất mạnh sẽ dùng chính công cụ phòng vệ để điều tra hàng hóa NK như một hình thức “trả đũa”. Do đó, vị này cho rằng trong quá trình từ khi đệ đơn đến khi khởi kiện chính thức, các DN cần rất thận trọng khi đưa ra các thông tin trước dư luận.

Không đánh giá từ góc độ năng lực sản xuất của ngành XK ở nước bị điều tra, bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn về PVTM (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, lại cho rằng vấn đề cần xem xét chính là khả năng kháng kiện của ngành đó ra sao.

Do vậy, với riêng vụ việc trong ngành thép, bà Dung bày tỏ sự lo ngại khi các sản phẩm thép của một số nước, điển hình như Trung Quốc, đã đối phó với rất nhiều vụ kiện ở các thị trường, nên sẽ có kinh nghiệm để đối phó với vụ kiện của ngành thép Việt Nam. “Họ hoàn toàn có thể đưa ra lập luận và bằng chứng để kháng cáo lại vụ kiện của ta. Đây là vụ kiện đầu tiên của Việt Nam về CBPG, nên sẽ là khó khăn và bỡ ngỡ với DN. Nhưng tôi hy vọng rằng với sự hỗ trợ từ cơ quan điều tra và đơn vị cung cấp thông tin về thống kê, thì các DN thép có thể vững vàng trong vụ kiện này”, bà Dung nói.

Với những yêu cầu khá phức tạp trong điều tra CBPG hay chống trợ cấp, một số chuyên gia cho rằng nên lựa chọn các biện pháp tự vệ, đưa ra các rào cản kỹ thuật hơn là sử dụng biện pháp điều tra CBPG như trường hợp của ngành dầu ăn. Tuy nhiên, bà Dung cho biết do là một “công cụ phải trả tiền”, nên khi sử dụng biện pháp này cần phải có sự đền bù với nước NK. Tức là Chính phủ sẽ phải đền bù cho các đối tác thương mại bị ảnh hưởng, vì để bảo vệ ngành này, ngành khác có thể bị ảnh hưởng.

 

Các DN Việt Nam sẽ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhiều hơn

Cũng bởi, các hàng hóa NK này vẫn cạnh tranh lành mạnh trên thị trường nội địa, nhưng do lượng NK tăng nhanh đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, nên sử dụng biện pháp này để hạn chế tạm thời. Do đó, việc sử dụng biện pháp tự vệ được các chuyên gia khuyến cáo cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Xóa điểm yếu

Theo VCCI, hiện có một số ngành đang đưa ra đề xuất thực hiện các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước trước sức ép hàng NK. Mặc dù không tiết lộ cụ thể về những ngành hàng này, nhưng theo bà Dung, 2 vụ việc của ngành dầu ăn và thép diễn ra trong thời gian gần đây, dù chưa thể nói lên được xu hướng, nhưng là dấu hiệu tích cực cho thấy các DN trong nước không những đã chủ động sử dụng công cụ này để bảo vệ ngành, mà còn thể hiện năng lực nắm bắt pháp luật về phòng vệ.

PGs, Ts. Phạm Tất Thắng – nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), cũng cho rằng mặc dù những “phản ứng” của DN nội trước sức ép hàng NK còn “quá ít và rời rạc”, nhưng đây cũng là dấu hiệu “đáng mừng và đáng khích lệ” cho thấy DN đã chủ động sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ hàng hóa nội địa.

Công cụ PVTM có thể mang lại lợi ích, nhưng đồng thời cũng là “mối đe dọa” cho hàng hóa nội địa nếu việc sử dụng không được chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bên liên quan. Cũng bởi, vẫn còn không ít lúng túng của các DN khi sử dụng công cụ này, trong khi những cơ sở pháp lý về PVTM của Việt Nam vẫn chưa thực sự đủ mạnh giúp các DN trong việc đòi quyền lợi. Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao cho đến nay, mới chỉ có 2 vụ kiện chính thức và một vụ đề nghị khởi xướng điều tra được đưa ra bởi các DN nội.

“Các quy định, tiêu chuẩn của ta chưa tương thích với thế giới. Ta cũng chưa có lý lẽ, cơ sở pháp lý đủ mạnh để khởi kiện và áp dụng biện pháp phòng vệ. Số liệu điều tra cũng phải rất chi tiết, phải chứng minh được sự chênh lệch so với giá bán trong nước, giá thành ra sao, gây thiệt hại cho thị trường nội địa hay không, nhưng điểm yếu của DN là hệ thống số liệu chưa rõ ràng, chưa cập nhật đầy đủ.

Ngoài ra, với một ngành hàng khi khởi kiện cần phải có tiếng nói chung của các DN, hiệp hội, cùng chia sẻ chi phí, thông tin để theo đuổi vụ kiện, kết hợp với các cơ quan quản lý trong việc tư vấn, hỗ trợ. Thế nhưng, các bên chưa thực sự tạo được sức mạnh tập thể, mà chỉ là một vài đơn vị bức xúc quá thì đưa ra. Chưa kể, để theo đuổi vụ kiện thành công, cần phải có một đội ngũ luật sư hiểu và thông thạo pháp luật quốc tế, có kinh nghiệm về thủ tục kiện tụng, nhưng khâu này, chúng ta còn quá thiếu”, ông Thắng đánh giá.

Cùng với những tác động của khủng hoảng kinh tế và xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc sử dụng các công cụ PVTM như là một xu thế tất yếu của thế giới. Xu hướng này cũng đang lan ra từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, nên các chuyên gia nhận định trong thời gian tới, các DN Việt Nam cũng sẽ sử dụng công cụ này nhiều hơn. Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan, cùng sự chủ động của DN trong nâng cao kiến thức về phòng vệ sẽ luôn là yêu cầu cần thiết.

————————————

Có sự vào cuộc đồng bộ
PGs. Ts. Phạm Tất Thắng – Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu thương mại)
————————————
Để thắng lợi thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Trong vụ kiện sẽ có được, có thua, DN cần phải thấy đó là bình thường, quan trọng là DN phải phân tích và chỉ rõ vì sao được và vì sao thua, ta phải thực sự rút kinh nghiệm để hạn chế dần điểm yếu nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh theo chuẩn mực quốc tế, loại bỏ sự thiếu công bằng trước các đối thủ lớn.

Nâng cao chủ động của doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (VCCI)
————————————
Thời gian qua, Trung tâm WTO đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về PVTM nhằm giúp DN có hiểu biết chung về các quy định trong WTO cũng như pháp luật trong nước để các DN tận dụng quy định và công cụ được phép. Nhưng ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, bản thân DN cũng phải chuẩn bị về năng lực khác, như: tiếp cận thông tin, đơn kiện, kinh nghiệm kháng kiện từ các thị trường khác để qua đó rút ra kinh nghiệm. Để tham gia vụ kiện cần tốn nhiều chi phí nhân lực, thời gian, tài chính, đặc biệt phải chú ý đưa ra lập luận xác đáng nhất.

Thu thập dữ liệu quan trọng

Ông Nguyễn Văn Hải – Công ty Luật Mayer Brown
————————————
Khung pháp luật của Việt Nam về CBPG còn khá đơn giản, các pháp lệnh và nghị định về CBPG và chống trợ cấp mới ra đời vào đầu những năm 2000, trong khi đó ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU, luật đã hình thành và được hoàn thiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Do đó, DN cần phải thu thập dữ liệu chứng minh “thiệt hại kinh tế” đối với mình, vụ kiện rất khó thành công nếu thiếu dữ kiện quan trọng này.

Theo TBKT