Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm tới việc ứng dụng CNTT để phục vụ người dân và doanh nghiệp nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Chỉ có 1/20 Bộ và 4/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt mức Khá về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, còn lại đều dừng ở mức Trung bình.
Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT vừa công bố Báo cáo Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2012. Đáng chú ý là hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa tiến triển.
Trong khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chỉ có Bộ TT&TT đạt mức Khá về ứng dụng CNTT phục vụ doanh nghiệp và người dân, trong khi những đơn vị khác có mối quan hệ mật thiết hơn với đời sống dân sinh lại chỉ đạt mức Trung bình. Điển hình như Bộ Giáo dục & Đào tạo đứng ở vị trí 10/20 Bộ và cơ quan ngang Bộ tham gia xếp hạng; Bộ Y tế đứng thứ 15/20 và Bộ Tài nguyên & Môi trường ở vị trí 18/20.
Ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 4 địa phương đạt mức Khá gồm: An Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. TP.HCM đứng ở nhóm có mức độ trung bình về ứng dụng CNTT, thậm chí còn thấp hơn Thừa Thiên – Huế, Bình Phước, Quảng Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Thọ. 5 địa phương cuối bảng xếp hạng về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp gồm Quảng Ninh, Đồng Tháp, Điện Biên, Tiền Giang, Sơn La.
Đánh giá riêng về xếp hạng website/portal, ở khối Bộ, ngành, có 2 Bộ đạt mức Tốt là Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng; 9 Bộ đạt mức khá, 11 Bộ đạt mức trung bình. Top 5 vị trí cuối bảng thuộc về Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Ở khối tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 10 địa phương đạt mức Tốt gồm Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước; 32 địa phương đạt mức Khá; còn lại là Trung bình. Top 5 cuối bảng gồm Bến Tre, Đồng Tháp, Điện Biên, Tiền Giang, Sơn La. Tuy nhiên, nếu xếp hạng website/portal theo số lần truy cập chia cho số dân thì top 5 địa phương đứng đầu là Đà Nẵng, Lào Cai, TP.HCM, Cà Mau, Thừa Thiên – Huế.
Xếp hạng riêng về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, top 5 đầu bảng xếp hạng của khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Còn 5 vị trí cuối bảng gồm: Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an.
Top 5 của khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm An Giang, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Phước. Và 5 vị trí cuối bảng gồm Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Đăk Nông, Sơn La.
Công tác khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan Nhà nước năm 2012 được thực hiện đối với 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mức độ triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước được đánh giá trên 5 nhóm tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Triển khai Ứng dụng CNTT; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT; Nhân lực và Đầu tư cho ứng dụng CNTT. Trong đó, Triển khai Ứng dụng CNTT được đánh giá theo 2 nhóm thành phần là Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT tổng thể: không có Bộ, cơ quan ngang Bộ nào đạt mức Tốt; ở khối các tỉnh, thành phố, chỉ có duy nhất Đà Nẵng đạt mức Tốt.
Danh sách các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo thống kê năm 2012:
– Bộ Công Thương có 3 dịch vụ gồm Cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất; Đăng ký website thương mại điện tử; Chứng thực số.
– Bộ Tài chính có 1 dịch vụ Kê khai thuế và nộp tờ khai trực tuyến.
– Thành phố Hà Nội có 1 dịch vụ Nộp thuế đất ở phường Khương Mai.
– TP.HCM có 4 dịch vụ gồm: Đăng ký chấp thuận họp báo; Cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Đăng ký chấp thuận tổ chức Hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài; Cấp phép Trang thông tin điện tử tổng hợp.
Theo ICTnews