Việt Nam có cần VAMC?

Như vậy sau nhiều lần trễ hẹn, Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (Vietnam Asset Management Company – VAMC) cuối cùng CŨNG được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 9.7.2013. Tuy nhiên, công ty quản lý tài sản phiên bản Việt Nam này có khá nhiều điểm khác biệt với mô hình công ty quản lý tài sản đã thành công trên thế giới. Liệu những sáng kiến này sẽ phát huy hiệu quả trong việc giải quyết nợ xấu, điểm tắc nghẽn lớn nhất đối với dòng chảy tín dụng cho nền kinh tế hiện nay?

Cuộc chơi tay 3, ai được lợi?

Công cuộc xử lý nợ xấu giờ đây sẽ xoay quanh 3 tay chơi chủ yếu là Ngân hàng Nhà nước, VAMC và các tổ chức tín dụng. Mối liên hệ tương tác giữa 3 chủ thể này sẽ quyết định mức độ thành công của việc giải quyết nợ xấu của Việt Nam.

Có 2 cách để VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Thứ nhất, VAMC sẽ mua các khoản nợ xấu theo giá trị ghi sổ và trả cho các tổ chức dụng một loại trái phiếu đặc biệt. Cách thứ hai là VAMC sẽ mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải từ trái phiếu đặc biệt này (có thể là từ vốn điều lệ, các quỹ được trích lập và các nguồn vốn huy động khác).

Nhưng với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 500 tỉ đồng so với quy mô nợ xấu được ước luợng lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng, dường như phương án dùng trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu là điều VAMC muốn hướng tới. Với cơ chế này, VAMC sẽ không chịu nhiều chi phí để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng mà chính các tổ chức này phải tự gánh lấy.

Đối với các ngân hàng, trái phiếu đặc biệt này vừa có ưu điểm và có nhược điểm. Ưu điểm ở chỗ các ngân hàng có thể dùng chúng để thế chấp vay vốn tại Ngân hàng Nhà nước, giúp cải thiện khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, việc loại bỏ tạm thời các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán sẽ giúp hình ảnh các ngân hàng long lanh hơn rất nhiều trong mắt các nhà đầu tư. Đặc biệt, các ngân hàng còn vui sướng hơn nữa khi VAMC mua lại nợ chủ yếu căn cứ trên giá trị sổ sách, chứ không phải giá thị trường. Nếu căn cứ theo giá thị trường, các tài sản này, nhất là các khoản liên quan đến bất động sản, có lẽ chẳng còn bao nhiêu giá trị so với trước.

Tuy nhiên, rủi ro khi cầm trái phiếu này trong tay cũng không nhỏ. Các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro hằng năm đối với trái phiếu này với tỉ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá. Việc trích lập dự phòng nhằm tích lũy nguồn lực để xử lý khoản nợ xấu, nếu đến kỳ đáo hạn mà VAMC không thu hồi được nợ và chuyển ngược lại cho ngân hàng. Cơ chế này sẽ làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng, buộc các ngân hàng phải hoạt động hiệu quả hơn gấp bội. Đây có thể là thách thức lớn cho các ngân hàng nếu tăng trưởng kinh tế trong các năm tới không phục hồi mạnh mẽ.

Thế VAMC thì sao? VAMC sẽ nhận khoản nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, áp dụng các biện pháp tái cơ cấu và thu hồi nợ, sau đó ăn chia lợi nhuận giữa VAMC và các ngân hàng theo tỉ lệ được quy định (theo dự thảo trước đây, VAMC sẽ giữ lại là 15% số tiền thu hồi được). Tuy vậy, một chuyên gia tài chính (không muốn nêu tên) cho rằng, ở đây có lỗ hổng để nhóm lợi ích hoạt động, nhất là khi cơ chế chuyển giao quyền sở hữu tài sản và trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng.

Như vậy, VAMC chỉ đóng vai trò tạm thời giữ nợ xấu cho ngân hàng, đồng thời tổ chức này gần như không tốn một đồng tiền thực nào để mua lại nợ xấu. Tất cả những điều này sẽ không tạo động lực thúc đẩy VAMC xử lý rốt ráo các khoản nợ xấu.

Ví dụ, món nợ trị giá 100 đồng nhưng VAMC hoàn toàn có thể bán cho bên thứ ba với giá 50 đồng, hay 30 đồng, 20 đồng. Liệu các ngân hàng có bán nợ xấu của mình cho VAMC khi thấy tài sản của mình có nguy cơ sụt giảm đáng kể giá trị? “Có thể các ngân hàng tốt không muốn bán nợ xấu cho VAMC vì sợ mất giá trị tài sản. Chỉ có các ngân hàng thực sự xấu, đã mất hết vốn là muốn tham gia để nhận được tiền”, chuyên gia nói trên nhận xét.

Ngân hàng Nhà nước cũng chịu rủi ro lớn. Vì theo cơ chế này, các ngân hàng yếu kém có thể được vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước, trong khi họ có thể chi trả được khoản vay này hay không vẫn là câu hỏi lớn. Khả năng Ngân hàng Nhà nước mất luôn lượng vốn này là hoàn toàn có thể xảy ra. “Mô hình này có thể tạo ra tâm lý ỷ lại của các ngân hàng yếu kém. Đáng lẽ họ phải bị trừng phạt vì cho vay thiếu cẩn trọng trong quá khứ nhưng giờ đây lại có cơ hội nhận được tiền từ Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia này nói.

Theo nguyên tắc căn bản, VAMC được lập ra không phải để giúp toàn hệ thống mà để tập trung hỗ trợ các ngân hàng tốt đang gặp rắc rối vì tình hình chung của thị trường. Như thế, việc giải quyết nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng tốt làm sạch phần nào bảng cân đối kế toán để tiếp tục cho vay, đồng thời có thể nhận thêm nguồn vốn từ bên ngoài, ví dụ như từ các đối tác nước ngoài muốn rót vốn vào ngân hàng nhưng còn e ngại về nợ xấu. “Với mô hình hiện tại, VAMC khó thực hiện được các mục tiêu đó”, chuyên gia này kết luận.

Chuẩn như Danaharta

Một mô hình AMC được đánh giá là thành công trong việc giải quyết nợ xấu là Danaharta của Malaysia, được thành lập trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Trên thế giới luôn tồn tại 2 mô hình xử lý nợ xấu: một là mua đứt nợ xấu và xử lý nhanh; hai là mua lại nợ xấu và để chúng tự hồi phục. Danaharta là sự kết hợp của cả hai mô hình trên và đã chứng minh rằng đây là sự kết hợp rất hiệu quả.

Hoàn cảnh của Malaysia cũng như một số quốc gia khác ở châu Á vào thời điểm đó khá giống với Việt Nam hiện nay. Để đáp ứng vốn cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế, kể từ năm 1995 tỉ lệ tăng trưởng tín dụng của Malaysia đã rất cao, khoảng 25-30%/năm, làm cho tổng dư nợ tín dụng đạt đến 160% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 1997.

Khi khủng hoảng xảy ra, nợ xấu tăng cao đã tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Malaysia. Tỉ lệ nợ xấu vào tháng 12.1998 được Ngân hàng Trung ương Malaysia công

bố là 14,8%, nhưng nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ thực tế là hơn 20%. Đối phó với vấn đề này, Malaysia đã thành lập AMC Danaharta để mua lại nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Ngay từ đầu, Danaharta đã xác định chỉ nhằm vào 2 mục tiêu là xóa nợ xấu khỏi hệ thống ngân hàng để các ngân hàng tập trung cho vay và phục hồi tối đa giá trị các khoản nợ xấu mà Danaharta mua lại.

Đặc biệt, Malaysia cũng thành lập một cơ quan khác trợ giúp cho Danaharta là Danamodal, dưới sự tư vấn của các tổ chức tài chính danh tiếng thê giới là Salomon Smith Barney và Goldman Sachs. Danamodal do Ngân hàng Trung ương sở hữu và thực hiện việc bơm tiền vào các tổ chức tài chính để tái cấu trúc khu vực ngân hàng.

Danaharta mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường và trả bằng 2 cách: tiền mặt hoặc phát hành trái phiếu với lãi suất coupon bằng 0%. Điều này gúp Danaharta tổi thiểu hóa chi phí đi mua và khiến cho danh mục tài sản của nó trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt các nhà đầu tư. Cũng nhờ mua nợ theo giá thị trường, Danaharta nắm rõ đặc điểm của từng món nợ và doanh nghiệp mắc nợ, từ đó có nhiều cách để thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp và thu lợi nhuận lớn sau khi xử lý xong các khoản nợ xấu này.

Một thuận lợi nữa của Danaharta là được chính phủ ủng hộ toàn diện. Năm 1998, Malaysia đã ban hành hẳn một đạo luật mang tên Danaharta, trao cho tổ chức này những đặc quyền mà không một tổ chức tài chính nào có thể có được trong lịch sử ngành tài chính nước này. Danaharta có cả quyền bổ nhiệm lãnh đạo ở các tổ chức đang nợ và quyền tịch biên các tài sản thế chấp.

Một điểm quan trọng khác góp phần làm nên thành công của Danaharta là tổ chức này có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp về nghiệp vụ như kiểm toán, định giá tài sản, hay chứng khoán hóa tài sản. Tổ chức này còn thuê các chuyên gia nước ngoài nhiều kinh nghiệm để đạt hiệu quả công việc cao nhất.

Tất cả những đặc điểm trên đã giúp cho Danaharta hoạt động thành công chỉ trong một thời gian ngắn. Khoảng 35% nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã được chuyển sang Danaharta xử lý. Tỉ lệ thu hồi nợ xấu lên đến 58%, khá cao so với tỉ lệ trung bình từ 20-50% của các quốc gia khác. Thành công này đã giúp cho hệ thống ngân hàng Malaysia ổn định hơn và kinh tế Malaysia được vực dậy liền sau đó.

Theo NCĐT