Văn hóa “đà điểu”

Hội chứng đà điểu

Đà điểu là con chim khổng lồ, thường rúc đầu xuống dưới lớp cát mỗi khi gặp nguy hiểm hay sợ hãi trước kẻ thù vì chúng coi như vậy đủ để giấu toàn bộ thân hình nó khỏi kẻ địch phía trước (không nhìn thấy kẻ thù nghĩa là kẻ thù không thấy mình).

Đây là một hiện tượng bản năng tự vệ đặc biệt của loài đà điểu khi chạy trốn nguy hiểm, đến lúc trốn không nổi nữa thì nó dứt khoát rúc đầu vào cát, giả vờ như mình không nhìn thấy gì hết.

Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng này cũng phổ biến ở nhiều người, khi gặp phải sự cố, phiền phức, rắc rối mà bản thân không biết phải giải quyết thế nào nữa thì họ mặc kệ, xem như không nghe, không thấy, phớt lờ hiện thực… “Đứng im để hiểm nguy sẽ trôi qua”.

Câu chuyện đà điểu đã trở thành câu chuyện ngụ ngôn, bài học mà người ta hay sử dụng để chế giễu những kẻ hèn yếu, không dám đối đầu với thực tế, thử thách hay khó khăn trước mắt mà chỉ tìm cách né tránh. Nếu suy rộng ra thì nó là “hộ chứng đà điểu”.

Văn hóa trong doanh nghiệp

Những thói quen tốt hay xấu, kể cả những hội chứng cá thể nếu được lặp đi lặp lại và được chấp nhận một cách mặc định thì nó là văn hóa, ở một tập thể là doanh nghiệp thì người ta nói đến “văn hóa doanh nghiệp”.

“Hội chứng đà điểu” trong doanh nghiệp có thể thấy được khi lãnh đạo hoặc tập thể từ chối đương đầu với những rắc rối, khó khăn hoặc những nguy cơ hiện hữu mà tìm cách lảng tránh, bình chân hoặc giả vờ như không có với niềm hi vọng rằng rủi ro sẽ không đến với mình.

Khi hiểm nguy đến thật thì chỉ còn cách đứng nhìn “bó tay .com” hoặc đổ lỗi cho khách quan. Cũng có trường hợp muốn đối phó nhưng không có đủ khả năng phản ứng hoặc quá sức chịu đựng mà đành phải chịu trận một cách đáng tiếc.

Nếu vấn đề này xảy ra nhiều lần hoặc với nhiều đối tượng trong doanh nghiệp thì đó là một văn hóa đáng sợ và nếu là ở lãnh đạo thì đó là mối nguy hiểm cho doanh nghiệp.

Giá trị của cảnh báo

Nhiều khi tự doanh nghiệp hoặc lãnh đạo không thể nhận thức ra được những nguy cơ tác động đến họ để chuẩn bị đối diện với chúng. Lúc đó họ cần đến những người hỗ trợ bên ngoài như chuyên gia tư vấn, cố vấn… giúp họ nhận diện các rủi ro đến nguy cơ để quản trị chúng.

Còn một mối nguy hại nữa chính là ở “văn hóa đà điểu” nội tại, lại càng khó tự mình phát hiện ra. Một người ngoài thông thái nào đó mà lãnh đạo tin tưởng có thể chỉ ra một cách khách quan, lúc này lãnh đạo phải rất dũng cảm chấp nhận sự tồn tại của điều không lấy gì làm thú vị cho lắm để tìm cách vượt qua.

Tuy nhiên, vẫn có mặt trái của sự cảnh báo, đó là mọi cảnh báo đều là điều không hay được đưa ra trước khi nó xảy ra và không phải ai cũng tin. Người đời thường quy vào sự “gở mồm” hay “nói gở” và cho rằng không nên nói điều “gở”. Lúc này, lãnh đạo cần phải cân nhắc giữa “điều gở” và “điều dở”, người khôn ngoan sẽ chấp nhận “điều gở” còn hơn “điều dở”, còn người có “hội chứng đà điểu” sẽ gạt bỏ ngay “điều gở” để rồi sẽ nhận lấy “điều dở”.

Cảnh báo sớm có giá trị đặc biệt cho những người có tư duy tích cực để tìm các biện pháp ngăn chặn và quản trị rủi ro. Nhưng nếu có cảnh báo mà vẫn phớt lờ thì quả thật “hội chứng đà điểu” lúc này đã quá nặng nề.

Điều trị

Làm thế nào để điều trị được “hội chứng đà điểu”?

Dũng cảm, kỹ năng và năng lực là những thứ cần thiết để sẵn sàng đối diện với hiểm nguy. Suy ra nếu ngược lại thì sẽ thuộc về “hội chứng đà điểu”? Có thể nhưng không hoàn toàn.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể vượt qua hội chứng này, chẳng nhẽ nếu không đủ tố chất thì không thể?

Điều tiên quyết là phải dũng cảm, còn lại có thể được rèn luyện, cố gắng hoặc tìm cách bổ sung bằng sự tập hợp lực lượng hoặc kêu gọi cứu trợ. Quan trọng nhất là phải đối diện với những sự không lành và tìm mọi giải pháp để vượt qua.

Lê Ngọc Quang