Thủ tục hành chính – Nỗi khổ của DN

Trong khi hầu hết các DN bất động sản đang rất khó khăn, thậm chí một số DN rơi vào trình trạng “chết lâm sàng”, việc tái cơ cấu DN để vượt qua cơn “bĩ cực” vô cùng quan trọng. Đây là lúc DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về mặt cơ chế cũng như thủ tục hành chính (TTHC).

Tuy nhiên, nhìn từ trường hợp Cty CP địa ốc dầu khí (Cty PVL) đang “khổ sở” vì thay đổi đăng ký kinh doanh dường như đi ngược lại chủ trương chung.

iệc chậm thay đổi người đại diện theo pháp luật sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động của DN

Từ chỗ 176 nhân sự, hiện Cty PVL chỉ còn hơn 30 người. Dù vậy, đã 5 tháng qua, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) của Cty chưa có lương. Hai trong số 5 thành viên HĐQT Cty đã có đơn xin rút khỏi các chức danh chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT. Cty đang rất cần một bộ máy mới để thực hiện tiếp các dự án cũng như giải quyết chế độ cho CBCNV và giải quyết công nợ.DN nhọc nhằn tái cơ cấu

Cty PVL là Cty đại chúng với mã chứng khoán là PVL được thành lập từ năm 2007 với 50 triệu cổ phần (tương đương 500 tỷ đồng). Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Cty ngày 23/7/2011, ĐHĐCĐ đã bầu 5 thành viên HĐQT là ông Hoàng Ngọc Sáu, ông Nguyễn Văn Lai, ông Nguyễn Anh Quân, ông Trần Việt Thành và bà Vũ Kiều Nga. HĐQT đã bầu ông Nguyễn Văn Lai làm Chủ tịch HĐQT, ông Hoàng Ngọc Sáu làm TGĐ.

Đến ngày 1/7/2013, ông Nguyễn Văn Lai làm đơn xin thôi chức Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Anh Quân cũng có đơn xin rút khỏi chức danh thành viên HĐQT.

Ngay sau khi nhận được đơn của hai người trên, HĐQT Cty đã tiến hành họp và ra nghị quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Ủy viên HĐQT của ông Nguyễn Văn Lai. Đồng thời HĐQT cũng bầu ông Nguyễn Văn Dũng đang làm Phó TGĐ Cty vào Ủy viên HĐQT đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, sau khi gửi hồ sơ thay đổi nhân sự và chức danh của Cty PVL lên Phòng đăng kí kinh doanh số 2 (ĐKKD2), Sở KH&ĐT Hà Nội thì DN mới biết những quyết định trên là chưa đúng luật. Ông Nguyễn Xuân Thịnh – Phó phòng ĐKKD2 đã có công văn số 239 ngày 31/7/2013 trả lời Cty.

Theo pháp luật hiện hành cũng như điều lệ của Cty, việc bổ nhiệm và miễn nhiệm thành viên HĐQT thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ Cty. HĐQT của Cty PVL chỉ có thể miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Văn Lai mà không có quyền miễn chức danh ủy viên HĐQT. Việc bầu ông Nguyễn Văn Dũng làm ủy viên HĐQT cũng không đúng thẩm quyền của HĐQT mà của ĐHĐCĐ.

Vì việc tái cơ cấu DN để giải quyết công việc đang rất cấp bách, nên ngay ngày 01/8/2013, HĐQT đã tổ chức họp nhưng không thành công vì hai ủy viên là ông Nguyễn Văn Lai và ông Nguyễn Anh Quân không tham dự. HĐQT buộc phải phát hành giấy mời và tổ chức họp lần thứ hai vào ngày 05/8/2013.

Căn cứ Điều 30, Nghị định số 102/2010 “tổ chức cuộc họp HĐQT lần thứ hai, số ủy viên HĐQT chỉ cần quá bán là đủ điều kiện”, với 3 thành viên có mặt, HĐQT đã ra quyết định bầu ông Hoàng Ngọc Sáu giữ chức Chủ tịch HĐQT, đồng thời bầu ông Phạm Văn Hùng làm TGĐ Cty PVL và là người đại diện theo pháp luật cho Cty PVL thay ông Hoàng Ngọc Sáu.

Việc làm khó hiểu của cơ quan đăng ký kinh doanh

Theo phản ánh của một số thành viên Cty PVL, Cty CP Xây lắp dầu khí VN (Cty PVC) hiện đang sở hữu 7 triệu cổ phần (tương đương 14%) của Cty PVL đã không đồng tình với việc thay đổi trên. Trước đó, ngày 26/6/2013 Cty PVC cũng đã ra quyết định thay đổi người đại diện 3 triệu cổ phần của PVC tại PVL từ ông Nguyễn Văn Lai sang ông Nguyễn Văn Dũng. Tuy nhiên, ông Dũng đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cty PVL không đúng pháp luật.

Từ những quyết định hợp lệ về nhân sự mới của HĐQT, Cty đã gửi hồ sơ thay đổi ĐKKD (thay đổi người đại diện theo pháp luật của Cty PVL). Sau một lần yêu cầu bổ sung hồ sơ, đến ngày 28/8/2013, Phòng ĐKKD2 đã có Công văn 263 do Phó phòng Nguyễn Xuân Thịnh ký. Công văn đã trích dẫn khoản 2,3 Điều 4 Nghị định 43/2010 quy định về nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục ĐKKD.

Theo đó, “cơ quan ĐKKD chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký DN, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của DN xảy ra trước và sau đăng ký DN.

Cơ quan ĐKKD không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của Cty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác trong quá trình hoạt động”. Trường hợp tranh chấp giữa thành viên Cty trong quá trình hoạt động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Chính từ những lập luận trên, việc thay đổi ĐKKD của Cty PVL với người đại diện theo pháp luật mới là ông Phạm Văn Hùng đã được đăng tải trên các website chính thống như: Cổng thông tin điện tử của Sở KH&ĐT Hà Nội, Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, website của Tổng cục Thuế.

Tuy nhiên, đến ngày 06/9 theo giấy hẹn, đại diện của Cty PVL đến nhận ĐKKD mới thì không được phòng ĐKKD 2 cấp giấy ĐKKD với lý do còn chờ công văn hướng dẫn của Cục Quản lý ĐKKD (Bộ KH – ĐT).

Ông Trần Minh Quang – Trưởng phòng ĐKKD đã có Công văn số 271 ngày 04/9/2013 xin Cục Quản lý ĐKKD hướng dẫn. Một điều ngạc nhiên là không hiểu vì sao trong Công văn 271 lại ghi Cty PVC sở hữu 28% vốn điều lệ của PVL? Trong khi, Chính PVC chỉ thừa nhận mình sở hữu có 14% vốn điều lệ của PVL.

Ông Hoàng Ngọc Sáu – Người vừa được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT cho biết: việc chậm thay đổi người đại diện theo pháp luật sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động của Cty lúc này. Từ tâm lý CBCNV đến quyền lợi của hơn 6.000 cổ đông Cty. DN đang trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” rất cần sự ổn định về nhận sự để ký kết hợp đồng kinh tế với khách hàng.

Tại sao Phòng ĐKKD không gửi công văn hỏi khi DN đã nộp đủ hồ sơ mà cứ kéo dài thời gian? Kéo dài TTHC ngày nào đẩy thêm DN vào khó khăn chồng chất ngày đó. Mọi việc của Cty đều có thể tự Cty thu xếp vào ĐHĐCĐ thường niên chỉ còn vài tháng nữa là tổ chức.

Con người vẫn là trung tâm của cải cáchCấp mới và thay đổi ĐKKD là một trong những loại TTHC đang được ưu tiên cải cách và đơn giản hóa. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác cải cách TTHC nói riêng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung của Việt Nam.Chính vì vậy, về nguyên tắc, TTHC này đã được chuyển từ “tiền kiểm” trong Luật DN 1999 sang “hậu kiểm” Luật DN 2005. Cùng với đó, việc cấp giấy ĐKKD đã giao cho các cơ quan chuyên môn. Phòng ĐKKD cấp sở là cơ quan chịu trách nhiệm và có con dấu riêng khi cấp giấy ĐKKD.

Về tính pháp lý của các chức danh HĐQT, tại điểm c, khoản 2, Điều 96, Luật DN quy định: “việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT thuộc thẩm quyền riêng biệt của ĐHĐCĐ”. Đây là thẩm quyền luật định và không có trường hợp ngoại lệ.

Do đó, việc miễn nhiệm chức danh ủy viên HĐQT của ông Nguyễn Văn Lai và ông Nguyễn Anh Quân hay bầu ông Nguyễn Văn Dũng vào ủy viên HĐQT Cty PVL bắt buộc phải thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Đối với việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Văn Lai thì được khẳng định do ý chí của ông ở trong đơn xin từ nhiệm. Tuy nhiên, HĐQT chỉ có thể miễn nhiệm chức danh này khi nó được chính HĐQT bầu. Trong trường hợp, chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Lai do ĐHĐCĐ bầu ra thì chỉ có ĐHĐCĐ mới có quyền miễn nhiệm.

Đối với cuộc họp của HĐQT Cty PVL lần thứ nhất chỉ có 3/5 ủy viên HĐQT là không đủ điều kiện để tiến hành. HĐQT Cty PVL đã tiến hành lập biên bản về cuộc họp không thành là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, HĐQT Cty đã áp dụng Điều 30, Nghị định 102/2010 để triệu tập cuộc họp lần thứ hai là đúng luật. Nội dung Điều 30 đã quy đinh, “trường hợp cuộc họp được triệu tập lần 1 không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì HĐQT được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày dự tính họp lần thứ nhất.

Trong trường hợp này, cuộc họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT”. Việc bầu và miễn nhiệm chức danh TGĐ đã được xác định là thẩm quyền riêng biệt của HĐQT Cty PVL tại Điều 30 điều lệ Cty. Điều này phù hợp với pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, HĐQT đã bầu ông Phạm Văn Hùng giữ chức TGĐ và là người đại diện theo pháp luật của Cty PVL là đúng điều lệ Cty và pháp luật hiện hành.

Phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT Hà Nội chỉ cần căn cứ vào hồ sơ của Cty PVL gửi đến đủ điều kiện là có thể cấp giấy ĐKKD. Mọi trình tự thay ai là người đại diện phần vốn hay bầu ai làm Chủ tịch HĐQT, TGĐ đều có quy định của pháp luật hiện hành. Điều này thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ hoặc cao hơn nữa là Tòa án nếu tranh chấp không được giải quyết.

Thiết nghĩ, nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ và các bộ ngành ban hành để phục vụ công tác cải cách TTHC. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ những con người thực thi TTHC. Khi cán bộ công chức đã quyết tâm muốn gây cản trở, khó dễ về mặt TTHC hay nói cách khác là nhũng nhiễu người dân và DN thì cần được xử lý một cách nghiêm minh.

LS Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn LS Hà Nội