6 “nấc thang” giúp doanh nghiệp cán mốc tỷ đô

Để tạo nên một doanh nghiệp tỷ đô, thay vì chỉ chăm chăm vào việc “lên chiến lược”, hãy dành tâm sức cho những điều quan trọng hơn thế: xây dựng một đội ngũ tuyệt vời, nhắm đến những thị trường rộng lớn hơn, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm,…

kd13

Trong một phiên họp thú vị tại hội nghị BostInno được tổ chức tuần trước tại khách sạn  Westin Boston Waterfront, các nhà quản lý cấp cao của nhiều công ty đã thẳng thắn chỉ ra các yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển công ty khởi sự của họ thành công ty tỷ đô.

Trước hội nghị, Mike Troiano, Giám đốc tiếp thị Công ty sản xuất thiết bị truyền dữ liệu Actifio kiêm người điều hành phiên họp đã yêu cầu mỗi người tham dự xếp thứ tự theo tầm quan trọng của 6 yếu tố (theo lựa chọn của ông) giúp công ty của họ cán mốc giá trị 1 tỷ đô la. Những người tham dự tới từ nhiều công ty công và tư nhân như: nhà cung cấp mạng lưới truyền tải nội dung Akamai Technologies, nhà sản xuất robot cá nhân iRobot, công ty du lịch trực tuyến TripAdvisor, nhà bán lẻ đồ gia dụng Wayfair,…

Dưới đây là những yếu tố đã được xếp hạng theo thứ tự từ quan trọng nhất tới ít quan trọng nhất.

1. Một đội ngũ tuyệt vời. Tất cả những người tham gia đều nhất trí rằng có một đội ngũ tuyệt vời là công thức quan trọng nhất tạo nên thành công. Jit Saxena, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Actifio lý giải như sau: “Các công ty luôn thay đổi chiến lược ban đầu của họ. Nhưng nếu họ có một đội ngũ xuất sắc, họ sẽ thực hiện nhiều chiến lược khác nhau cho tới khi tìm ra một chiến lược thực sự hiệu quả”.

Vậy điều gì tạo nên một đội nhóm tuyệt vời? Barbara Messing tới từ Công ty TripAdvisor cho rằng: “Một kỹ sư hạng A sẽ có hiệu suất cao hơn gấp 6 lần so với kỹ sư hạng B. Chúng tôi đã phỏng vấn 100 người để chọn ra 10 kỹ sư. Chúng tôi muốn những người có sức mạnh trí não vượt trội và phù hợp với nền văn hóa của chúng tôi. Để làm được điều đó họ cần có năng lượng cao và khả năng chịu đựng tốt để tạo ra những sự cải tiến thường xuyên đối với dịch vụ của chúng tôi”.

2. Một thị trường lớn. Những người tham dự cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc cố gắng bán sản phẩm của họ ra các thị trường lớn. Lý do của họ là gì? Hầu hết các công ty chỉ cố gắng giành được 10% thị trường do mức độ cạnh tranh cao.

Trong một thị trường nhỏ, 10% sẽ không đủ để đem lại doanh thu cho phép các nhà đầu tư của công ty thu lại số vốn họ đã đặt cược vào sản phẩm mới. Vì vậy, nếu các nhà quản lý muốn công ty của họ đạt được giá trị ít nhất là 1 tỷ đô la, họ phải đặt cược vào các thị trường trị giá 10 tỷ đô la. Ví dụ, Troiano cho biết Công ty Actifio đang nhắm tới thị trường trị giá 35 tỷ đô la.

3. Sự thực hiện. Mọi người trong giới kinh doanh có xu hướng bập ngay vào điều khoản thực hiện mà không xác định nó rõ ràng. Nhưng theo nhận xét của những người tham dự hội nghị thì việc thực hiện có nghĩa là: có sản phẩm gia nhập thị trường, lắng nghe phản hồi của khách hàng, xây dựng và giới thiệu phiên bản cải tiến nhanh chóng và sau đó lại lắng nghe khách hàng.

Sự thực hiện được ngưỡng mộ hơn là chiến lược bởi vì chiến lược cho thấy công ty đã thực hiện nghiên cứu rộng rãi về khách hàng, các đối thủ và chi phí trước khi quyết định một vị trí được xác định rõ ràng và sẽ không thay đổi trên thị trường. Nhưng việc thực hiện lại bao gồm việc thử các giải pháp, lấy ý kiến phản hồi từ thị trường và thực hiện các cải tiến – hơn là dành nhiều tháng nghiên cứu trước khi hành động.

4. Chất lượng sản phẩm. Giống như chiến lược, chất lượng sản phẩm bản thân nó có thể là mục đích cuối cùng. Và việc đạt được chất lượng cao đối với một sản phẩm có thế hữu ích nếu tầm nhìn của người kỹ sư giống với tầm nhìn của khách hàng.

Nhưng những người tham dự hội nghị cũng thể hiện quan điểm chung rằng không nên coi chất lượng là một tiêu chí tĩnh mà là nỗ lực để giữ công ty luôn ở vị trí “trên cơ” đối thủ bằng cách khai thác công nghệ mới để tạo ra giá trị cao hơn cho khách hàng.

5. Chiến lược. Mặc dù Troiano, một cựu sinh viên trường kinh doanh Harvard đã được dạy là phải tin rằng đạt được một chiến lược là công việc quan trọng nhất của CEO, nhưng anh và những người tham dự hội nghị khác lại tin rằng chiến lược không phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc đạt được giá trị 1 tỷ đô.

Những người tham dự hội nghị bỏ nhiều phiếu hơn cho tầm quan trọng của việc công ty thông minh và nhanh hơn các đối thủ trong việc xây dựng các giả định về những giải pháp hiệu quả với khách hàng, xây dựng sản phẩm mẫu nhanh,  có ý kiến phản hồi và cải tiến.

6. May mắn. Mặc dù may mắn chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong thành công và thất bại của các công ty, nhưng những người tham dự hội nghị có vẻ không đề cao tầm quan trọng của nó trong việc giúp họ đạt được giá trị 1 tỷ đô la.

Theo HLG