10 lời khuyên cho người mới làm sếp

w620h405f1c1-files-articles-2015-1086735-manager3

Lần đầu tiên làm lãnh đạo là một trải nghiệm khó khăn nhưng đầy hào hứng. Một lãnh đạo mới thường đặt nhiều mong đợi đối với bản thân và tràn đầy mong muốn nhanh chóng tạo ra những tác động tích cực cho tổ chức.

Tuy nhiên, Debby Hopkins – CEO của quỹ đầu tư mại hiểm Citi khuyên các sếp trẻ cần nhớ điều quan trọng rằng: đây là vị trí mới và bạn sẽ phải học từ đầu. Trong bài viết trên tạp chí Fortune, Debby Hopkins đã chia sẻ 10 lời khuyên dành cho các cá nhân lần đầu tiên làm quản lý.

1. Tin vào bản thân

Bạn sẽ trải qua những ngày khó khăn và cảm thấy bản thân sẽ không thể nào thành công được. Khi đó, bạn hãy giữ sự tự tin về khả năng của bản thân mình. Bạn cần hiểu rằng bạn có được vị trí này vì bạn đã có những đóng góp rất lớn trong quá khứ. Chính điều đó đã đưa đến cho bạn một sứ mệnh khác, là trở thành một người lãnh đạo giỏi và công bằng.

2. Trao quyền

Những lãnh đạo mới thường sẽ có xu hướng giữ chặt vị trí quản lý của mình. Họ thường cho rằng chỉ làm tốt được mọi việc khi kiểm soát tất cả mọi thứ. Song, thực tế là bạn sẽ không đủ thời gian và sức lực để ôm hết mọi việc vào mình. Dấn quá sâu vào chi tiết thậm chí sẽ tạo ra nguy hiểm vì bạn không đủ thời gian để điều phối cho cả guồng máy chung. Vì vậy, trao quyền cho nhân viên là cách giúp bạn giải quyết các vấn đề.

Hãy tin tôi, tôi hiểu rõ cảm giác khó khăn thế nào khi chia sẻ quyền quyết định với nhân viên. Nhưng hãy nhớ, bạn đang không làm việc một mình. Đồng thời, khi ủy thác cho một ai đó thực hiện nhiệm vụ, bạn đừng bao giờ rút lại quyết định ủy thác khi họ làm chưa tốt. Thay vào đó, hãy cùng họ tìm ra những điểm yếu và sửa chữa chúng. Đó mới là cách giúp nhà quản lý gắn kết với nhân viên của mình.

3. Đặt câu hỏi

Hãy dành thời gian trao đổi một – một với nhân viên trực tiếp dưới quyền và hỏi họ rằng họ sẽ ưu tiên xử lý những công việc nào trước nếu ở vị trí của bạn. Thay vì giảng giải cho các nhân viên, hãy sử dụng các câu hỏi để hướng nhân viên cùng suy nghĩ đến bối cảnh công việc, các vấn đề, các giải pháp chung nên có… Điều này sẽ gia tăng sự tham gia của nhân viên vào công việc chung nhiều hơn.

4. Lắng nghe sâu

Hãy luyện tập lắng nghe sâu mà không xao nhãng hay cắt ngang dòng trình bày của người đối diện; luyện tập lắng nghe không định kiến để tiếp nhận những ý kiến khác biệt mà các thành viên trong nhóm chia sẻ với bạn.

Nếu lắng nghe tốt, bạn sẽ hiểu rõ được mong muốn thực sự của các thành viên trong nhóm. Từ đây, bạn có thể nhận biết các dấu hiệu xung đột có thể xảy ra trong nhóm và chuẩn bị để ứng phó với chúng.

5. Phân tích sâu phản hồi của khách hàng

Những ý tưởng tốt nhất thường đến thông qua trao đổi với nhân viên hoặc khách hàng. Hãy tìm cách gắn kết, lắng nghe sâu để có thể thiết kế các hoạt động, đưa ra những quyết định phản hồi phù hợp với các phản hồi đó.

6. Chấp nhận rằng bạn không biết hết mọi thứ

Nhiều lãnh đạo bị ám ảnh bởi cảm giác luôn luôn đúng. Đừng tự giả định rằng bạn biết hết mọi câu trả lời cho các vấn đề. Tôi đã học được rằng thu thập ý kiến từ các cộng sự là công cụ mạnh nhất để giải quyết các vấn đề chung.

Là một người lãnh đạo, kỹ năng quan trọng cần thiết là khả năng thu thập, kết nối các quan điểm để tìm ra được giải pháp phù hợp nhất.

7. Phát triển phong cách lãnh đạo riêng

Phát huy các thế mạnh đã đưa bạn đến vị trí này và xây dựng lối tiếp cận vấn đề của riêng bạn. Hãy thấu hiểu những nhân viên trực tiếp báo cáo với bạn – điều gì khơi dậy động lực cho họ, những cách hướng dẫn và phản hồi mà họ cần.

Bạn cũng cần chấp nhận sự thật là có nhiều nhân viên dưới quyền cố gắng để có thể thay thế vị trí của bạn. Đối với các nhân viên này, hãy trò chuyện với họ và cho họ biết rằng bạn vẫn rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ họ thành công.

8. Thường xuyên trao đổi

Nhân viên của bạn muốn nghe từ bạn. Đừng vì quá bị cuốn vào công việc mà quên mất việc chia sẻ các cập nhật trong tiến độ xử lý công việc chung.

Hãy xây dựng văn hóa chia sẻ trong văn phòng tại mỗi buổi họp chung. Hãy giúp các cộng sự của bạn hiểu rằng những đóng góp của họ được trân trọng như thế nào và dùng điều này như một cơ hội để lắng nghe những mong muốn từ các thành viên khác.

9. Xây dựng mục tiêu của bản thân

Xây dựng kế hoạch chi tiết cho 100 ngày đầu tiên với vị trí mới. Đây là cách rất tốt để bản thân có thể luyện tập thói quen trách nhiệm trong công việc.

10. Xây dựng mạng lưới đồng nghiệp mạnh mẽ

Gắn kết với tất cả các đồng nghiệp làm cùng tổ chức là điều bạn cần quan tâm. Hãy cố gắng bắt liên lạc với người tiền nhiệm, từng đảm trách vị trí của bạn. Tập trung vào xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa.

Những lời khuyên giá trị nhất và cả những ý tưởng mới thường đến từ những cá nhân bạn không hề ngờ tới được. Vì vậy, hãy mở lòng để trải nghiệm những điều này.

Theo DNSG.