13 lý do khiến doanh nghiệp mất tiền oan

Bạn có thể trở nên giàu có hơn mà không phải mạo hiểm đầu tư, cắt giảm chi tiêu hay nhận thêm việc. Làm cách nào ư? Rất đơn giản: giữ tiền của bạn, không để nó thất thoát một cách dễ dàng và vô tội vạ vào 13 lỗ hổng tài chính sau.

35829_9__57839_578_3003073
1. Điểm tín dụng

“Tôi chỉ theo dõi điểm tín dụng của mình nửa năm một lần và không có biện pháp chủ động nâng nó lên. Tôi nghĩ là ngân hàng đã tính thì chẳng sai được”.

Thế nhưng, theo CBS News, có tới 40 triệu người Mỹ bị chấm điểm tín dụng sai, trong đó, phân nửa số trường hợp bị mất oan một số điểm lớn, đôi khi lên đến 50 điểm.

Do vậy, ngay cả khi bạn luôn thanh toán các hoá đơn đúng hạn thì bạn vẫn có thể bị cho điểm thấp và thiệt hại tới hàng ngàn đô la mỗi năm.

Trong khi đó, chỉ cần tăng điểm tín dụng thêm 50-100 điểm (rất dễ và nhanh) là bạn đã huy động được số vốn đáng kể với mức lãi suất thấp, giảm được phí bảo hiểm và thậm chí tiết kiệm được phí chuyển nhượng khi mua nhà (chênh 1 điểm – chẳng hạn như được 719 chứ không phải 720 – có thể làm bạn mất 4.500 USD vì không đủ điểm để vay theo mức lãi suất truyền thống mà phải vay với lãi suất cao).

2. Không phải khoản chi nào cũng như nhau

“Tôi không phân biệt được đâu là khoản chi có lợi, đâu là khoản chi tiêu dùng và đâu là khoản chi vô bổ”.

“Chi tiền” là từ mà nhiều người cảm thấy không thích và thậm chí muốn tránh né. Thế nhưng, việc hạn chế chi tiêu quá mức sẽ  hưởng đến chất lượng cuộc sống và kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp bạn.

Thực ra, bạn chỉ nên loại bỏ những khoản chi tiêu vô bổ. Thấu chi tài khoản, sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm những thứ linh tinh mà bạn chẳng bao giờ dùng đến là những hành động cần chấm dứt triệt để.

Còn những khoản chi hiệu quả, chất lượng như chi để giữ người tài, mua thiết bị cần thiết hay tổ chức những chiến dịch marketing thông minh… rất nên giữ vì đó là cách để bạn gia tăng lợi nhuận, làm tiền đẻ ra tiền.

Nếu bạn chi 1 USD cho một hoạt động hiệu quả mà thu về 2 USD thì chẳng có lý gì mà không vét đến đồng xu cuối cùng để đầu tư.

Ngoài ra, những khoản chi tiêu dùng cũng rất quan trọng. Bỏ tiền ra để đi nghỉ mát, ăn tiệm hay tận hưởng những khoảng thời gian tuyệt vời bên gia đình sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần, sức lực để tiếp tục “chiến đấu”. Lời khuyên duy nhất ở đây là bạn phải quản lý những khoản chi tiêu dùng thật tốt và điều này thường đồng nghĩa với việc trả bằng tiền mặt chứ không phải thẻ tín dụng.

3. Cố vấn đầu tư

“Tôi làm theo lời khuyên của các cố vấn đầu tư. Họ được trả lương dưới dạng hoa hồng doanh thu”.

Trên thế giới có hai kiểu tư vấn đầu tư nổi bật là tư vấn quỹ hưu trí và tư vấn tài chính. Với nhà tư vấn quỹ hưu trí thì mục tiêu hàng đầu là kiểm soát tài sản, giữ cho chúng không bị thất thoát. Họ sẽ luôn khuyên bạn đầu tư vào quỹ hưu trí ngay cả khi bức tranh tổng thể có những khuyến nghị khác.

Chẳng hạn, nếu bạn có một khoản đầu tư nhưng lợi nhuận từ khoản đầu tư đấy thấp hơn mức lãi vay mà bạn phải trả thì cách khôn ngoan hơn là trả hết tiền vay rồi hẵng rót thêm tiền vào khoản đầu tư. Thậm chí, bạn có thể rút hết khoản đầu tư về để trả nợ.

Còn nhà tư vấn tài chính thì hiếm khi lo xa như thế. Họ lúc nào cũng chỉ khuyên bạn bỏ thêm tiền ra đầu tư, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải rút ruột công ty hoặc vay với lãi suất cao để đặt cược vào một khoản đầu tư xa lạ và có thể không sinh lãi.

4. Thuế

“Tôi chỉ gặp người kê khai thuế cho mình 1-2 lần/năm là cùng”

Có tới 93% chủ doanh nghiệp đóng thuế quá nhiều và nguyên nhân hàng đầu là vì họ không gặp người kê khai thuế một cách thường xuyên.

Từ tháng 1 đến tháng 4 là thời gian bận bịu nhất của những người kê khai thuế. Lúc đó, họ có cả đống tờ khai phải điền và không còn hơi sức đâu để nghĩ ra đường đi nước bước cho bạn. Nếu bạn không chuẩn bị kế hoạch kê khai thuế trước tháng 1 thì còn tệ nữa. Họ chỉ còn cách hoãn việc nộp thuế của bạn (điều này đồng nghĩa với việc bạn phải trả thuế nhiều hơn nếu mức thuế tăng lên hoặc nếu doanh thu của bạn cao hơn).

Bạn nên gặp người kê khai thuế vào khoảng từ giữa tháng 4 đến tháng 12, như thế họ mới có nhiều thời gian để phục vụ bạn tốt hơn, giúp bạn tận dụng mọi cơ hội để được miễn giảm thuế, tối đa hóa lợi nhuận.

5. Cơ cấu doanh nghiệp

“Trong 3 năm qua tôi chưa đánh giá lại cấu trúc của doanh nghiệp mình với sự trợ giúp những nhà tư vấn có chuyên môn về thuế và luật”.

Thường thì chủ doanh nghiệp rất ngại tái cơ cấu vì họ sợ quy trình quá phức tạp và bản thân kế toán của họ cũng sẽ phản đối. Nhưng nếu không sắp xếp, hợp lý hóa lại thì doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nhiều món nợ và nhiều tiền thuế hơn.

Vì thế, dù kế toán có thế không ủng hộ (vì tái cơ cấu doanh nghiệp nằm ngoài chuyên môn của họ), bạn vẫn nên gặp một chuyên gia có hiểu biết sâu về tái cơ cấu doanh nghiệp ít nhất ba năm một lần để có thể tiết giảm chi tiêu một cách hợp lý và tranh thủ những khoản khấu trừ thuế.

6. Các khoản vay của doanh nghiệp

“Tôi có nhiều khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh bị quá hạn”.

Hầu hết các doanh nghiệp phung phí lợi nhuận của mình cho những khoản vay và kế hoạch trả nợ không hợp lý.

Muốn tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thuế, tạo nguồn tiền mặt, biến cái được gọi là nợ thành tài sản hữu ích, doanh nghiệp phải có kế hoạch quản lý các khoản vay thật bài bản. Điều này đặc biệt đúng khi bạn phải vay tiền vào thời điểm lưu lượng tiền mặt bị thiếu hụt, điểm tín dụng thấp và không đủ tài sản để thế chấp. Ngoài ra, đôi khi bạn sẽ phải hợp nhất các khoản vay để giảm mức lãi suất, giảm mức tối thiểu phải trả và tăng lưu lượng tiền mặt.

7. Các khoản vay cá nhân

“Tôi đang gánh một hoặc hơn một món nợ. Ví dụ: tiền nợ mua xe, nợ thẻ tín dụng, thế chấp nhà hoặc văn phòng”.

Khi bạn có nhiều tài sản phải vay nợ, mức lãi bạn phải trả sẽ tùy thuộc vào từng loại tài sản. Bằng cách tái tài trợ và gộp các khoản vay lại, bạn sẽ dễ giảm được mức lãi và kéo dài thời hạn được vay, từ đó giảm được mức trả góp hàng tháng và tăng lưu lượng tiền mặt.

Và nếu bạn lấy một khoản vay không được khấu trừ thuế vào tiền lãi, tái tài trợ nó thành một khoản vay được khấu trừ thuế giống như một món thế chấp thì bạn còn lãi nữa.

8. Tiền trả góp hàng tháng

“Tôi thường trả nhiều hơn mức tối thiểu hàng tháng cho nhiều hơn một hạn mức tín dụng (cá nhân hoặc của công ty)”.

Có một trường hợp rất phổ biến là khi có nhiều khoản vay, người ta sẽ cố gắng hoàn trả tất cả cùng một lúc hoặc trả nhiều hơn mức tối thiểu cho những khoản tới hạn.

Nhưng với tư cách là chủ doanh nghiệp, điều quan trọng bạn phải làm là giải phóng dòng tiền thật nhanh. Vì thế, thay vì chọn trả nhiều khoản vay cùng lúc, hãy tập trung một cách có định hướng vào một khoản vay để trả hết trước.

Có định hướng ở đây có nghĩa là bạn chọn khoản vay nào kém hiệu quả nhất và có thể trả nhanh nhất. Như thế, bạn sẽ cải thiện được tỷ lệ giữa nợ với thu nhập, tăng dòng tiền và nâng điểm tín dụng của mình để đủ điều kiện được hưởng mức lãi suất thấp cho tất cả các khoản vay khác.

9. Đầu tư

“Tôi có tiền nhờ những khoản đầu tư mà tôi không qua trường lớp quản lý nào như chứng khoán, quỹ tương hỗ, bất động sản mang lại thu nhập”.

Nếu bạn không biết mình kiếm được lợi nhuận bằng cách nào thì ai là người biết? Làm sao bạn có thể chắc chắn rằng họ không chỉ chuyển nhượng khoản đầu tư của bạn và hưởng hoa hồng từ đó? Nếu bạn không biết mức phí là bao nhiêu, lợi ích trước mắt và lâu dài là gì, cách rút lui là như thế nào, làm sao biến nó thành thành dòng tiền… thì việc này giống đánh bạc hơn là đầu tư.

Cách hay nhất để đầu tư là chọn lĩnh vực gần để có thể tranh thủ trực giác, óc phán đoán. Nói cách khác, bạn chỉ nên đầu tư vào những gì biết rõ, còn nếu không, rủi ro sẽ rất lớn.

10. Chia sẻ với nhân viên

“Tôi có cơ chế chia sẻ lợi nhuận/phúc lợi với nhân viên”.

Câu hỏi đầu tiên mà bạn phải hỏi bản thân là liệu rằng việc chia sẻ đó có đúng là vì lợi ích của nhân viên hay chỉ vì bạn cho rằng đó là cách để giảm thuế. Nếu ý định của bạn không phải là vì lợi ích nhân viên thì thực chất bạn đang tăng chi phí của mình dưới danh nghĩa của việc giảm thuế.

Điều đáng sợ nhất của cơ chế chia sẻ lợi nhuận là khi làm ăn sa sút, bạn vẫn phải tìm cách rót thêm tiền để đảm bảo phúc lợi của nhân viên trong tương lai. Đó là cả một vấn đề.

Nếu bạn có cơ chế chia sẻ như thế, xin chúc mừng bạn vì đã chủ động tìm cách tiết giảm thuế (thực ra là hoãn để trả sau) nhưng có lẽ đã đến lúc phải cao chạy xa bay khỏi cơ chế đó bởi nó có quá nhiều vấn đề đáng sợ.

11. Kế hoạch đầu tư cho hưu trí

“Tôi và vợ đóng tiền cho quỹ hưu trí bổ sung”.

Quỹ hưu trí bổ sung ở Mỹ, còn gọi Quỹ 401(k), là quỹ mà chủ doanh nghiệp mở ra và mỗi tháng trích một phần lương chưa đóng thuế của người lao động đưa vào đó. Người chủ lao động có thể hỗ trợ thêm cho quỹ này. Khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ được nhận tiền lương hưu từ quỹ này. Đây là cách mà nhiều người sử dụng để có một khoản tiết kiệm không phải đóng thuế. Tuy nhiên, đôi khi số tiền tiết kiệm được chưa chắc đã bù đắp nổi cho những phí tổn phát sinh.

Cụ thể là lúc này bạn chưa phải đóng thuế mà chờ đến khi rút tiền mới phải đóng. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy thuế chỉ có đi lên chứ không đi xuống. Nếu bạn ngại đóng thuế ngày hôm nay thì tương lai bạn sẽ còn ngại hơn nữa.

Có một quỹ 401(k) giống như bạn có một đống bát đĩa trong chậu rửa và bạn chuyển chúng sang một chiếc chậu khác để người ta (cơ quan thuế) không thấy, nhưng rồi kiểu gì bạn cũng phải lôi chúng ra để rửa. Bạn càng để lâu thì nó càng bừa bộn, càng đóng rêu mốc và bốc mùi.

12. Tiết kiệm

“Tôi tiết kiệm đủ tiền để có cuộc sống tốt hơn hoặc để thực hiện một mơ ước đã ấp ủ từ lâu – như một kỳ nghỉ đặc biệt, một chiếc xe hơi hay một bộ sưu tập – nhưng tôi vẫn đang gác những việc đó lại cho đến khi tôi nghỉ hưu hoặc gần đến tuổi đó”.

Là một doanh nhân, bạn chính là món tài sán lớn nhất của mình. Khả năng làm việc hiệu quả sẽ đem về cho bạn những thành quả tuyệt vời nhất. Nhưng nếu bạn không dành thời gian để tận hưởng cuộc sống, bạn sẽ giống như một chú chuột chạy bánh xe, lúc nào cũng tìm cách tiến tới phía trước nhưng cuối cùng lại rơi vào trạng thái “năng suất cận biên giảm dần”, hay nói đơn giản hơn là bạn không thể đạt được năng suất tối đa của mình.

Nếu bạn dành thời gian cho những chuyến đi nghỉ khi còn đương nhiệm thay vì đợi đến lúc nghỉ hưu, bạn sẽ tận hưởng những gì mà cuộc sống đem lại và khiến nhân viên của mình biết tự vận động và học cách làm việc mà không có bạn. Việc trao quyền cho họ như thế vừa giúp cải thiện kết quả kinh doanh vừa cho phép bạn tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.

13. Ngọn lửa đam mê lụi tàn

“Tôi mất đi niềm đam mê hoặc phương hướng, mục đích với công việc của mình”.

Nhiều chủ doanh nghiệp mất đi niềm đam mê vì họ có quá nhiều thứ ngoài lề phải lo và không còn nhiều thời gian để tập trung vào những công việc truyền cảm hứng cho họ nữa.

Vì thế, nếu bạn có một đội ngũ và một cơ sở hạ tầng vững chắc để hỗ trợ bạn làm những việc mà bạn thích làm và làm giỏi, chắc chắn bạn sẽ lại tràn đầy năng lượng, tràn đầy đam mê để gặt hái những kết quả tốt hơn.

Hãy nhớ rằng bạn là tài sản của doanh nghiệp, nếu bạn tự vắt kiệt niềm đam mê của mình thì bạn sẽ không còn đủ sức để vượt qua những trở ngại mà doanh nhân nào cũng phải đối mặt và điều này sẽ chỉ gây tổn thất cho bạn về mặt tài chính.

Bạn càng cẩn thận và cảnh giác bao nhiêu thì bạn càng kiếm được nhiều tiền bấy nhiêu dù tổng doanh thu của bạn không tăng lên dù chỉ một đô la. Suy cho cùng, đó là tiền của bạn, chẳng có lý do gì mà bạn không giữ lấy.

Theo Hoclamgiau.