Cụm từ “tái cơ cấu doanh nghiệp” được đề cập đến nhiều từ khoảng năm 2007, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế ở Việt Nam nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm này, từ đó dẫn đến việc xác định chiến lược, giải pháp thực hiện tái cơ cấu chưa đúng trình tự và trọng tâm. Có lẽ đó là nguyên nhân chính của thực trạng kết quả thực hiện tái cơ cấu DN còn nhiều hạn chế trong thời gian qua.
Từ khái niệm
Cấu trúc của DN phù hợp được biểu hiện qua việc tận dụng tốt các cơ hội và tránh né được rủi ro từ môi trường kinh doanh. Khi môi trường kinh doanh thay đổi, đòi hỏi cấu trúc của DN cũng phải thay đổi cho phù hợp, lúc đó đặt ra yêu cầu tái cấu trúc DN. Do vậy, để xác định được trọng tâm của tái cơ cấu DN, trước hết cần phải nhận diện xu hướng thay đổi của môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh doanh gồm các yếu tố như kinh tế, văn hoá xã hội, chính sách pháp luật, dân số, xu hướng công nghệ, cơ sở hạ tầng, và các yếu tố vi mô (nhà cung cấp, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, sản phẩm thay thế…).
DN cần nhận diện những cơ hội và thách thức khi các yếu tố trên thay đổi. Kế đến là xem xét cấu trúc hiện hữu trên các khía cạnh như sản phẩm, thị trường mục tiêu, công nghệ, hệ thống quản lý, các dự án đang đầu tư… có tận dụng được cơ hội và thách thức mới hay không. Nếu nhận thấy có những điểm không tương thích, đó chính là lúc cần đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu.
Thông thường sự thay đổi của môi trường kinh doanh dẫn đến xuất hiện xu hướng mới về nhu cầu sản phẩm, công nghệ và phương thức phân phối. Do vậy, việc đầu tiên của tái cơ cấu là xác định được nên thay đổi sản phẩm như thế nào, hướng đến đối tượng tiêu dùng nào và sử dụng công nghệ sản xuất như thế nào cho phù hợp.
Để đạt được mục tiêu trên, DN phải thực hiện sắp xếp hệ thống quản lý như thay đổi cơ cấu tổ chức, xây dựng lại quy chế, quy trình thực hiện tất cả các công tác, tiến hành đầu tư công nghệ, loại bỏ những hoạt động/lĩnh vực kinh doanh không phù hợp.
Để thực hiện được các chiến lược tái cơ cấu như trên, quan trọng nhất là phải đảm bảo có nguồn lực để thực hiện như nguồn vốn, con người, đối tác chiến lược liên kết.
Đến xây dựng chiến lược
Từ những lập luận trên đề xuất các bước trong chiến lược tái cơ cấu DN như sau:
Bước 1: Dự báo xu hướng thay đổi môi trường kinh doanh để nhận định xu hướng thay đổi trên các khía cạnh nhu cầu sản phẩm, công nghệ sản xuất và phương thức phân phối mới.
Bước 2 : Mô tả cấu trúc hiện hữu của doanh nghiệp trên các khía cạnh: sản phẩm, thị trường mục tiêu, công nghệ, hệ thống quản lý (cơ cấu tổ chức, quy trình, quy chế hoạt động, chất lượng nhân lực), các dự án đang triển khai.
Bước 3: Phân tích cấu trúc hiện hữu của DN có phù hợp để tận dụng cơ hội và tránh né thách thức từ bối cảnh mới của môi trưởng kinh doanh hay không, để từ đó chỉ ra các khía cạnh cần thực hiện tái cơ cấu.
Bước 4: Từ những khám phá được những khía cạnh cần thực hiện tái cơ cấu, xác định mục tiêu tái cơ cấu trên các nội dung bao gồm: định hướng khách hàng mục tiêu, định hướng thay đổi sản phẩm, và định hướng thay đổi công nghệ.
Bước 5: Xác định giải pháp, chương trình, dự án để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu trên các khía cạnh: Hệ thống quản lý (cơ cấu tổ chức, quy chế, quy trình), Đầu tư công nghệ; cải tiến phương thức phân phố, và loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh không phù hợp (thoái vốn).
Bước 6: Để đảm bảo các giải pháp tái cơ cấu được thực hiện thành công, DN cần có chiến lược huy động nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu như nguồn vốn, huy động nhân lực phù hợp cho mục tiêu tái cơ cấu, thiết lập mạng lưới quan hệ với các đối tác phù hợp.
Những sai lầm thường gặp
Trong những năm qua khi môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, nhiều DN đặt ra vấn đề thực hiện tái cơ cấu để vượt qua các biến cố khó khăn và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo đúng nghĩa và đạt được kết quả mong đợi.
Nguyên nhân cơ bản nhất là những sai lầm bắt nguồn từ khâu đề xuất chiến lược tái cấu trúc đến khâu triển khai như sau:
Thứ nhất, DN chưa đề xuất chiến lược tái cơ cấu dựa trên phân tích sự tương thích giữa xu hướng thay đổi môi trường kinh doanh với cấu trúc hiện hữu để xác định mục tiêu dài hạn cho tái cơ cấu. Thay vào đó, DN bắt đầu thực hiện tái cơ bằng những kế hoạch ngắn hạn nhằm vào các giải pháp như sắp xếp tổ chức, thoái vốn, thay đổi nhân sự.
Thứ hai, chưa chỉ ra được điểm trọng tâm cần tái cơ cấu, mục tiêu tái cơ cấu (trên các khía cạnh khách hàng mục tiêu, thay đổi sản phẩm, công nghệ) mà tiến hành trước các biện pháp thứ yếu như sắp xếp tổ chức, thay đổi nhân sự cấp cao, thoái vốn. Nói cách khác, chiến lược tái cơ cấu của nhiều DN Việt Nam đi theo quy trình ngược là hành động tái cơ cấu trước khi xác định được mục tiêu tái cơ cấu.
Thứ ba, nhiều DN tập trung vào cắt giảm chi phí sản xuất với kỳ vọng gia tăng lợi nhuận cũng là một hành động không cần thiết trong thực hiện tái cấu trúc DN. Bởi vì hoạt động tiết kiệm chi phí là hoạt động thường xuyên trong công tác điều hành, không phải đợi đến lúc tái cơ cấu DN mới thực hiện. Hơn nữa, lúc thực hiện tái cơ cấu DN mà đặt trọng tâm vào hành động này sẽ gây cản trở cho việc đầu tư cải tiến công nghệ, hệ thống quản trị, tuyển mộ nhân sự để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản phẩm, phương thức phân phối phù hợp với nhu cầu của bối cảnh mới.
Thứ tư, nhiều DN thực hiện thoái vốn một cách máy móc, thoái vốn ngay cả với dự án đang lỗ theo kế hoạch nhưng có tiềm năng phát triển trong tương lai. Thậm chí, đối với các DN nhà nước, việc thoái vốn bị bắt buộc thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan chủ quản, dẫn đến nhiều DN bán nhiều công ty con, dự án với giá rẻ.
Cuối cùng, nhiều DN đặt mục tiêu thu hồi vốn chứ không muốn bỏ vốn đầu tư mới. Hành động này không phù hợp với việc thực hiện chiến lược tái cơ cấu, bởi vì điều cơ bản nhất của tái cơ cấu là phải đầu tư đổi mới công nghệ, hệ thống quản trị, tuyển mộ nhân tài nhằm tạo ra sản phẩm mới, phương thức phân phối mới cho phù hợp với xu hương tiêu dùng mới. Do vậy việc nghĩ đến các biện pháp huy động vốn, nguồn lực mới là quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu, chứ không phải tìm cách bảo thu hồi vốn, giữ vốn.
Theo DNSG