Vì sao Google nóng lòng nhảy vào cuộc chiến ứng dụng OTT?

Google đang muốn mua lại Whatsapp với giá 1 tỷ USD. Mặc dù đây mới chỉ dừng ở mức tin đồn, nhưng nó đang phản ánh khao khát rất lớn của Google với thị trường ứng dụng OTT, mà ở đây là ứng dụng liên lạc miễn phí.

Vì sao Google nóng lòng nhảy vào cuộc chiến ứng dụng OTT? 1

Hiện tại, các ứng dụng liên lạc miễn phí đang là tiêu điểm trong thị trường các thiết bị kết nối internet được (bao gồm cả smartphone, tablet, PC nói chung), và Google nếu muốn chiếm vị trí quan trọng trên di động, thì Whastapp là một lựa chọn khá tốt và hãng cần phải giải quyết nhanh vấn đề này.

Google cũng có thể phát triển riêng một ứng dụng liên lạc miễn phí, tuy nhiên hãng sẽ cần khá nhiều thời gian và công sức để phát triển. Hơn nữa, cộng đồng vài trăm triệu người dùng của Google hiện tại là cộng đồng những người thích liên lạc bằng thư điện tử (Gmail), thích dùng mạng xã hội (Google+), và các ứng dụng liên lạc tích hợp của Google vào các dịch vụ này như Google Voice, Google Talk, Google Hangout dường như  không được người sử dụng đón nhận nhiệt tình.

Cũng chính vì thế, mà gần đây xuất hiện tin Google sẽ thống nhất các dịch vụ liên lạc của mình thành một ứng dụng dạng như Whatsapp là Google Babble. Tuy nhiên, mua lại sẽ là lựa chọn tốt hơn cho Google.

Thứ nhất, Google sẽ tận dụng được cộng đồng lên tới 250 triệu người sử dụng của Whatsapp, những người đang có thói quen sử dụng ứng dụng liên lạc miễn phí hàng ngày. Cộng đồng này, chỉ riêng trong ngày Tết dương 2013 đã trao đổi với nhau 18 tỷ tin nhắn.

Thứ hai, công nghệ mà Whatsapp phát triển đã chín muồi sau 4 năm ra đời. Google sẽ có sẵn một công nghệ đủ để tích hợp vào thành lõi của Babble như hãng muốn, hoặc sử dụng luôn Whatsapp làm ứng dụng liên lạc bên trong các dịch vụ của hãng.

Điều này cũng giống như việc Microsoft thâu tóm Skype với giá 8,5 tỷ USD, sau đó đưa Skype trở thành ứng dụng liên lạc chính của hãng, và cho “gà nhà” Windows Live Messenger, từng gặt hái hơn 100 triệu người dùng, về hưu.

Vì sao Google nóng lòng nhảy vào cuộc chiến ứng dụng OTT? 2

Thứ ba, Whatsapp là con gà đã có sẵn trứng vàng. Có một thực tế không thể phủ nhận, Whatsapp là ứng dụng trả phí giữ vị trí số 1 ở hơn 100 quốc gia và có lượng người dùng cực lớn ở nhiều quốc gia khác trên 750 mạng di động.

Whatsapp đang có sẵn mô hình kiếm tiền khi hãng thu phí 0,99 USD nếu người dùng không muốn phải xem quảng cáo khi dùng ứng dụng (trên Apple Appstore, Whatsapp có giá 0,99 USD). Ngoài ra, ứng dụng này còn có doanh thu từ việc hợp tác với các nhà mạng trên thế giới với các gói cước riêng cho ứng dụng. Ví như ở Hồng Kong, Whatsapp hợp tác với nhà mạng 3HK để thu phí khoảng 1,03 USD cho gói cước 1 tháng.

Theo một số nguồn tin không chính thức, doanh thu năm vừa rồi của Whatsapp là tận 100 triệu USD.

Quảng cáo là ngành kinh doanh lõi của Google. Vì thế, rất có thể gã khổng lồ tìm kiếm sẽ đưa Whatsap trở thành ứng dụng miễn phí để bán quảng cáo. Mặt khác, khi trở thành ứng dụng miễn phí, Whatsapp sẽ có cơ hội lớn hơn để tấn công các đối thủ lớn như WeChat, Line, Viber, qua đó giúp Google gặt hái thêm nhiều người dùng trên di động.

Thị trường ứng dụng di động đang ngày một nóng. Khi mà Facebook sẵn sàng chi 1 tỷ USD để thâu tóm Instagram và tự gọi mình là công ty di động, có động thái chặn website nội bộ để nhân viên buộc phải dùng ứng dụng di động,  Yahoo thì thâu tóm hàng loạt ứng dụng di động, đặt mục tiêu một nửa số lượng lập trình viên là nhân lực mảng di động. Gã khổng lồ Google sẽ không thể ngồi yên nhìn các đối thủ chiếm lĩnh mảnh đất di động màu mỡ, dù hãng đang sở hữu hệ điều hành số 1 thế giới Android.

Theo Nss