Con đường xây dựng doanh nghiệp luôn có những sai lầm rình rập. Một bước đi sai lầm, một đối tác hoặc một bản hợp đồng sai sẽ khiến mọi thứ đổ sập xuống ngay trước mắt bạn. Nếu bạn sa vào một trong những cái bẫy này thì chúng sẽ đặt dấu chấm hết cho công ty bạn.
Khi bạn đặt tất cả mọi thứ mình có vào công ty, bạn nên để ý danh sách 5 sai lầm phổ biến mà các doanh nhân thường gặp phải sau đây và cách tránh xa chúng.
Chọn sai đối tác
Mặc dù mở công ty cùng với một người bạn thân có vẻ là một ý kiến hay, nhưng bạn phải cân nhắc cả trình độ của người đó. Họ phải có cùng niềm đam mê với ý tưởng của bạn, nhưng nếu họ không có ý tưởng gì về việc điều hành một công ty hoặc thường xuyên không giải quyết được vấn đề tiền bạc của chính họ, thì bạn không nên đầu tư vốn hoặc thời gian với họ để mở công ty. Mặt khác, nếu bạn tìm được một đối tác tiềm năng có tất cả các kỹ năng kinh doanh nhưng bạn không thể hòa hợp với họ, thì bạn cũng nên tránh cộng tác, vì sự đối đầu sẽ không thể giúp công ty của bạn cất cánh được. Bạn cần tìm ai đó có cả các kỹ năng và tính cách phù hợp.
Mất tầm nhìn với thị trường của bạn
Mặc dù sự thật là thị trường của bạn càng lớn thì việc bán hàng của bạn càng trở nên tốt hơn, đơn giản là vì quy luật trung bình, nhưng nếu bạn cố gắng thỏa mãn mọi người, bạn sẽ mất tất cả mọi người. Nếu một sản phẩm quá tổng quát và bạn không thể giới hạn được đối tượng để bán, bạn sẽ không biết phải chào hàng với ai. Tương tự như vậy, chào hàng với công chúng nói chung cũng lấy đi ý thức về nhu cầu cá nhân mà sản phẩm được chào bán cung cấp. Biết bạn bán hàng cho ai sẽ giúp bạn đạt được thành công tối ưu.
Không biết cách dự thảo ngân sách
Nếu bạn hết tiền ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình khởi nghiệp, thì đó là một tín hiệu rõ ràng cho thấy tương lai tài chính cũng không mấy sáng sủa. Một người chủ doanh nghiệp sẽ phải biết cách sắp đặt ngân sách từ ngày đầu và tìm cách sinh sôi tiền bạc của họ. Họ cũng nhận ra rằng bạn luôn cần có khoản dự phòng tài chính vì tình huống khẩn cấp có thể xảy bất ngờ, và nếu bạn không có tiền trong tài khoản để rút ra, thì mọi cánh cửa sẽ đóng sập với bạn.
Không giữ liên lạc với các khách hàng
Nếu bạn không tập hợp các thông tin phản hồi từ khách hàng, nhất là trong giai đoạn đầu của công ty, bạn sẽ không biết cái nào hiệu quả và cái nào không hiệu quả với bạn. Nếu doanh số bán hàng giảm và bạn không biết lý do tại sao, bạn sẽ phải mất thời gian để xoay lại con tàu đi đúng hướng. Có ý kiến phản hồi có nghĩa là bạn sẽ bắt mạch được công ty của bạn và biết chính xác những gì mình cần thay đổi nếu muốn có những điều chỉnh để công ty mình trở nên tốt hơn.
Để các cảm xúc của mình chen vào
Các cảm xúc hiển nhiên sẽ là nhân tố chính trong công việc kinh doanh của bạn, vì niềm đam mê mà bạn có với ý tưởng hoặc giải pháp sẽ là lý do tại sao bạn bắt đầu, nhưng nếu quá gắn kết những cảm xúc đó với những việc bạn đang làm, bạn sẽ khiến bản thân mình không thể thấy được những việc cần thay đổi để đạt được thành công xa hơn khi đã tới lúc cần bỏ lại ý tưởng để theo đuổi một tương lai bền vững hơn.
Theo INC