Thị trường di động: Mâm chật vẫn thêm chén

Theo GfK Việt Nam, doanh số nhóm hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại Việt Nam năm 2012 là 30.224 tỉ đồng, giảm 5,9% so với năm 2011.

Quý 1/2013, theo thông tin từ các hệ thống bán lẻ lớn, doanh số nhóm hàng này tiếp tục giảm khoảng 15% so với quý 1/2012. Điều đáng lưu ý là doanh thu giảm không chỉ do kinh tế khó khăn làm người tiêu dùng thận trọng hơn khi mua sắm, mà còn do các nhà sản xuất giảm giá thành để cạnh tranh.

Cùng một mẫu máy nhưng chỉ sau ba tháng, giá giảm từ 10 – 20% so với khi mới xuất hiện. Với mức độ cạnh tranh khốc liệt, càng về sau, dù cấu hình mạnh hơn nhưng giá của chiếc điện thoại, nhất là nhóm smartphone, lại rẻ hơn, ít nhất là 10%.

Từ năm 2012, khi nói đến thị trường ĐTDĐ là nói đến phân khúc điện thoại thông minh (smartphone). Trong khi nhiều mặt hàng đang đình trệ thì các nhà sản xuất và nhà bán lẻ lại kỳ vọng nhóm hàng smartphone sẽ gia tăng tỷ trọng từ 30% trong năm 2012 lên 50% trong năm 2013, doanh thu nhóm này theo đó sẽ tăng lên 60 – 70%. Do vậy, smartphone đang là đích nhắm của các nhà kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam (Savina) thừa nhận doanh số có giảm nhưng so với nhiều nhóm hàng khác, ĐTDĐ vẫn là mặt hàng chiến lược đem lại lợi nhuận cho các hãng, trong đó có Samsung.

Ông Nguyễn Việt Hoàng, giám đốc ngành hàng di động của LG Việt Nam cũng cho rằng, doanh thu và lợi nhuận của nhóm hàng này tại thị trường Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn, không chỉ riêng cho LG mà còn là đích nhắm đến của các hãng khác.

Mâm đã chật chén

Theo số liệu từ hai nhà bán lẻ ĐTDĐ lớn tại TP.HCM, trong quý 1/2013, Samsung đứng hàng thứ nhất về doanh thu, khoảng 37% vì có nhiều sản phẩm bán chạy trên tất cả các phân khúc giá. Còn về số lượng, Nokia vẫn chiếm ngôi đầu: 35% nhờ các dòng sản phẩm giá thấp, thứ hai là Samsung: 33%. Các thương hiệu khác phân chia phần còn lại nhưng mức cao nhất không vượt qua con số 10%.

Trong nhóm smartphone, đứng sau Samsung có khá nhiều tên tuổi lớn. Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc Thế Giới Di Động, trong năm 2013, đứng thứ hai sẽ là Sony vì nhà sản xuất này sở hữu nhiều công nghệ nguồn như camera, loa… có nhiều thiết kế sản phẩm và họ đang thực hiện nhiều chương trình tiếp thị.

Cũng theo ông Tài, dù Nokia hiện đang mạnh ở phân khúc phổ thông và nhóm smartphone chạy hệ điều hành Windows, nhưng “xét về nhóm smartphone, Nokia khó theo kịp các thương hiệu khác về số lượng lẫn doanh thu vì hệ điều hành Windows khó phổ biến rộng rãi như Android”.

LG, trong năm 2012, tỷ lệ doanh thu trong thị trường điện thoại di động Việt Nam là 7%, qua mặt Sony (3%) và HTC (2%). Theo ông Hoàng, hiện hãng này đang từng bước giảm dần các dòng điện thoại phổ thông, đồng thời sản xuất các dòng smartphone giá thấp (1,5 triệu đồng) để thu hút khách hàng, giành thị phần.

“Doanh thu từ smartphone chiếm 90% trong tổng doanh thu ĐTDĐ của LG. Trong năm nay, LG sẽ tập trung nhiều hơn vào các dòng trung cho đến cao cấp”, ông Hoàng cho biết thêm. Tập đoàn LG đã có dự án nhà máy sản xuất các mặt hàng điện tử, trong đó có điện thoại di động tại Hải Phòng, dự kiến năm 2014 sẽ đi vào hoạt động.

HTC hiện đang so kè với LG và Sony vì hãng này liên tục tung ra những sản phẩm mới như HTC One, Butterfly để cạnh tranh với các dòng sản phẩm smartphone cao cấp của các hãng khác. Tuy nhiên, theo nhiều nhà bán lẻ, HTC đã qua thời đỉnh cao vì không có sự khác biệt về thiết kế. Mặt khác, dải sản phẩm của HTC có mức giá từ 4 triệu đồng trở lên nên chỉ thu hút lượng khách hàng có thu nhập từ khá trở lên.

Dù là thương hiệu nội địa nhưng hai nhà sản xuất là Mobiistar và Q-Mobile cũng đã có khách hàng riêng với số lượng tiêu thụ trên thị trường khoảng 100.000 chiếc/ tháng, chiếm khoảng 8% doanh thu. Theo ông Ngô Nguyên Kha, tổng giám đốc Mobiistar, hiện thương hiệu này bán mạnh ở tuyến tỉnh và huyện… nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người có thu nhập thấp.

Thêm nhiều kẻ chen chân

Bất chấp “mâm đã chật” và doanh số thị trường sụt giảm, từ tháng 3 cho đến nay, nhiều hãng sản xuất điện thoại di động trên thế giới tiếp tục thâm nhập Việt Nam.

Sharp là một thương hiệu ĐTDĐ lớn tại Nhật Bản, đã chính thức có mặt tại Việt Nam vào hồi đầu tháng 4. Trước mắt, Sharp tung ra những chiếc smartphone có mức giá từ 4,9 – 11,9 triệu đồng để bán tại Việt Nam.

Theo đánh giá của giới kinh doanh ĐTDĐ, Sharp thành công hay không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khá quan trọng như nhà nhập khẩu và bảo hành. Việc chọn SaigonTel là nhà nhập khẩu và GreysTone (có trụ sở tại Mỹ) là nhà bảo hành và cung cấp các dịch vụ hậu mãi tại Việt Nam, theo các chuyên gia sẽ khó để thương hiệu này trụ được. Bởi lẽ, SaigonTel không có kinh nghiệm về kinh doanh ĐTDĐ và hiện đang gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Còn GreysTone, vốn không xa lạ với giới kinh doanh và người dùng Việt Nam cách đây gần 10 năm khi cũng đảm nhận công việc bảo hành cho nhiều thương hiệu ĐTDĐ. Dù có trụ sở tại Mỹ nhưng cách làm của họ cũng đã để lại những điều không tốt, ảnh hưởng đến các thương hiệu cũng như những bực dọc từ phía khách hàng.

Oppo, hãng sản xuất ĐTDĐ của Trung Quốc, cũng “bon chen” vào thị trường Việt Nam vào cuối tháng 3.2013. Sản phẩm của hãng này khá đẹp nhưng vì âm đọc “Oppo” dễ làm người tiêu dùng liên tưởng đến âm đọc “Apple” (của Mỹ) và là thương hiệu của Trung Quốc nên không tạo được mối thiện cảm với người tiêu dùng.

Từ đầu tháng 5, FPT Distribution trở thành nhà phân phối chính thức của Apple với nhóm hàng ĐTDĐ tại thị trường Việt Nam. Như vậy, tính đến nay, Apple có ba nhà phân phối nhóm hàng ĐTDĐ tại Việt Nam: Vinaphone, Viettel và FPT Distribution.

Theo giới am hiểu, việc Apple có thêm nhà phân phối, người tiêu dùng sẽ được nhận thêm các ưu đãi về dịch vụ hơn là giá cả vì giá của Apple đã được hãng này “đóng chốt” trên thị trường toàn cầu.

Theo NCDT