7 bài học khởi nghiệp từ những doanh nhân nổi tiếng

Hiếm có đường học nào lại gập ghềnh như con đường mà các doanh nhân gặp phải khi họ khởi nghiệp lần đầu tiên. Nhưng làm thế nào để lướt băng băng trên những con đường ấy mà không hề vấp váp? Hãy lắng nghe lời khuyên của những doanh nhân đàn anh, đàn chị mà bạn biết – những người không ngại nói về những sơ sẩy đầu đời của họ.

625954_10__8120_812_4287003

Nhưng giả như bạn không quen bất kỳ doanh nhân nào thành công và giàu kinh nghiệm thì sao? Đã có Quora giúp bạn. Trang dịch vụ giải đáp thông tin nổi tiếng thế giới này gần đây đã tổ chức một cuộc thảo luận với chủ đề “Những bài học quan trọng nhất mà các doanh nhân đã học được trong năm đầu khởi nghiệp”. Tham gia thảo luận có những doanh nhân có tên tuổi và thậm chí một số nhà đầu tư. Sau đây là một số bài học nổi bật mà họ chia sẻ.

1. Lắng nghe…

“Do hoàn cảnh bắt buộc, các doanh nhân phải là người có ý trí và bản lĩnh nhưng cũng cần biết lắng nghe và tiếp thu những ý kiến góp ý”. Đó là lời khuyên của Simon Olson, một nhà đầu tư mạo hiểm kiêm lãnh đạo của doanh nghiệp mới: Google Brazil.

2. … nhưng có chọn lọc

Một loạt các ý kiến đều cho rằng một bài học mà bạn sẽ sớm nhận ra khi khởi nghiệp là  ‘không phải lời khuyên nào cũng đúng’. Axel Schultze, người sáng lập công ty hỗ trợ khởi nghiệp Society3 nói một cách ngắn gọn: “Đừng quá tin tưởng vào bất cứ lời khuyên nào – kể cả lời khuyên của tôi”. Cùng quan điểm, Babak Navi, người sáng lập trang kết nối doanh nghiệp – nhà đầu tư phát biểu: “Có khi bản thân người đưa ra lời khuyên còn chẳng biết họ đang làm gì ấy chứ. Trông bề ngoài thì có vẻ ổn thoả thế thôi nhưng bên trong lại rối như tơ vò. Thế nên khi đọc những ý kiến chia sẻ trên Quora cũng phải cẩn thận”.

3. Tiền là tiên là phật

Khi mới khởi nghiệp, ý tưởng, niềm tin, niềm đam mê là những yếu tố rất quan trọng nhưng mọi thứ chỉ có thực sự có ý nghĩa khi bạn có tiền. “Tiền là tiên, là phật. Các doanh nghiệp mới là minh chứng điển hình cho câu thành ngữ ‘năng nhặt chặt bị’. Đừng nghĩ doanh nghiệp mình sẽ trở thành công ty tiền tỷ trong tương lai mà tiêu xài hoang phí. Với doanh nghiệp mới, điều quan trọng nhất là tồn tại được. Nhưng hết tiền là lý do khiến doanh nghiệp nhanh chết nhất” – nhà đầu tư thiên thần hàng đầu của Mỹ David S. Rose tuyên bố.

Chuyên gia công nghệ Twain Liu cũng ví von: “Tiền là vua, kiểm soát được ban quản trị là hậu, cổ phần xe. Bạn không thể để mất một trong ba quân này ngay từ đầu ván cờ”.

4. Kỳ vọng quá nhiều

Một chủ đề khác được bàn luận sôi nổi là việc ‘đếm cua trong lỗ’ của doanh nghiệp – có thể là về thời điểm doanh nghiệp sẽ ăn nên làm gia, quy mô thị trường có thể đạt được…

“Nhiều thứ diễn ra chậm hơn ta kỳ vọng. Hãy xác định các ước tính của bạn phải xê xích tới 2-3 lần” – Aaron Franklin, người đồng sáng lập LazyMeter viết. Doanh nhân John Greathouse thậm chí còn bi quan hơn khi trích dẫn nguyên tắc ‘nhân bốn’ của MouseDriver: Cái gì cũng sẽ kéo dài gấp 4 lần thời gian mà bạn dự kiến, tốn gấp 4 lần số tiền bạn dự trù. Còn kết quả kiểu gì cũng chỉ bằng ¼ những gì mà bạn mong đợi.

5. Hãy quan tâm đến bản thân hơn

Bạn có nên đặt ra những tiêu chuẩn cao vời vợi và giữ thái độ không khoan nhượng với vấn đề cải thiện sản phẩm? Rất nên. Thế nhưng các doanh nhân kỳ cựu cũng khuyến cáo: bạn phải cân bằng những nỗ lực đó với một chút nương nhẹ cho bản thân. Khởi nghiệp không thôi đã là cả một cố gắng lớn, bạn sẽ không thể nào đi đến cùng nếu không giữ được cho tinh thần của mình luôn lạc quan, vui vẻ. Liu chia sẻ: “Bạn sẽ phạm nhiều sai lầm nhưng đừng tự dằn vặt bản thân về điều đó mà hãy học hỏi, thích ứng, tiến bộ và kiên trì với những kinh nghiệm thu được và mục tiêu mà bạn đăt ra”.

Ngoài việc giữ vững tinh thần trong những khoảng thời gian đen tối, Jason M. Lemkin, người sáng lập công ty phần mềm chữ ký EchoSign cũng khuyên các doanh nhân nên quan tâm, nhìn nhận những gì họ đạt được. Ông viết: “Bài học quan trọng nhất mà tôi nhận ra (dù hơi muộn) là nếu bạn làm được bất cứ điều gì, kể cả ở giai đoạn non nớt nhất, bạn cũng phải tự tưởng thưởng cho mình về điều đó và tranh thủ phát huy nó”.

Vả lại, bất cứ thứ gì tốt cho tinh thần cũng sẽ tốt cho thể chất của bạn. Như lời Franklin thì: “Bạn phải cảm thấy thoải mái thì mới làm mọi thứ tốt được. Sức khỏe của bạn là vô cùng quan trọng. Hãy tập thể duc đều đặn và ăn uống đầy đủ”..

6. Đây không phải là bộ phim trinh thám

Bạn không cần phải làm gì cũng giấu diếm, che đậy vì ở đây chẳng có nhiều tai mắt để mà rình mò bạn đến mức ấy. Cứ sống thoáng lên một chút cho nhẹ đầu, như Olson nói: “Người ta [gồm cả các nhà đầu tư] chẳng rỗi hơi mà theo dõi, đánh cắp ý tưởng của bạn làm gì. Thế nên đừng cố gắng bảo mật, bưng bít thông tin một cách thái quá”.

7. Làm việc tại nhà chẳng mấy khi đem lại hiệu quả

Làm việc tại nhà nghe có vẻ ổn: bạn không phải mất thời gian đi lại và không phải tốn tiền bạc thuê địa điểm. Nhưng thực tế, nhiều doanh nhân cho rằng hiệu quả của việc làm tại nhà không cao như người ta tưởng. Max Levchin, đồng sáng lập PayPal tuyên bố: “Với nhiều người, ‘làm tại nhà’ đồng nghĩa với việc chẳng làm gì”. Đồng tình với quan điểm này, Franklin khuyên: “Nó chỉ là phương án cuối cùng khi không bạn còn chọn lựa nào khác. Còn không, hãy ra quán cà phê hoặc khu văn phòng nào đó nghiêm túc để làm việc”.

Theo Hoclamgiau.