7 câu hỏi để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Theo GS. quản trị kinh doanh Robert Simons của trường kinh doanh Harvard, một chiến lược kinh doanh thành công không phải ở chỗ luôn có được câu trả lời đúng đắn mà nhiều lúc là biết đặt ra câu hỏi đúng.

 

Cuốn sách 7 Câu Hỏi Chiến Lược mới đây của giáo sư Robert  Simons, đã giải thích làm thế nào các nhà quản lý đưa ra những lựa chọn khôn ngoan nhờ đặt ra những câu hỏi trên.

– Đưa ra những câu hỏi đơn giản để giúp đội kinh doanh tập trung vào các vấn đề trọng tâm thay vì chú tâm vào các thông tin làm rối trí, khiến suy nghĩ không rõ ràng.

– Một chiến lược kinh doanh thành công đòi hỏi những cuộc tranh luận mặt đối mặt mà người quản lý có thể tạo điều kiện thuận lợi bằng việc đưa ra những câu hỏi đúng đắn.

– Mỗi câu hỏi được đưa ra trong cuốn sách của Simons là một chủ đề hay quá trình cụ thể mà người quản lý bắt buộc phải nắm rõ để thực hiện chiến lược một cách thành công. Top of Form

1. Ai là khách hàng chính của bạn?

Câu hỏi đầu  tiên – điểm mấu chốt của mọi chiến lược thành công nằm ở lựa chọn phân bổ tài nguyên đến khách hàng. Sự cạnh tranh liên tục về nhu cầu tài nguyên của các đơn vị kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ và các đối tác bên ngoài đòi hỏi các nhà quản lý phải có một phương pháp để đánh giá cách lựa chọn phân bổ tài nguyên nào là tối ưu nhất.

Bởi vậy, đối với bất kì cơ sở kinh doanh nào thì quyết định quan trọng và khó khăn nhất vẫn là xác định đối tượng phục vụ hay người mà bạn đang cố gắng cung cấp sản phẩm, dịch vụ là ai. Rõ ràng, khi đã xác định được đối tượng khách hàng chủ yếu, bạn có thể tập trung tất cả những tài nguyên bạn có để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và có thể giảm đến mức tối thiểu lượng tài nguyên giành cho những đối tượng khác. Điều này sẽ mang lại thành công nhờ lợi thế cạnh tranh.

Đối mặt với khó khăn khi lựa chọn đối tượng khách hàng chính, bạn sẽ dễ dàng tự chấp nhận rằng bạn phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Đây là một trong những lý do chính làm công ty bạn hoạt động không hiệu quả. Nếu bạn liên tục thất bại thì có thể lý do nằm ở chỗ đối thủ cạnh tranh của bạn đã xác định rõ đối tượng khách hàng chủ yếu mà họ nhắm vào, để phân bổ tài nguyên nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu rất cụ thể của họ, trong khi bạn thì không.

2. Những giá trị cốt lõi giành ưu tiên cho cổ đông, nhân viên hay khách hàng?

Cùng với việc xác định đối tượng khách hàng chủ yếu, bạn cũng cần phải xác định các giá trị cơ bản trong đó sẽ chỉ rõ trong các đối tượng cổ đông, nhân viên và khách hàng, ai sẽ được ưu tiên hơn ai. Đặt ra các giá trị ở đây không đơn giản là liệt kê các hành vi hay cách cư xử được mong đợi mà phải xác định được lợi ích của ai là quan trọng nhất khi cần phải cân nhắc, thỏa hiệp.

Ưu tiên các giá trị cốt lõi nên có vị trí trụ cột trong chiến lược kinh doanh của bạn. Đối với một số công ty, quyền lợi của cổ đông là quan trọng nhất, nhưng với công ty khác thì nhân viên là đối tượng được ưu tiên, hoặc cũng có thể là khách hàng. Không có sự ưu tiên nào là đúng hay sai ở đây, nhưng việc lựa chọn ưu tiên đối tượng nào lại hết sức cần thiết. Ví dụ như tập đoàn dược phẩm khổng lồ Merck chịu mất doanh thu 20 tỷ đô khi quyết định rút Vioxx ra khỏi thị trường trong khi Pfizer vẫn tiếp tục tiếp thị Celebrex. (Cả Vioxx và Celebrex đều là những sản phẩm giảm đau nổi tiếng ở Mỹ, nhưng chúng lại tác dụng phụ ảnh hưởng đến tim mạch)

3. Những mục tiêu quan trọng nhất mà bạn theo đuổi là gì?

Một khi bạn đã có nền móng vững chắc trong tay, bạn đã phân bổ tài nguyên hợp lý, và đưa ra chỉ dẫn thích đáng cho những quyết định khó khăn, thì đã đến lúc tất cả nhân viên của bạn tâp trung vào công việc sắp tới.

Câu hỏi thứ 3 chính là: mục tiêu công việc mà bạn đặt ra là gì? Câu hỏi này yêu cầu bạn phải đặt ra các mục tiêu đúng đắn, xác định trách nhiệm giải trình và giám sát công việc. Kết quả kinh doanh sẽ không được như mong đợi nếu chỉ tiêu công việc mà bạn tập trung vào không hợp lý, hay các biện pháp giám sát không hiệu quả.

Bạn cần phải đảm bảo rằng các nhà quản lý đang đi đúng hướng, bằng cách lựa chọn trong nhiều mục tiêu khác nhau cái có thể chỉ ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại theo kế hoạch.

4. Những ranh giới chiến lược bạn vạch ra là gì?

Mỗi chiến lược đều chứa trong nó một rủi ro trong đó hành động của một Cá nhân nào đó có thể sẽ khiến công việc kinh doanh của bạn đi lệch hành trình đã định. Loại bỏ rủi ro là một việc không dễ dàng chút nào. Và chúng ta sẽ thấy, giải pháp ở đây là vạch ra các giới hạn, ranh giới rõ ràng.

Kiểm soát rủi ro trong chiến lược chính là công việc thứ 4 mà bạn phải làm. Các giới hạn chiến lược đảm bảo rằng các sáng kiến của nhân viên nằm trong đường ray mà bạn đã định sẵn cho hoạt động kinh doanh của mình, và các giới hạn chiến lược cũng sẽ giúp bạn tránh các hành động sai lầm dẫn đến sụp đổ như tập đoàn năng lượng Enron hay các công ty tài chính Fannie Mae,  Lehman Brothers.

5. Làm thế nào để thúc đẩy sự sáng tạo?

Một khi bạn chắc chắn rằng bạn đang đặt ra mục tiêu kinh doanh đúng đắn và kiểm soát được rủi ro, đã đến lúc bạn thực hiện nhiệm vụ: thúc đẩy cải tiến, đổi mới. Đây chính là nhiệm vụ sống còn đối với bất kì một cơ sở kinh doanh nào. Nếu bạn mãi không đổi mới, cải tiến sản phẩm, dịch vụ thì bạn không thể tồn tại. Không có một công ty nào ngoại lệ.

Nhưng để liên tục đổi mới, cải tiến là việc không hề đơn giản. Con người thường có những thói quen khiến họ sống thoải mái, họ gắn bó với những gì mà họ biết và từ chối những thứ khiến họ phải thay đổi cách sống.

Để có thể thay đổi bản tính trì trệ, bảo thủ của con người, bạn buộc phải kéo họ ra khỏi vòng thích nghi và thúc đẩy họ đổi mới. Có một số phương pháp mà bạn có thể áp dụng để khơi dậy tính sáng tạo, và để chắc chắn rằng tất cả mọi người đều đang suy nghĩ và hành động như những kẻ luôn khát khao chiến thắng.

6. Nhân viên của bạn có cam kết giúp đỡ lẫn nhau?

Với hầu hết các công ty thì việc đặt ra nguyên tắc rằng mọi người phải giúp đỡ nhau để cùng đạt mục tiêu chung là rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn yêu cầu họ phải đổi mới. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, một số tổ chức có thể và nên được xây dựng dựa trên tính tư lợi, có nghĩa là mỗi người làm việc vì lợi ích của chính họ.

Mặc dù không được đưa ra bàn luận, xem xét nhưng trong tổ chức nào, lựa chọn cam kết giúp đỡ lẫn nhau hay theo đuổi tư lợi đều thể hiện rất rõ ràng. Nếu bạn chưa bao giờ đề cập công khai lựa chọn này hay chỉ mới có ý định đó thì chính bạn đang làm tăng khả năng thất bại trong chiến lược kinh doanh của mình.

Xây dựng cam kết giúp đỡ lẫn nhau chính là nhiệm vụ thứ 6 của người quản lý và có nhiều biện pháp để khuyến khích, nuôi dưỡng cam kết này.

7. Tính bất định của chiến lược kinh doanh là gì?

Dù chiến lược kinh doanh hiện tại của bạn có tốt đến đâu thì nó cũng không thể hiệu quả mãi mãi. Doanh nghiệp lúc thịnh lúc suy, sở thích của khách hàng thay đổi, các đối thủ cạnh tranh thì tung ra các sản phẩm mới, trong khi công nghệ cũng liên tục đổi mới mà bạn không thể ngờ tới.

Và nhiệm vụ cuối cùng đó là thích ứng với sự thay đổi. Rõ ràng để có thể tồn tại, thích nghi với hoàn cảnh mới là vô cùng cần thiết, nhưng cũng vô cùng khó khăn. Khi mà mọi thứ xung quanh ta không ngừng thay đổi, nhân viên thường không biết nhìn vào đâu hay phản ứng thế nào với những thay đổi đó.

Mọi người sẽ nhìn những gì mà ông chủ của họ nhìn vào, vì thế trước tiên người quản lý phải lưu tâm đến tính bẩt định của chiến lược, sẵn sáng thích ứng với sự thay đổi, từ đó, nhân viên mới có thể tìm thấy hướng đi cho mình.

Nhiều công ty đã rất thành công nhờ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới. Như Công ty  dược phẩm Johnson & Johnson, đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tìm kiếm thông tin, ý tưởng mới khi  thị trường thay đổi.

Theo Vef.vn