7 quyết định công nghệ mạo hiểm đem về núi tiền

10 quyết định của các nhà điều hành và các hãng công nghệ đã từng bị coi là mạo hiểm và “ngớ ngẩn”, nhưng cuối cùng đem lại thành công lớn.

Tất cả các doanh nghiệp công nghệ đang cố gắng tìm hiểu thị hiếu tương lai của khách hàng, đánh bại những đối thủ ngang tài, ngang sức, và ngang bằng – nếu không nói giàu có hơn – về mặt tài chính.

Thị trường công nghệ là một cuộc chiến nhiều rủi ro nhưng cũng rất dồi dào cơ hội. Một bước sa chân có thể khiến một doanh nghiệp đánh mất tất cả, trong khi một bước đi táo bạo nhưng thông minh, hoặc đơn giản chỉ là may mắn, có thể đem về cả núi tiền.

Chúng ta hãy cùng điểm lại 10 quyết định của các hãng công nghệ đã từng bị coi là quá mạo hiểm hoặc “ngớ ngẩn” nhưng cuối cùng lại đem lại thành công lớn.

1. Google mua YouTube với giá 1,65 tỷ USD

Năm 2006, 1,65 tỷ USD là một khoản tiền khổng lồ để mua lại một công ty mới thành lập có tương lai chưa có gì chắc chắn. YouYube lúc đó đang rơi vào tình trạng bấp bênh về mặt pháp lý khi các nhà cung cấp nội dung như Universal và CBS phản đối tình trạng vi phạm bản quyền. Khi ấy, YouTube không có doanh thu mà lại tốn rất nhiều tiền cho chi phí băng thông.

Tuy nhiên ngày nay, YouTube đã là một trong những thành phần quan trọng nhất của thế giới web. Mỗi năm, Google thu về hơn 3 tỷ USD doanh thu từ YouTube. Ngoài ra, YouTube đã khiến hầu hết các nhà cung cấp nội dung hài lòng bằng cách loại bỏ những nội dung vi phạm bản quyền.

2. Twitter từ chối đề nghị mua lại với giá 500 triệu USD từ Facebook

Năm 2008, Mark Zuckerberg nhận thấy Twitter đang trở nên mạnh mẽ và lo ngại đây sẽ là mối đe dọa đối với Facebook. Mark đề nghị mua lại Twitter với giá 500 triệu USD.

Các nhà điều hành của Twitter từ chối thương vụ này vì họ muốn xây dựng công ty độc lập của mình. Hơn nữa, mức giá mà Facebook đưa ra cũng chưa đủ hấp dẫn.

Cuối cùng, việc từ chối Facebook là một lựa chọn thông minh. Hiện nay, giá trị thị trường của Twitter đã đạt từ 8-10 tỷ USD.

3. Apple tham gia thị trường điện thoại

Quyết định tham gia thị trường điện thoại di động của Apple rõ ràng là một trong những bước đi thành công nhất trong lịch sử công nghệ. Tuy nhiên, vào thời điểm ban đầu, đó là một bước đi đột phá của hãng chuyên sản xuất máy tính và iPod.

Để gặt hái được thành công như ngày nay, Apple đã phải đảm bảo phát triển được một phần mềm di động gây kinh ngạc từ buổi đầu ra mắt, đàm phán với các nhà mạng di động Mỹ – những người rất khó tính khi đánh giá điện thoại nào sẽ bán chạy.

4. Chris Sacca vay tín dụng đầu tư cho Photobucket

Chris Sacca đã từng là một nhà điều hành của Google trong vòng 3 năm trước khi ông ra đi vào năm 2006 để trở thành một “angel investor” (nhà đầu tư ngay từ khi doanh nghiệp còn ở giai đoạn “trứng nuớc”).

Công ty đầu tiên ông dành sự quan tâm là Photobucket, một trang chia sẻ hình ảnh đang phát triển khá nhanh. Vấn đề nằm ở chỗ, lúc đó Sacca không hề có tiền, theo lời ông chia sẻ với tạp chí Wired.

Tuy nhiên, Sacca vẫn quyết định đầu tư cho Photobucket bằng một khoản vay lớn từ thẻ tín dụng (số tiền cụ thể không được tiết lộ). May mắn cho Sacca, Photobucket vẫn duy trì được sự phát triển. Một năm sau khi Sacca đầu tư vào công ty này, Photobucket được MySpace mua lại với giá 250 triệu USD. Trang chia sẻ hình ảnh hiện có 40 triệu người dùng.

5. Intel thay đổi trọng tâm kinh doanh từ chip nhớ sang vi xử lý

Năm 1985, Intel lâm vào tình cảnh khó khăn. Lợi nhuận của công ty giảm từ 198 triệu USD xuống còn 2 triệu USD vào năm 1984. Chủ tịch Andy Grove và Tổng Giám đốc Gordon Moore phải chứng kiến công ty chip nhớ do họ đồng sáng lập đã “bị qua mặt trên chính thị trường họ tạo ra”.

Grove và Moore đối mặt với thực tế khó khăn là Intel cần một cuộc cải tổ thực sự. Ông Grove đã đặt ra câu hỏi: “Nếu chúng ta bị sa thải và hội đồng quản trị có một CEO mới, ông nghĩ rằng anh ta sẽ làm gì?”. Gordon Moore trả lời: “Anh ta sẽ đưa chúng ta ra khỏi hoạt động sản xuất bộ nhớ”.

Vậy là một cách tượng trưng, Grove đã tự sa thải và tuyển dụng lại chính mình. Sau đó, ông từ bỏ sản phẩm chính của công ty để bước vào ngành công nghiệp vi xử lý đang phát triển mạnh.

6. Microsoft tham gia thị trường game video

Năm 2001, PS2 của Sony và Gamecube của Nintendo đang chiếm lĩnh thị trường máy chơi game. Cả hai công ty này đều đã đạt được những thành công ban đầu: Sony có PlayStation phiên bản đầu, Nintendo có Nintendo 64. Microsoft là một thành viên mới không chỉ trên thị trường máy chơi game, mà còn trên thị trường phần cứng.

Máy chơi game đầu tiên của Microsoft ra mắt ngày 15/11/2001 bị nhiều người nghi ngờ về cơ hội thành công. Những người này đã đúng. Microsoft phải chịu lỗ 4 triệu USD với máy chơi game đầu tiên, nhưng họ không hề bỏ cuộc. Hiện nay, với XBOX 360, mảng kinh doanh giải trí đã đem về cho Microsoft nhiều tỷ đô la.

7. Facebook từ chối 1 tỷ USD của Yahoo và 15 tỷ USD của Microsoft

Công ty mới thành lập của Mark Zuckerberg mới được 2 năm tuổi khi Yahoo đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỷ USD. Zuckerberg thực sự đã bị cảm dỗ bởi khoản tiền này, nhưng anh vẫn từ chối để giữ quyền độc lập. “Còn rất nhiều điều để làm ở đây”. Mark chia sẻ với thời báo Wall Street Journal.

Một năm sau đó, năm 2007, Tổng Giám đốc Steve Ballmer của Microsoft đề nghị Zuckerberg bán lại Facebook với giá 15 tỷ USD, Zuckerberg lại từ chối.

Hiện nay, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đã có giá trị khoảng 100 tỷ USD. Sau lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Facebook, chỉ riêng tài sản của Zuckerberg cũng lớn hơn mức giá mà Microsoft đưa ra.

Theo ICTnews