Việt Nam mạnh về công nghệ thông tin truyền thông?

Nếu không có dự báo chiến lược phát triển công nghệ mới, không có giải pháp đổi mới quy trình đào tạo ICT, thì kết quả đào tạo trong nhà trường sẽ luôn chậm và đi sau bước phát triển công nghệ ICT trong thực tế.

Ngày 22/9/2010, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phê duyệt “Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về ICT (công nghệ thông tin & truyền thông)”, trong đó nhấn mạnh mục tiêu, đến năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.

Đề án này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng CNTT trong nước, đặc biệt các bậc cha mẹ đang có con theo học ngành ICT hết sức vui mừng về tương lai của con em mình. Trong bài viết này, dưới góc nhìn của người đang hành nghề dạy ICT lâu năm, xin trao đổi xoay quanh chủ đề về con số 1 triệu nhân lực ICT và giải pháp thực hiện.

Thời của phát triển và…lạc hậu?

Thế kỷ 21, với sự phát triển nhanh chóng của ICT,  khối lượng thông tin và tri thức tăng rất nhanh. Chỉ trong vòng vài tháng, trong công nghệ phần cứng của máy tính lại xuất hiện một công nghệ mới. Trong vòng vài năm thì Microsoft lại xuất ra một phiên bản OS mới với nhiều tính năng mới .v.v.

Đây là thời kỳ mà số lượng các công trình khoa học nhiều đến nỗi ông thầy một số ngành ICT cũng không học hết nổi kiến thức một môn của mình dạy.

Các thầy bậc đại học và đào tạo nghề ICT đứng trước nguy cơ… không truyền bá hết nổi kiến thức của môn mình cho học trò. Hơn nữa khi các thầy dạy kiến thức cho sinh viên trong trường, nhưng khi trò ra trường, thì những kiến thức ở trường lại có thể trở thành lạc hậu.

Và các sinh viên tốt nghiệp phải đi đào tạo lại mới có thể hành nghề, rất lãng phí công đào tạo. Làm thế nào để thoát ra khỏi bất cập này là nội dung mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây.

Nhiều nghề mới và thủ tiêu… nghề cũ.

Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, có nhiều nghề không thể thiếu trong hoạt động xã hội như: Đánh máy chữ, sửa chữa đồng hồ, làm điện báo viên, trực tổng đài…Khi ICT phát triển, ai biết sử dụng máy tính cũng có thể đánh văn bản được nên nghề đánh máy không còn trong danh mục nghề công chức nữa.

Tương tự, khi mỗi người đều sở hữu điện thoại di động có đồng hồ hiển thị thời gian thì nhu cầu sử dụng thêm đồng hồ lên giây đeo tay như trước đây cũng không thật cần thiết nữa …

15 năm trở lại đây, có thể coi là thời kỳ tăng trưởng của thị trường viễn thông- tin học. Kỹ sư viễn thông với công việc cụ thể như thiết kế mạng, lắp ráp thiết bị, bảo hành bảo trì, quản trị mạng…trở nên “hot” và sáng giá hơn so với nhiều nghề khác.

Rất nhiều thanh niên ưu tú sau khi tốt nghiệp phổ thông đã “đầu quân, gia nhập” ngành viễn thông. Tuy nhiên hiện nay (năm 2012) dịch vụ phần cứng viễn thông đang có xu hướng bão hòa.

Các thiết bị di động thông minh ngày càng trở nên phổ biến thì nội dung trao đổi trên mạng di động (công nghệ phần mềm) mới là yếu tố bùng nổ các  loại  dịch vụ kinh doanh khác nhau như: Truyền hình di động, game di động, thương mại điện tử, thanh toán di động…

Như vậy nhu cầu nguồn nhân lực viễn thông đang có sự thay đổi, chuyển từ dịch vụ cung cấp thiết bị viễn thông phần cứng sang dịch vụ mới- cung ứng phần mềm đa phương tiện cho khách hàng sử dụng.

Khi dữ liệu được lưu trữ và trao đổi trên mạng ngày càng lớn, thì nhu cầu bảo mật thông tin trên mạng cũng ngày càng cao, tất yếu có một ngành mới: An toàn thông tin trên mạng ra đời.

Các kỹ sư ngành ICT phải thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ để nhanh chóng phù hợp với nghề mới, công việc mới. Thậm chí ngay cả khi các thầy hành nghề dạy học mà  không cập nhật kiến thức mới là tự đào thải mình.

Giảng viên dạy ICT nào mà  kiêu ngạo tuyên bố: “Tôi là chuyên gia chỉ một lĩnh vực” thì rất nhanh chóng…thất nghiệp khi môn học đó không còn được đưa vào chương trình nữa.

Ví dụ về bức tranh ngành ICT trên cho thấy, chính tốc độ phát triển ICT đã làm thay đổi nhu cầu nguồn nhân lực ICT.

Nếu không có dự báo chiến lược phát triển công nghệ mới, không có giải pháp đổi mới quy trình đào tạo ICT, thì kết quả đào tạo trong nhà trường sẽ luôn chậm và đi sau bước phát triển công nghệ ICT trong thực tế. Mọi thiệt thòi đó, suy cho cùng người học lãnh đủ.

Bức tranh đào tạo nghề ICT đang thay đổi

1- Xã hội kết nối và điện toán đám mây- xu thế công nghệ tương lai

Vào cuối năm 2010, thế giới đã có 500 triệu người truy cập băng rộng di động. Dự kiến năm 2015 – 2016 sẽ có khoảng 5 tỉ người truy cập băng rộng di động, tương đương với số lượng truy cập Internet sẽ gấp 5 lần hiện giờ.

Quá trình chuyển đổi này sẽ tạo ra 50 tỉ kết nối với khái niệm “Networked Society” (xã hội kết nối) vào năm 2020. Ba yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của xã hội kết nối là: Di động, băng rộng và điện toán đám mây (cloud computing). Trong 3 yếu tố hình thành xã hội kết nối thì điện toán đám mây là khâu then chốt mang tính đột phá.

Xã hội kết nối là bước phát triển kế tiếp của thời đại xã hội thông tin hiện nay. Khi được kết nối một cách thông minh, cuộc sống của loài người sẽ thay đổi, thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Hãng Ericsson nhận định tới năm 2015, 2/3 số thiết bị điện tử sẽ được gắn thêm thiết bị kết nối di động. Ví dụ như máy phát điện, bàn là điện, bếp điện  …  như hình 1 dưới đây.

Hình 1. Mô hình các thiết bị kết nối

2- Điện toán đám mây trong xã hội kết nối và bài toán nguồn nhân lực ICT.

Theo tính toán của công ty NEO, nếu triển khai ứng dụng CNTT theo mô hình truyền thống, tính trung bình mỗi đơn vị hành chính sự nghiệp tốn khoảng 2.500 USD cho chi phí mua sắm phần cứng (máy chủ, thiết bị mạng), 2.500 USD chi phí mua sắm phần mềm, 500 USD mỗi tháng cho chi phí vận hành (điện, đường truyền, thuê người quản trị mạng) và khoảng 250 USD chi phí thuê hỗ trợ và nâng cấp phần mềm mỗi năm.

Trong khi đó, nếu các cơ quan Nhà nước ứng dụng công nghệ điện toán đám mây theo hình thức cung cấp phần mềm như dịch vụ (Software as service – SaaS).

Tức là phần mềm được tập trung tại một trung tâm dữ liệu để cho người dùng sử dụng thông qua Internet, thì cơ quan Nhà nước sẽ không phải đầu tư phần cứng, phần mềm hệ thống và phần mềm thương mại, giảm phần lớn chi phí vận hành (điện, đường truyền và nhân lực quản trị hệ thống).

Như vậy triển khai ứng dụng điện toán đám mây sẽ tiết kiệm kinh phí duy trì hệ thống mạng và điều quan trọng nhất, nhu cầu nguồn nhân lực ICT nói chung và nguồn nhân lực chuyên viên quản trị mạng hệ thống sẽ giảm.

Đây là bài toán đặt ra cho những nhà quản lý trong định hướng đào tạo nghề ICT trong tương lai và con số 1 triệu nhân lực ICT vào năm 2020 cần phải xem xét một cách khoa học.

Đào tạo nghề  ICT trong xã hội kết nối.

Đào tạo nghề ICT phải hướng tới người lao động tri thức

Ngày nay, hầu hết các công việc như cài đặt, cấu hình và bảo trì được thực hiện một cách tự động, nên các kỹ năng cần thiết cho người lao động ICT sẽ thay đổi chuyển từ các công việc mang tính kĩ thuật trước đây sang đòi hỏi những kiến thức về trải nghiệm và những kỹ năng phù hợp khác.

Sự phát triển này đi cùng với sự chấp nhận nhanh chóng của điện toán đám mây trên toàn cầu, sẽ đòi hỏi phải gia tăng rất mạnh số lao động hiểu biết về lĩnh vực này. Tức là nhu cầu nhân lực lao động kỹ thuật khai thác ICT sẽ giảm nhường chỗ cho nguồn nhân lực là những lao động tri thức có những kỹ năng mới.

Thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo nghề một cách khoa học.

Nếu trước đây việc tích lũy kiến thức (nhớ) là ưu tiên số 1 thì giờ đây khi mà các phương tiện lưu trữ đã  đầy đủ,  sẵn sàng cho việc truy cập và xử lí thông tin,  thì ưu tiên số 1 lại là khả năng nhanh chóng tiếp cận tri thức mới, vận dụng tri thức mới và khả năng …sinh ra tri thức mới.

Trong tình hình đó, cách đào tạo nghề  nói chung và đào tạo nghề bậc ĐH nói riêng không thể giữ nguyên như khoảng nửa thế kỷ trước đây. Nếu trước kia người ta có thể sử dụng thời gian 4, 5 năm ĐH trang bị vốn tri thức về 1 nghề nghiệp cao cấp nào đó cho 1 sinh viên, để anh ta sử dụng hầu như trong cả cuộc đời hành nghề của mình, thì ngày nay điều đó là hoang tưởng.

Nghĩa là nếu vẫn tập trung vào mục tiêu trang bị tri thức, thì dù có kéo dài bao nhiêu lần thời gian học ở ĐH cũng không giải quyết được mâu thuẫn đã nêu. Do đó nội dung chương trình đào tạo nghề phải chú trọng loại kiến thức nền tảng chứ không phải loại kiến thức về 1 quy trình cụ thể.

Vì kiến thức nền tảng mới tạo cho người học 1 cái nền vững chắc để tiếp tục học tập những thứ cụ thể khác. Tiếp đến là đào tạo kỹ năng phù hợp với xã hội kết nối, phù hợp với ngành nghề mà người lao động lựa chọn.

Đổi mới phương thức đào tạo nghề ICT

Theo mô hình đào tạo truyền thống thì nguồn cung ứng nhân lực nói chung, nguồn nhân lực ICT nói riêng chủ yếu đến từ các trường đào tạo nghề hoặc các trường ĐH và bao gồm các bậc học phổ biến như:  Trung học nghề, cao đẳng…

Tuy nhiên, đặc thù của ngành nghề trong xã hội kết nối có liên quan mật thiết với nhau. Nhiệm vụ của ngành ICT  là phục vụ cho rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Do đó người lao động phải có nhiều kỹ năng khác mà nhà trường ICT khó có thể đào tạo được, nên việc đào tạo bổ sung  là rất cần thiết trong mô hình mới.

Ở đây cần phân biệt đào tạo lại và đào tạo bổ sung.

Đào tạo lại là trường hợp đã được học nghề  ở trường nhưng khi ra làm việc không đáp ứng được công việc  phải đi đào tạo lại. Có khi phải học ngành mới không liên quan với kiến thức đã học ở trường.

Còn đào tạo bổ sung là trường hợp sinh viên được đào tạo cơ bản ở trường, sau đó đến làm việc ở lĩnh vực hẹp nào thì được đào tạo bổ sung kiến thức phù hợp công việc ở đó. Đào tạo bổ sung là tất yếu phù hợp với chuyên ngành ICT, còn đào tạo lại là 1 sự lãng phí.

Hình 2. So sánh  đào tạo nghề truyền thống và xu hướng đào tạo mới

Trên hình 2,  mũi tên từ trái sang phải có nghĩa là sau khi đào tạo truyền thống theo các trình độ khác nhau : Kỹ thuật viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…người học mới có nghề  để đi làm. Mũi tên từ phải sang trái có nghĩa là người lao động đã có nghề nghiệp ổn định vẫn được thường xuyên được đào tạo bổ sung .

Trong mô hình mới này, người lao động được đào tạo những kiến thức cơ bản về nghề và liên quan thông qua các chương trình đào tạo chính thức. Và sau khi đi làm nếu cần thêm kiến thức gì, thì đi học bồi dưỡng bổ sung thông qua các chương trình đào tạo thường xuyên ngắn hạn như ngôn ngữ lập trình, công nghệ mới…

Trong trường hợp đào tạo thường xuyên (hình 2) người thầy phải luôn cập nhật kiến  thức thực tế mới đảm nhận vài trò “làm thầy thiên hạ” được.

Theo mô hình đào tạo này, trong trường đào tạo nghề  không nhất thiết phải đào tạo tất cả những gì xã hội cần, mà nên lựa chọn những môn học thật cần thiết để  làm nền tảng  cho  người học có thể phát triển kỹ năng làm việc trong tương lai.

Một số giải pháp cụ thể

Từ thực trạng nghề ICT trong bối cảnh mới, trên cơ sở phân tích luận điểm khoa học đã trình bày, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp cụ thể sau :

1) Rút ngắn thời gian đào tạo ĐH từ 4-5 năm xuống 3-3,5 năm. Nội dung đào tạo trong trường như nội dung đã nói phần trên. Tăng cường vai trò đào tạo bổ sung phù hợp công việc thực tế.

2) Nâng cấp các trường cao đẳng đào tạo nghề ICT thành trường ĐH thực hành ICT. Vì thực chất lao động trong nghề ICT là lao động tri thức có kỹ năng mới, khác với lao động thuần tuý kỹ thuật trước đây. Giải pháp này sẽ kích thích thu hút nhiều thanh niên gia nhập vào lĩnh vực nghề ICT.

3) Nâng cấp vị thế giảng viên đào tạo nghề ICT. Người thầy trong lĩnh vực này ngoài việc phải được nâng cấp trình độ của mình  qua mô hình đào tạo truyền thống (theo hình 2 từ trái sang phải) để đạt được các học vị thạc sĩ, tiến sĩ còn phải biết tự đào tạo bổ sung kiến thức cho chính  mình.

Theo vietnamnet