Nhắc đến Steve Jobs nhiều người sẽ nghĩ ngay đến công ty do ông thành lập Apple và những sản phẩm thành công như iPhone, iPad… Tuy nhiên, sự vĩ đại của Steve Jobs không chỉ dừng lại ở những sản phẩm này. Ông, trong cuộc đời khá ngắn ngủi của mình, đã thay đổi hoàn toàn bảy ngành công nghiệp lớn trên thế giới.
Hãy cùng chúng tôi điểm lại một lượt những điều kỳ diệu mà Steve Jobs đã mang lại cho chúng ta.
Máy tính cá nhân
Với nhiều người Micrsoft mới thực sự là công ty đã mang máy tính cá nhân đến từng hộ gia đình, chúng ta quen với Windows đến mức nhiều người tưởng rằng Mac là kẻ đến sau.
Sự thật không hoàn toàn đúng như vậy. Microsoft đúng là người có công lớn nhất mang máy tính cá nhân đến với thế giới nhưng chiếc máy tính cá nhân phổ biến đầu tiên, sản phẩm được coi như là người mở đường cho máy tính cá nhân (Consumer Computer) lại là Apple I, sản phẩm được chế tạo bởi bộ đôi Steve: Steve Jobs và Steve Wozniak, một thiên tài kinh doanh và một thiên tài kỹ thuật. Sản phẩm này đã đặt nền móng cho công ty trị giá 600 tỷ USD ngày nay.
Một sự thật nữa mà không phải ai cũng biết. Giao diện cửa sổ tương tác với người dùng (GUI) mà chúng ta quen gọi là Windows thực tế là một sản phẩm của Mac. Năm 1985, Apple ký thỏa thuận cho phép Microsoft sử dụng một vài yếu tố trong giao diện người dùng của hãng và Microsoft đã dựa vào đó tạo nên thứ mà chúng ta hay gọi là giao diện Windows hiện nay. Năm 1988, Apple khởi kiện Microsoft sao chép toàn bộ GUI của hãng, cuộc chiến pháp lý có ảnh hưởng lớn đến thế giới công nghệ sau này. Microsoft thắng và Apple bắt đầu lún sâu vào khủng hoảng.
Phim hoạt hình
Bị sa thải khỏi Apple, Steve Jobs tức giận bán toàn bộ cổ phiếu của mình tại đây (chỉ giữ lại duy nhất 1 cổ phiếu). Ông bỏ ra 10 triệu USD để mua lại một studio sản xuất phim hoạt hình sắp phá sản từ Geogre Lucas có tên Pixar. Bạn thấy quen thuộc và đã từng nghe đến nó ở đâu? Vâng, đúng, đây là nơi đã ra đời những siêu phẩm mà hầu như ai trong chúng ta cũng biết: Toy Story, Finding Nemo, The Incredibles, Wall- E, Cars… Năm 2006, Steve Jobs bán lại Pixar cho Wall Disney với giá 7,4 tỷ USD (trả bằng cổ phiếu) và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng hoạt hình này.
Bên cạnh những sản phẩm tuyệt vời tôi đã liệt kê ở trên, Steve Jobs đã khiến cho ngành công nghiệp hoạt hình thay đổi một cách hoàn toàn bằng bộ phim Toy Story nổi tiếng. Đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được thực hiện hoàn toàn trên vi tính. Nó mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn bộ ngành sản xuất phim hoạt hình trên thế giới.
Âm nhạc
Không phải một ca sĩ, không phải một nhà soạn nhạc thiên tài, cũng chưa bao giờ làm một ông chủ hãng thu âm danh tiếng nhưng những gì Steve Jobs làm được khiến cho nhiều người trong ngành này phải ngả mũ thán phục. Có lẽ, không đã thay đổi làng âm nhạc thế giới mạnh mẽ nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Câu chuyện bắt đầu từ khoảng 15 ~ 20 năm trước, thị trường âm nhạc Mỹ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và đe dọa tới sự phát triển, thậm chí là tồn tại của ngành công nghiệp này. Đại khái thì người dân Mỹ khi đó bắt đầu mệt mỏi với việc phải bỏ cả đống tiền để mua một album để rồi chỉ nghe 1, 2 bài. Rủi thay, khi đó Internet lại bắt đầu phát triển, người ta bắt đầu tiếp xúc được với nhạc lậu (giống đa phần cách chúng ta nghe nhạc ở Việt Nam bây giờ), các hãng đĩa lo âu vì nguồn thu nhanh chóng sụt giảm, các ca sĩ cũng không tránh khỏi đau đầu bởi với ca sĩ Mỹ, nguồn thu chủ yếu của họ từ việc bán đĩa chứ không phải chạy sô như ta. Việc đĩa CD thất thế trong thời điểm này, ngoài yếu tố giá cả, còn nằm ở việc nó cồng kềnh, khó bảo quản và cách sử dụng không tiện lợi cho lắm.
Rồi Steve quay lại Apple sau thương vụ Apple mua lại NeXT. Sau khi thanh toán hết những gánh nặng (những sản phẩm thừa) của Apple, cải thiện dòng Mac, ông đưa ra iPod – dòng máy nghe nhạc đã thống trị thế giới thời bây giờ. Ngoài những vượt trội về phần cứng (so với các đối thủ và so với CD) điểm khiến iPod thu hút nhất là kho nhạc khổng lồ – iTunes – cách Steve Jobs đã thay đổi hoàn toàn thế giới âm nhạc.
iTunes đã làm gì? Rất đơn giản, đơn giản đến mức nhiều bạn sẽ coi là trò đùa nếu cho nó là một cuộc cách mạng. Steve Jobs đơn giản là cho phép người dùng mua từng lẻ bài hát với giá 0,99 USD và thay vì “đính” nó vào một thiết bị (đĩa CD chẳng hạn), ông “dính” chặt nó với một tài khoản iTunes. Tóm lại, một người mua 1 bài hát, họ có quyền sử dụng bài hát trên bất cứ thiết bị (tất nhiên là của Apple) nào. Nghe có vẻ đơn giản nhưng vào thời điểm iTunes ra mắt, đây thật sự là một cuộc cách mạng của ngành công nghiệp âm nhạc.
theo genk