Các MXH thật tuyệt vời nhưng cũng đáng sợ chẳng kém. Với một cập nhật Facebook/Twitter, bạn có thể đến với hàng ngàn người, xong bọn tội phạm cũng có thể sử dụng các công cụ đó để biến bạn thành nạn nhân của chúng. Làm sao để giảm thiểu nguy cơ này?
Bạn không thể hoàn toàn vô danh khi đang sử dụng các MXH, nhưng mỗi mạng có một số cài đặt bảo mật quan trọng thường bị bỏ qua. Bạn sẽ chỉ mất vài phút để thiết lập chúng và cải thiện đáng kể sự an toàn cho những dữ liệu được chia sẻ của mình.
Bài viết này đề cập đến 3 cài đặt bảo mật quan trọng bạn nên dùng trên Facebook, Twitter, Google+ và Instagram. Hãy bỏ ra 5 phút thiết lập các cài đặt lúc này để sau đó không bối rối hàng giờ vì mất ID tài khoản.
MXH này không chỉ cách mạng hóa cách chúng ta giao tiếp mà còn sinh ra những băn khoăn “rất Facebook”: không biết có ai trong gia đình (hay thậm chí là người phỏng vấn ở nơi bạn xin việc) đã nhận thấy video “nhí nhố” hồi Giáng sinh vài năm trước mà một người bạn đã tag bạn trên Facebook hay chưa?
Giới hạn những người có thể tìm thấy bạn: Bạn sẽ hết lo lắng và chắc chắn rằng, sẽ ít người xem được hồ sơ Facebook của mình bằng cách nhấn vào biểu tượng bánh răng màu xanh ở góc trên bên phải của website Facebook > Thiết lập Quyền riêng tư. Tại đây, bạn có thể làm cho những người lạ khó khăn hơn trong việc tìm ra hồ sơ Facebook của mình (bằng cách ngăn không cho các công cụ tìm kiếm liên kết đến hồ sơ, hạn chế những người có thể tìm kiếm hồ sơ bằng cách sử dụng địa chỉ email/số điện thoại mà bạn đã cung cấp cho Facebook).
Hạn chế truy cập đến Bạn Bè đảm bảo rằng, chỉ những người mà bạn đã kết nối mới có thể tìm kiếm bạn bằng cách sử dụng địa chỉ email/số điện thoại. Nhưng do không nhiều người tìm kiếm Facebook theo cách này (trừ khi họ đang tìm kiếm để liên lạc với một người cụ thể nào đó), tốt nhất bạn nên cấp quyền truy cập tra cứu cho Bạn của bạn bè. Bằng cách đó, bạn có thể mở rộng quan hệ trên mạng xã hội Facebook bằng cách kết nối với những người mà bạn bè của bạn tin tưởng.
Facebook có menu Thiết lập quyền riêng tư và công cụ mà bạn có thể sử dụng để hạn chế khả năng tìm thấy bạn của những người khác, làm cho các bài viết trong quá khứ trở thành riêng tư,…
Ngừng đăng bài trong chế độ công khai: Bước phải làm tiếp theo trong menu Thiết lập quyền riêng tư và công cụ là phần “Ai có thể thấy nội dung của tôi?”. Hãy chắc chắn rằng, tùy chọn “Ai có thể xem các bài đăng sau này của bạn?” được đặt là Bạn Bè.
Facebook cho phép bạn thay đổi khả năng hiển thị nội dung trên cơ sở từng bài đăng. Ví dụ, bạn có thể tạo ra các cập nhật trạng thái được công bố công khai hoặc chỉ vài người cụ thể có thể nhìn thấy. Nhưng sự lựa chọn thông minh nhất là chỉ hiển thị bài đăng cho bạn bè (theo mặc định), giảm thiểu nguy cơ một bức ảnh “hớ hênh” nào đó có thể khiến bạn bị “quê”.
Bạn có thể cá nhân hóa hồ sơ Facebook của mình bằng cách truy cập liên kết Giới hạn bài đăng trước đây và nhấp vào nút Giới hạn bài viết cũ để đảm bảo rằng, tất cả các nội dung mà bạn đã chia sẻ sẽ trở thành riêng tư chỉ với bạn bè của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng tag ai đó trong một cập nhật Facebook, nội dung được tag của bạn sẽ hiển thị trên Dòng thời gian (Timeline) của người đó, và do đó sẽ được hiển thị theo các thiết lập Thiết lập Quyền riêng tư của họ.
Khóa Timeline lại: Cuối cùng, hãy tinh chỉnh Timeline Review của Facebook để bảo vệ chống lại mối đe dọa từ những bức ảnh/video đáng xấu hổ xuất hiện trong Timeline của mình mà bạn không biết.
Hãy tới menu Thiết lập Timeline và đánh dấu, bạn có thể tìm thấy các menu cài đặt khác ở phía bên trái của màn hình. Trong cửa sổ Thiết lập dòng thời gian và đánh dấu, cuộn xuống và bật tùy chọn có tiêu đề “Xem lại bài viết mà bạn bè đã tag bạn vào đó trước khi hiện lên tiến trình của bạn?” thành Bật.
3 thay đổi đơn giản mô tả ở trên sẽ cải thiện sự riêng tư trên Facebook, nhưng còn một loạt cài đặt bảo mật hữu ích khác nằm rải rác trong các menu Account Settings của Facebook. Hãy dành thời gian để đọc hết chúng. Facebook là một trong những mạng xã hội lớn nhất hành tinh, và việc biết cách kiểm soát thông tin của mình là một điều tối quan trọng.
Vì Twitter là dịch vụ để trao đổi hình ảnh, video và các mẩu text ngắn, bạn sẽ không có nhiều cơ hội để vô tình chia sẻ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, do bạn phải chịu trách nhiệm với những dữ liệu mình cung cấp, Twitter vẫn có một vài rò rỉ bảo mật tiềm năng mà bạn có thể nhanh chóng “bịt kín”.
Đừng liên kết Twitter với Facebook: Đầu tiên, bạn nên bỏ liên kết từ Facebook (và các MXH khác) với tài khoản Twitter. Không chỉ nguy hiểm vì tên đăng nhập Twitter xuất hiện trong Timeline của Facebook, nó cũng thực sự gây phiền nhiễu cho bạn bè Facebook của bạn.
Trừ khi bạn muốn truyền bá thông tin trên nhiều MXH cùng một lúc, hãy giữ tài khoản Twitter của mình tách biệt với những nền tảng phương tiện truyền thông xã hội khác. Để làm điều đó, chỉ cần đăng nhập vào Twitter > nhấp vào biểu tượng bánh răng màu xám ở góc trên bên phải của màn hình > chọn Settings > Profile. Cuộn xuống đến phần Facebook, và bạn sẽ thấy tùy chọn để ngắt kết nối tài khoản Facebook với Twitter.
Có thể tắt việc tag vị trí (geotagging), xóa bất kỳ dữ liệu định vị nào bạn đã vô tình chia sẻ từ bên trong menu Settings của Twitter.
Tắt việc tag vị trí (geotagging): Thứ hai, tắt hệ thống geotagging của Twitter để đảm bảo rằng, trong mỗi cập nhật Twitter (tweet) sẽ không bao gồm vị trí của bạn. Dù geotagging giúp bạn nhớ về nơi viết tweet ấy nhưng nó cũng tạo ra bản ghi công khai về những vị trí địa lý bạn đã từng qua trong thời gian thực, khiến bọn bất lương dễ dàng theo dõi các chuyển động của bạn và sử dụng dữ liệu đó cho cái ác.
Theo mặc định, Twitter vô hiệu hóa việc chia sẻ vị trí nhưng bạn vẫn nên kiểm tra lại tình trạng này. Từ trang chủ tài khoản Twiter, bạn nhấp vào biểu tượng bánh răng màu xám ở góc trên bên phải của màn hình > chọn Settings > Account, bỏ chọn ở hộp kiểm Add a location to my Tweets và nhấp vào nút Delete all location information.
Hãy “đi vào bí mật”: Cuối cùng, hãy thiết lập để hồ sơ Twitter trở nên riêng tư hơn. Chọn menu Settings > Account như trên rồi đánh dấu vào hộp kiểm cạnh nhãn Protect my tweets để đảm bảo rằng, các tweet của bạn sẽ không hiển thị công khai. Cài đặt này dành cho bạn sự kiểm soát lớn hơn đối với các tweet của mình vì, những người “theo” (follower) của bạn không thể đăng lại (retweet) và những người “theo” mới phải yêu cầu sự đồng ý của bạn trước khi Twitter cho phép họ bắt đầu “theo” bạn
Google+
Dịch vụ này tích hợp quyền chia sẻ có chọn lọc, buộc bạn phải dừng lại và suy nghĩ về những gì mình đang chia sẻ mỗi khi đăng một cập nhật. Có được điều này là nhờ tính năng Vòng kết nối (Circles) của Google+. Ví dụ, Vòng kết nối này chỉ bao gồm các thành viên trong gia đình, trong khi Vòng kết nối khác chỉ dành cho đồng nghiệp. Điểm mấu chốt là bạn sẽ xác định được chính xác, Vòng kết nối nào sẽ xem được những cập nhật cụ thể nào.
Vòng kết nối là một cách tiếp cận thông minh để kiểm soát sự riêng tư, nhưng Google+ vẫn còn có một vài vấn đề tiềm năng khác.
Hạn chế những người có thể tìm thấy bạn: Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy loại bỏ việc Tiểu sử Google+ của bạn được liệt kê trong kết quả tìm kiếm của Google. Đó là cách đơn giản nhất để tăng sự riêng tư, và ngay lập tức làm giảm số lượng tài khoản giả thêm bạn vào Vòng kết nối của họ rồi gửi thư rác kèm quảng cáo tới hộp thư của bạn. Để làm điều đó, chỉ cần đăng nhập vào Google+ > nhấp vào biểu tượng bánh răng màu xám ở góc trên bên phải của màn hình > chọn Cài đặt > Tài khoản, sau đó cuộn xuống phần Tiểu sử và bỏ chọn ở hộp kiểm cạnh nhãn Giúp những người khác khám phá tiểu sử của tôi trong kết quả tìm kiếm.
Nhanh chóng kiểm tra Tiểu sử Google+. Bạn có thể dùng menu Hạn chế ở góc trên bên phải của mỗi cập nhật để thiết lập mức độ riêng tư.
Khóa Tiểu sử lại: Google+ cho phép bạn gán mức độ riêng tư cho từng phần dữ liệu trên Tiểu sử của mình. Để làm điều đó, hãy vào Cài đặt như trên, sau đó chọn menu Tiểu sử và bảo mật > nhấp vào nút Chỉnh sửa hiển thị trên tiểu sử rồi làm theo hướng dẫn của Google+
Vô hiệu hoá việc tag ảnh: Tiếp theo, cuộn xuống phần Ảnh. Hãy bỏ chọn đối với các tùy chọn cho phép Google hiển thị dữ liệu vị trí địa lý trong các hình ảnh của bạn. Bạn cũng nên xác nhận rằng, chỉ những Vòng kết nối đáng tin cậy nhất của mình mới có thể tag bạn trong bài viết của họ.
Nhiều người dùng Instagram – dịch vụ chia sẻ hình ảnh chú trọng vào di động mà Facebook đã mua lại – để chia sẻ ảnh chụp cuộc sống hàng ngày của họ. Vậy họ nên làm gì để được an toàn hơn?
Hãy “đi vào bí mật”: Ngoài xem ảnh, bạn không thể làm gì nhiều trên Instagram nên để việc chia sẻ được an toàn, hãy mở ứng dụng Instagram rồi chạm vào biểu tượng bánh răng màu xanh ở góc trên bên phải của màn hình > menu Account Settings. Hãy làm cho tài khoản Instagram thành cá nhân bằng cách bật tùy chọn Photos Are Private sang On. Như trên Twitter, cài đặt này sẽ giữ cho các cập nhật Instagram không hiển thị công khai, và sẽ yêu cầu bạn chấp thuận cho những người theo mới trước khi họ có thể xem ảnh của bạn.
Có thể chuyển đổi hồ sơ Instagram thành cá nhân trong ứng dụng di động và hủy cấp phép, không cho các ứng dụng của bên thứ ba truy cập vào Instagram từ website.
Hạn chế việc chia sẻ tự động trên Facebook: Tiếp theo, mở menu Share Settings và xác nhận rằng, mọi thứ phải được sự chấp thuận của bạn. Đặc biệt chú ý các thiết lập chia sẻ Facebook: tắt hoàn toàn việc chia sẻ hình ảnh tự động.
Nếu bạn muốn tiếp tục đăng ảnh Instagram lên Facebook, hãy thiết lập để các bài viết đó tự động trở thành riêng tư bằng cách đăng nhập vào Facebook > menu App Settings > tìm tới phần Instagram > chọn Edit > chọn mức độ riêng tư ưa thích từ menu thả xuống cạnh nhãn “Visibility of app and posts”.
Kiểm tra các ứng dụng được ủy quyền: Cuối cùng, hãy xem những ứng dụng, dịch vụ nào có thể truy cập vào tài khoản Instagram của bạn. Nếu muốn vô hiệu hóa truy cập của chúng vào tài khoản Instagram, hãy đăng nhập thông qua website Instagram > truy cập phần Application Authorization của trang Account Settings. Ở đây, bạn sẽ thấy danh sách tất cả ứng dụng hiện đang truy cập vào tài khoản Instagram. Bạn có thể thu hồi quyền truy cập của từng ứng dụng bằng cách nhấn vào nút Revoke Access màu xanh ở góc trên bên phải mỗi ứng dụng.
Theo XHTT