Để đạt được toàn bộ tiềm năng, chúng ta cần tạo ra những kết nối có ý nghĩa với nhiều người hơn, những người nhìn nhận mọi thứ khác với chúng ta
Bạn bắt đầu đo lường giá trị các mối liên hệ của mình với một câu hỏi quan trọng: Chúng có thách thức cách suy nghĩ của bạn không?
Thành công của công ty và thành công cá nhân liên quan tới việc tạo nên sự kết nối phù hợp với các đồng nghiệp, nhân viên, khách hàng, bạn bè và đối tác mới và tìm được những người sẽ đưa bạn tới những cơ hội mới. Nhưng nhiều người chỉ quan tâm nhiều hơn tới số lượng hơn là sự kết nối thực sự.
Chúng ta sống trong một thế giới đang ngày càng chú trọng việc tạo ra và quản lý những kết nối, và hầu hết chúng ta đều muốn đạt được ý định này. Kết quả là, chúng ta lại đua tới sự kiện networking tiếp theo để phân phát càng nhiều danh thiếp càng tốt, làm việc thêm giờ để bổ sung thêm các liên lạc trên LinkedIn, và tạo ra các bài viết mới trên Twitter với hi vọng sẽ tạo ra được số lượng người theo dõi đông đảo.
Nhưng theo tác giả kiêm chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Alan Gregerman, hầu hết chúng ta đang kết nối theo cách không đúng, dựa trên một mô hình sai. Trong cuốn sách mới của ông có tựa đề là “The Necessity of Strangers” (Sự cần thiết của những người lạ mặt), ông đã gợi ý rằng mục tiêu thực của chúng ta cần phải là gắn kết, học hỏi và tạo dựng các mối quan hệ thực với mọi người, những người khác với chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải trải rộng suy nghĩ.
Gregerman cho rằng: “Chúng ta không cần hoặc thu lợi từ việc có nhiều mối quan hệ hời hợt. Và hầu hết, nếu không nói là tất cả các mối liên hệ thân thiết nhất của chúng ta là những người giống chúng ta nhiều. Tất nhiên, bạn bè, họ hàng và người quen đều quan trọng, nhưng trong kinh doanh, họ chỉ giúp chúng ta đạt tới một mức độ nhất định. Để đạt được toàn bộ tiềm năng, chúng ta cần tạo ra những kết nối có ý nghĩa với nhiều người hơn, những người nhìn nhận mọi thứ khác với chúng ta, đặt ra nhiều câu hỏi khác biệt, hình dung những khả năng khác biệt và đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại cách chúng ta làm những việc quan trọng nhất”.
Dưới đây là những gợi ý của Gregerman về việc tạo ra những sự kết nối nhằm thay đổi hiện trạng của bạn:
1. Nhận thức được rằng bạn cần liên tục chuyển tải giá trị lớn hơn tới khách hàng. Bạn cũng nên thừa nhận rằng mình không thể có câu trả lời cho mọi vấn đề. Trong thực tế, có thể bạn có một quan điểm khá hạn chế về công việc kinh doanh của mình, những thách thức quan trọng và tiềm năng thực của nó.
2. Thành thật về những thách thức lớn nhất của bạn và tạo ra một nền văn hóa ham hiểu biết và cởi mở. Khuyến khích nhóm của bạn đặt câu hỏi và thường xuyên vượt qua các giới hạn và kiến thức của họ để tìm ra các câu trả lời mới và tốt hơn.
3. Dành thời gian tìm kiếm các ý tưởng và cảm hứng mới. Hãy yêu cầu các nhân viên và đồng nghiệp của bạn rời văn phòng vào một thời gian nhất định nào đó để thăm quan các công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và xuất sắc theo những cách khác biệt. Sau đó cố gắng tạo được những kết nối mới và nhiều ý nghĩa đối với những con người trong các công ty đó, có thể họ nắm được những điều quan trọng mà bạn không biết.
4. Thế giới có đầy thiên tài có thể tạo đòn bẩy để cải thiện công ty của bạn. Hãy tham quan các bảo tàng khoa học và lịch sử để khám phá những đột phá quan trọng, tới các triển lãm nghệ thuật và kết nối với các nghệ sĩ để hiểu cách họ tiếp cận các vấn đề và cơ hội; tham dự vào cuộc sống của những khu phố nhộn nhịp để khám phá xem cần phải có những gì để tạo ra năng lượng và sự nhiệt tình; tham dự các buổi giảng về những chủ đề khác xa với công việc của bạn; và thậm chí tới các buổi buổi diễn để có sự hiểu biết mới về sự hợp tác và đổi mới.
5. Chủ tâm kết nối với những người lạ từ khắp các nẻo đường của cuộc sống, mời họ tới thăm công ty bạn và chia sẻ ý tưởng của họ. Rồi sau đó yêu cầu chính bản thân bạn và đồng nghiệp hình dung suy nghĩ và quan điểm của họ có thể tạo ra một khung mới để nhìn nhận thế giới của bạn.
6. Hãy cởi mở với khả năng cầu may và tiềm năng của những sự kết nối ngẫu nhiên. Đặt bản thân bạn vào những nơi bạn có thể gặp gỡ những người mới và bắt đầu những cuộc trò chuyện có ý nghĩa- trong công viên vào giờ ăn trưa, tại sân bay, nơi xếp hàng chờ mua vé tại rạp hát hoặc bất cứ nơi nào khác. Hãy yêu cầu một người lạ cho lời khuyên hoặc các phương hướng về một vấn đề nào đó. Chủ động giúp đỡ ai đó trên phố. Nói lời chào và bắt đầu cuộc trò chuyện.
7. Chắc chắn rằng tất cả đồng nghiệp của bạn dành thời gian để tụ tập và xây dựng các mối quan hệ công việc và cá nhân với nhau. Trong quá trình đó bạn sẽ tạo ra một nền văn hóa đầy sức mạnh của các cuộc trò chuyện, trong đó bạn tạo cảm hứng để mọi người cùng trở nên sáng tạo.
Gregerman cho rằng: “Tất cả chúng ta đều được dạy để tin rằng chỉ cần quan tâm tới những người mà chúng tôi biết. Đó là một thế giới quan quá hạn hẹp. Chính những người chúng ta không biết mới đáng quan tâm hơn. Tương lại thuộc về những người ham hiểu biết nhất trên hành tinh- những người sẵn sàng kết nối, học hỏi và hợp tác với những người không quen biết”.
Theo HLG