Phát triển kinh doanh, mở rộng sang các thị trường mới là một việc đại sự của doanh nghiệp và họ cần huy động sự trợ giúp tối đa của các nhà cung cấp, tư vấn để thành công. Tuy nhiên, với doanh nghiệp mới, việc tìm được những nhà cung cấp phù hợp là một công việc vô cùng khó khăn, vất vả. Làm sao doanh nghiệp biết nhà cung cấp nào là phù hợp với họ?
Hợp tác với những người khác đi đôi với tạo dựng mối quan hệ và quá trình tuyển chọn nhà cung cấp mới nên tập trung tìm kiếm những người có thể “chiều lòng” cả ban lãnh đạo lẫn đội ngũ nhân viên và mong muốn được hợp tác lâu dài.
Sau đây là một số hướng dẫn giúp bạn chọn được những nhà cung cấp lý tưởng cho doanh nghiệp:
1. Tận dụng các mối quan hệ
Sử dụng các mối quan hệ là cách hay để doanh nghiệp tìm kiếm được nhân tài, nguồn lực, khách hàng mới và xác định những nhà cung cấp phù hợp.
Doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nhà cung ứng tốt nhất qua bạn bè, người thân giới thiệu. Họ cũng có thể xem những người khác đánh giá như thế nào về một nhà cung cấp tiềm năng trước khi đi sâu tìm hiểu xem người đó có phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình không.
Tóm lại, những nhà cung cấp do bạn bè, người thân giới thiệu sẽ là xuất phát điểm cho bạn, dù rằng mỗi công ty có thể có những nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng, bạn vẫn phải điều tra thật kỹ về nhà cung cấp để chắc chắn rằng họ đáp ứng đúng yêu cầu mà mình đặt ra.
2. Tránh những nhà cung ứng chỉ biết đến lợi ích của mình
Để hợp tác thành công, nhà cung cấp phải hiểu và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi đặc thù của khách hàng. Thật là tai hoạ khi nhà cung cấp nói hay, làm dở và hám lợi.
Muốn loại bỏ những nhà cung cấp không phù hợp, doanh nghiệp phải nói thật rõ nhu cầu và kỳ vọng của mình, đồng thời giải thích cho nhà cung cấp hiểu về ngành, về mục tiêu và chỗ đứng của doanh nghiệp. Nếu nhà cung cấp không phải là người quan tâm đến doanh nghiệp hoặc muốn lái doanh nghiệp theo khuôn mẫu của mình, họ sẽ không thể nào đưa ra được những giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, với những nhà tư vấn tốt, họ sẽ lắng nghe doanh nghiệp trình bày, cố gắng hiểu quan điểm của doanh nghiệp và có những lời khuyên miễn phí trước khi ký hợp đồng.
3. Đánh giá mức độ cởi mở trong giao tiếp
Giao tiếp là một phần tối quan trọng của bất kỳ mối quan hệ nào và doanh nghiệp không nên phải gồng mình lên để có thể giao tiếp thường xuyên và cởi mở với các đối tác của họ.
Ở giai đoạn tìm hiểu, làm quen, những người bán hàng “khó nói chuyện” thường “lặn mất tăm” khi có việc gì đó quan trọng cần phải giải quyết. Phải chờ nhiều ngày để họ trả lời thư hoặc điện thoại là một dấu hiệu không hay chút nào.
Tương tự, những nhà cung cấp dịch vụ luôn trả lời lòng vòng trước những câu hỏi khó, không đi thẳng vào vấn đề hoặc tỏ ra mập mờ thì bạn khó có thể hy vọng nhận được một lời giải đáp thoả đáng nào của họ sau này.
Với những nhà tư vấn cũng thế, người đáng tin cậy sẽ không bỏ qua bất cứ câu hỏi nào của khách hàng.
4. Mua hàng có chọn lọc
Mua hàng có chọn lọc là bạn phải so sánh chất lượng, dịch vụ của các nhà cung cấp với nhau. Nó khác với mặc cả, so sánh giá. Giá cả có thể thương lượng nhưng chất lượng thì không. Vì thế, ngay từ đầu, bạn phải nói rõ yêu cầu về chất lượng và ngân sách của mình.
Khi so sánh các nhà cung ứng và dịch vụ của họ, hãy chọn những đối tượng đừng quá chênh lệch nhau và nên cho các ứng viên tiềm năng biết rằng các công ty khác cũng đang được cân nhắc. Khi đã sàng lọc được 2-3 nhà cung cấp, hãy yêu cầu họ trình bày những ưu điểm vượt trội của họ so với đối thủ và lý do tại sao bạn nên chọn họ. Câu trả lời sẽ giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng.
5. Tin vào trực giác của mình
Khi chọn một nhà cung cấp, chủ doanh nghiệp cũng nên tin tưởng vào những phán đoán mà họ đã từng sử dụng để đưa doanh nghiệp của mình đến được với thành công ngày hôm nay. Suy cho cùng, người lãnh đạo sẽ phải ý thức rất rõ về doanh nghiệp của họ, biết ai sẽ phù hợp và mối quan hệ nào sẽ có lợi nhất.
Bằng mọi giá, đừng hợp tác với những nhà cung cấp có vẻ lạnh lùng, khó ưa, hay bất mãn. Chỉ cần thấy việc tạo dựng quan hệ hơi căng hoặc không khả thi thì hãy dừng lại và chuyển hướng sang một doanh nghiệp khác dễ chịu hơn.
Theo Hoclamgiau.