Trăm kết nối, một điều hành

Theo dự báo, tới năm 2020 sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối vào mạng Internet. Mạng internet của vạn vật (internet of Everything) là sự kết nối thông minh giữa con người, quy trình, dữ liệu và sự vật. Nắm bắt và tạo dựng mạng internet của vạn vật sẽ giúp người làm công tác điều hành thuận lợi hơn rất nhiều so với hiện nay.

Nghiên cứu của IDG cho thấy, trong năm 2012, số lượng các thiết bị di động tại Việt Nam đã tăng khoảng 33%. Con số này vẫn trên đà tăng và hứa hẹn sẽ nhân gấp đôi vào năm 2017. Không chỉ tăng thiết bị, theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Ban Viễn thông VNPT, thị trường ICT Việt Nam theo xu hướng phát triển về mặt nội dung.

Về cơ bản, sóng 3G đã phủ khoảng 70% dân số. Nếu như trong năm 2012, dung lượng lưu thông trên mạng 3G chỉ trung bình 1,9 G/tháng thì trong ba tháng đầu năm 2013, con số này đã lên đến 32,8 G/tháng. “Trong khi dung lượng thoại ngày càng giảm thì nội dung khác lại tăng rất nhanh”, bà Thanh Mai nhận xét.

Theo ông Lâm Nguyễn, Tổng giám đốc IDG Việt Nam, việc tăng thiết bị lẫn nội dung tại Việt Nam theo cùng xu hướng thế giới. “Trong bối cảnh internet của vạn vật, mạng thông tin có thể kết nối mọi thứ, doanh nghiệp (DN) muốn bứt phá cần phải thay đổi phương cách kinh doanh”, ông nhấn mạnh.

Theo báo cáo thường niên Ciscos Global Cloud Index, lưu lượng trung tâm dữ liệu đám mây khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng hơn 7 lần vào năm 2016, và báo cáo Ciscos Visual Networking Index dự đoán lưu lượng dữ liệu trên các thiết bị di động trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt 5.256.979 Terabyte (hay 5,26 Exabyte) trong một tháng vào năm 2017, tương đương 1,314 triệu DVD mỗi tháng, hay 14,487 triệu tin nhắn mỗi giây.

Đồng quan điểm, ông Ross Fowler, Phó chủ tịch phụ trách Phân khúc thị trường và Kiến trúc Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản – Cisco Systems, cho biết, nếu như 7 thập kỷ trước chưa có điều kiện ứng dụng internet vào sản xuất thì nay điều kiện ấy đã hội tụ.

Trong tương lai, internet sẽ được đưa vào sản xuất để tạo ra các giá trị mới cho ngành sản xuất. “Khi hội tụ hai nền tảng internet và tự động hóa vào với nhau, nghĩa là kết nối khối văn phòng trực tiếp vào khối sản xuất, DN có thể đạt mức tăng giá trị rất lớn. Số bình quân tăng lợi nhuận có thể lên đến 25%”, ông Ross khẳng định.

Theo ông Ross, một mạng lưới thông minh sẽ giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả và là điểm gặp gỡ của nhân viên, khách hàng và đối tác. Do vậy, trong tương lai không xa, các tổ chức sẽ có nhiều ứng dụng đa dạng hơn trên nền tảng đám mây trên nhiều loại thiết bị di động khác nhau theo xu hướng các công nghệ di động, truyền hình, đám mây hiện đại…

Ông Ross Fowler chia sẻ: “Với việc kết nối internet, các DN có thể dự báo được thời điểm thoái trào để phát minh lại DN của mình trên nền tảng mới. Như vậy, DN có thể tránh được cơn suy thoái. Điều quan trọng hơn cả là việc đầu tư cho sự kết nối này có thể hoàn vốn sau 2 năm khai thác”.

Trong bối cảnh chung, xu hướng internet của vạn vật vô tình lại là lợi thế của các quốc gia mới phát triển. Bởi, so với chi phí đầu tư, nâng cấp của các DN ở các quốc gia đã phát triển, đã có hệ thống công nghệ chỉn chu, việc đầu tư xây mới hoàn toàn thuận lợi và kinh tế. Giá trị đầu tư cũng chỉ tương đương với mô hình xây dựng DN cũ.

Ông Chet Namboodri, Giám đốc Điều hành – Các giải pháp dành cho ngành sản xuất toàn cầu – Cisco Systems, phân tích: “Việt Nam đang là đích đến của các ngành sản xuất trên thế giới. Khi các DN lớn đến Việt Nam, họ sẽ mang theo cùng một nền tảng sản xuất dựa vào internet để tăng lợi thế cạnh tranh”.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Ấn, Trưởng Ban dự án D.M.E, Tổng công ty Bia Rượu Sài Gòn Sabeco, việc tận dụng lợi thế công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất tại Việt Nam cũng gặp những trở ngại nhất định từ phía DN nhà nước.

Nếu như DN tư nhân rất muốn đầu tư để tăng cạnh tranh nhưng không phải DN nào cũng có đủ quy mô tài chính để triển khai, thì DN nhà nước bị ngăn bởi rào cản cơ chế, chính sách.

Internet kết nối vạn vật là sự kết nối thông minh giữa con người, quá trình, dữ liệu và vật thể. Hiện nay, hơn 99% vật thể trong thế giới vật chất vẫn chưa được kết nối. Dự đoán tới năm 2020 sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối tới mạng internet.

Kết quả IDG khảo sát, có đến 95% DN tỏ ra ủng hộ xu hướng trang bị internet để kết nối các yếu tố trong dây chuyền của mình nhưng thực tế chỉ có 20% có chính sách chính thống để triển khai.

Tính cởi mở đón nhận xu hướng mới của người điều hành cũng là rào cản. “Sự nắm bắt của giám đốc điều hành về công nghệ rất quan trọng. Tân Hiệp Phát đã ứng dụng mobile để bán hàng, kiểm soát được nhân viên. Ứng dụng CNTT giúp họ không còn giới hạn không gian và thời gian làm việc”, ông Ấn chia sẻ.

Với dân số hơn 88 triệu người, trong đó gần 31 triệu người sử dụng internet đại diện cho 35% dân số, và 16 triệu người sử dụng internet qua mạng 3G, tương đương với khoảng 18% dân số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho các công ty trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thế giới của chúng ta đang thay đổi.

Phương thức làm việc của chúng ta trong một vài năm tới sẽ rất khác so với cách chúng ta đang làm ngày hôm nay. Tốc độ thay đổi sẽ nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã thấy trong 15 năm vừa qua khi internet bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

“Điều này sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng trong sản xuất lẫn kinh doanh mà nếu DN chủ quan, không kịp thời nắm bắt sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Trường Sinh, Tổng giám đốc Cisco Systems Việt Nam, nhấn mạnh.

Theo DNSG