Việt Nam phải chiến thắng chính mình

viet-nam-phai-chien-thang-chinh-minh-
Ông Max Loh- Tổng giám đốc điều hành EY khu vực Đông Nam Á

Công ty kiểm toán Ernst &Young vừa có những thay đổi quan trọng. Từ ngày 1/7, Ernst &Young có một vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc mới là ông Mark Weinberger, đồng thời thương hiệu toàn cầu Ernst &Young trước đây sẽ được rút ngắn với tên gọi EY, cùng một tầm nhìn mới “Building a better working world”, (tạm dịch: xây dựng một thế giới làm việc hoàn hảo hơn). Trong chiến lược toàn cầu mới của EY, các thị trường mới nổi như Việt Nam được nhận định sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng đối với kế hoạch hoạt động của tập đoàn.

Nhân dịp này, ông Max Loh- Tổng giám đốc điều hành EY khu vực Đông Nam Á- đã chia sẻ nhận định về khả năng cạnh tranh thị trường Myanmar so với Việt Nam, và yêu cầu cải cách đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện Myanmar nổi lên là thị trường rất hấp dẫn trong khu vực. Vậy mức độ cạnh tranh của Myanma như thế nào đối với Việt Nam?

Myanmar là thị trường mới nổi (frontier market) lớn quan trọng ở Châu Á, nó có một tiềm năng khổng lồ thu hút giới đầu tư toàn cầu. Myanmar đang thực hiện những cải cách kinh tế chính trị khiến các nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định trở lại. Myanma hiện giờ giống như như thời kỳ đầu mở cửa của Việt Nam, do đó có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Tuy vậy, đầu tư vào Myanmar hiện cũng đi kèm có những thách thức và rủi ro, đó là hệ thống tài chính kém phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, những căng thẳng chính trị tiềm ẩn và tốc độ cải cách vẫn là nghi vấn.

Thật ra, theo tôi Việt Nam không nên chỉ tập trung vào Myanmar. Toàn cầu hóa khiến tất cả các quốc gia trên thế giới phải cạnh tranh với nhau về mỗi đồng USD đầu tư, mỗi nước phải tự nâng cấp bản thân mình và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn. Vì vậy Việt Nam phải tự tái tạo bản thân, luôn tương thích với mong muốn của nhà đầu tư.

Theo kinh nghiệm của ông, điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là gì? Và liệu họ có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài hay không?

Theo ý kiến của tôi, các công ty Việt Nam có khá nhiều lợi thế, các bạn có lợi thế cạnh tranh về chi phí, có tài nguyên, thị trường có dân số đông với nền tảng giáo dục tốt. Các công ty Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang nắm giữ những lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác trong khu vực.

Về điểm yếu, tôi sẽ không gọi là điểm yếu mà tôi gọi là thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là khả năng tự tái cẩu trúc, sáng tạo hơn và thay đổi các hoạt động thậm chí mỗi ngày. Ví dụ năng suất có thể phù hợp với ngày hôm nay nhưng ngày hôm sau đã là tụt hậu.

Một trường hợp điển hình là Trung Quốc, 10 năm trước, Trung Quốc đã rất thành công khi trở thành một quốc gia sản xuất với chi phi thấp nhưng giờ đây họ đang đối diện với rất nhiều khó khăn khi giá nhân công tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở nước ngoài, song hành với việc tìm kiếm những tri thức, kinh nghiệm mang về Trung Quốc.

Hiện các các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, có cách nào để giúp họ vượt ra khỏi khủng hoảng?

Các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hướng đến các chính sách đơn giản hóa và rõ ràng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty phải liên tục tái cấu trúc, cải thiện năng suất, tạo ra giá trị gia tăng hơn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Nếu quan sát kinh nghiệm của các quốc gia Đông Nam Á khác, có lẽ các bạn không nên theo đuổi chiến lược chi phí thấp nữa. Toàn cầu hóa khiến nhiều quốc gia có chi phí thấp gia nhập cuộc đua, do đó các bạn phải liên tục sáng tạo, nỗ lực tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông, mức độ hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Singapore thế nào?

Theo tôi, Việt nam vẫn tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư Singapore. Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn thứ tư tại Việt Nam, đứng sau Nhật, Hàn quốc và Đài Loan với tổng số vốn đầu tư vào khoảng 23,3 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư khá rộng như quản lý khách sạn, bất động sản, quản lý cảng biển, logistics, sản xuất và tôi tin rằng hầu hết chúng là những khoản đầu tư dài hạn.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Tăng tưởng GDP 2012 chỉ đạt 5%, thấp hơn mục tiêu 6-6,5%. Đây là mối lo ngại đối với một nền kinh tế đang tăng trưởng như Việt Nam. Ngoài ra còn có mối lo ngại về sức cầu yếu và lạm phát. Nhưng mối lo ngại lớn nhất theo tôi là sức khỏe của hệ thống ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu cao. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các biện pháp đối phó với các vấn đề này và chúng ta cùng chờ xem liệu có thành công hay không.

Theo khảo sát mới đây của hiệp hội các doanh nghiệp Singapore, châu Á vẫn là địa điểm đầu tư nước ngoài phổ biến nhất với Việt Nam đứng thứ hai sau Myanma. Các công ty Singapore chưa đến Việt Nam đều tiếp tục có ý định đầu tư ở đây. Quan trọng hơn các công ty Singapore đã đầu tư ở đây không có ý định thoái vốn thâm chí còn có ý định tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại đây.

Việc Nam có vị trí địa lý rất lý tưởng ở khu vực Đông Dương, gần gũi với thị trường Nam và Tây Nam Trung Quốc. Chính trị ổn định, an toàn, tầng lớp giàu có đang tăng trong cộng đồng 90 triệu dân…Thật sự có rất nhiều tiềm năng ở đây.

Có cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore?

Có một vài điểm tôi cần nhấn mạnh. Singarpore là một trong những thị trường giao dịch chứng khoán lớn nhất Châu Á và thực sự rất mong muốn công ty nước ngoài niêm yết trên thị trường. Nó luôn mở rộng cửa cho các công ty Việt Nam niêm yết, dựa trên một biên bản ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Singapore về việc hỗ trợ các các công ty Việt Nam niêm yết trên thị trường.

Tuy vậy, có những yêu cầu đầy thách thức nếu muốn được niêm yết trên thị trường này. Theo đó, yêu cầu trước tiên là các báo cáo tài chính của các công ty Việt Nam phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai Singapore cần phải làm rõ quy mô có thể nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các công ty phải đảm bảo có hệ thống quản lý rủi ro và quản trị công ty tốt điều mà các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư tổ chức sẽ nhìn vào.

Nhìn chung, có 3 yếu tố căn bản nhất để các công ty Việt Nam niêm yết thành công là cần mức giá đúng, câu chuyện đúng và có đội ngũ nhân viên giỏi để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo NCDT